VnReview
Hà Nội

Xác người chết, dụng cụ leo núi và phân người ngập tràn trên “nóc nhà thế giới” Everest

Lon nước, đồ hộp, lều, chai nhựa và dụng cụ leo núi và thậm chí cả phân người chỉ là một trong số ít những chất thải được thu gom trên đỉnh núi Everest trong suốt hai tuần qua.

Theo ước tính, các đội tình nguyện đã thu dọn được khoảng 3 tấn rác trên ngọn núi cao nhất thế giới trong suốt hai tuần qua. Hoạt động trên nằm một phần trong nỗ lực làm sạch quy mô lớn của chính phủ Nepal.

Giám đốc du lịch của Nepal, ông Dandu Raj Ghimire cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là thu dọn càng nhiều chất thải trên đỉnh Everest càng tốt, nhằm mục đích khôi phục lại vẻ đẹp cho ngọn núi. Everest không chỉ chiếm ngôi vương trên thế giới mà còn là niềm tự hào của chúng tôi". Trước đó Nepal đặt mục tiêu thu dọn 10 tấn chất thải trong vòng 45 ngày.

Đội dọn dẹp gồm 14 thành viên chia thành các nhóm nhỏ lên các trạm khác nhau trên núi. Một máy bay trực thăng của quân đội Nepal cũng tham gia vận chuyển số rác thải trên đỉnh núi xuống dưới để xử lý.

Tờ Himalayan Time cho biết: "Một số chất thải có thể xử lý được tại địa phương đã được đem tới khu vực Namche. Trong khi chất thải phân hủy sinh học đã được đưa đến Okhaldhunga và chất thải không thể phân hủy như nhựa hoặc chai đựng sẽ được chuyển tới Kathmandu".

Trong nhiều thập kỷ qua, Everest đã chứng kiến trào lưu leo núi để chinh phục nóc nhà của thế giới. Tuy nhiên bên cạnh những thông điệp tích cực, trào lưu này đem lại rất nhiều hệ quả nghiêm trọng, đó là tình trạng rác thải khủng khiếp do người leo núi để lại. Thậm chí có cả xác người phân hủy do tai nạn trong quá trình leo núi.

Theo cựu chủ tịch Hiệp hội leo núi Nepal, Ang Tshering Sherpa tiết lộ với CNN, băng tan trên các sườn núi làm lộ ra khá nhiều xác chết do ngã từ trên đỉnh núi. CNN cho biết, có khoảng 200 người đã chết khi leo núi Everest kể từ năm 1992 tới nay.

Việc xử lý chất thải trên đỉnh núi Everest từ lâu đã được Nepal quan tâm rất lớn. Năm 2014, Nepal quyết định ra mức tiền 4.000 USD cho các nhóm leo núi. Theo đó số tiền này sẽ được hoàn trả lại nếu mỗi thành viên trong đoàn leo núi có thể mang xuống dưới chân núi khoảng 8kg rác.

Trong khi đó ở dãy núi tiếp giáp địa phận Trung Quốc, nước này cũng đã cấm khách du lịch không có giấy phép leo núi. Nguyên nhân do tình trạng xả rác quá nhiều đang đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái ở nơi đây. Bên cạnh đó, Hiệp hội leo núi Trung Quốc và là đơn vị cấp phép leo núi sẽ giới hạn số lượng chỉ 300 người được phép leo lên đỉnh Everest.

Theo ước tính của phía Trung Quốc, lượng rác thải do du khách để lại đã lên tới hơn 8 tấn và buộc nước này phải đóng cửa một số khu vực trọng yếu để phục vụ dọn dẹp rác thải.

Ngoài việc phải đối mặt với biến đổi khí hậu, đỉnh núi Everest còn phải chống chọi với số lượng người leo núi ngày càng tăng. Ước tính đã có hơn 800 người leo đỉnh núi Everest trong năm 2018. Giờ đây đang là mùa leo núi đẹp nhất và không biết nơi đây sẽ còn phải hứng chịu bao nhiêu rác thải nữa từ con người nếu tất cả những người leo núi không có ý thức bảo vệ môi trường.

Tiến Thanh

Chủ đề khác