VnReview
Hà Nội

Tìm cách ăn sống bạch tuộc trong khi đang live-stream, vlogger bị cắn rách mặt

Quả là một tai nạn nghề nghiệp nhớ đời.

octopus

Một vlogger Trung Quốc trong khi đang live-stream cảnh ăn sống một chú bạch tuộc đã bị "gậy ông đập lưng ông": chú bạch tuộc cứng đầu nhảy xổ lên bám chặt vào mặt cô nàng và cắn rách da cô một cách không thương tiếc.

Trong đoạn video, bạn có thể thấy cô nàng vlogger có nickname "seaside girl Little Seven" đang gào thét và tìm cách gỡ chú bạch tuộc láu cá kia ra trong khi những chiếc xúc tu của nó đang bám vào một bên mặt cô.

Vlogger này bắt đầu la oái oái vì đau. Khi gỡ được chú bạch tuộc ra khỏi mặt mình, cô phát hiện ra tai nạn ngoài ý muốn này đã để lại một vết cắt khá ngọt trên má mình.

"Mặt tôi bị rách mất rồi" – cô vừa nhìn vào camera vừa nói. Nhưng có vẻ vẫn chưa chừa, vlogger này tuyên bố sẽ thử "ăn nó lại lần nữa trong video tiếp theo".

Đoạn video dài 50 giây kia đã được stream lên nền tảng video phổ biến là Kuaishou, nơi vlogger có nickname dài ngoằng này đăng tải nhiều video khác cho thấy sở thích ăn và đùa giỡn với các loại hải sản của mình.

Theo tờ Mail, một trong số các video của cô gái miêu tả cảnh cô đang đùa với một chú bạch tuộc khác trên bãi biển.

Khỏi phải nói, màn "chiến đấu" giữa "seaside girl Little Seven" với bữa ăn của cô đã khiến cư dân mạng hào hứng, và hiện tại tên tuổi của cô đang nổi như cồn trên các nền tảng truyền thông xã hội như Weibo.

Khi được đăng lên Twitter, đoạn video này đã được xem đến hơn 926.000 lần, và nhiều người tỏ ra kinh hãi trước tai nạn bất ngờ kia.

Nhiều người khác nói rằng vlogger này bị bạch tuộc "cạp" vì… nghiệp cô gây nên khi cố ăn sống nó.

"Nếu tôi là con bạch tuộc đang cố bị nuốt sống, tôi cũng sẽ làm điều tương tự. Cô ta đáng bị vậy lắm" – một người viết.

Ăn sống hải sản là một hành động khá phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo chuyên gia về động vật chân đầu Jennifer Mather, đồng thời là giáo sư tâm lý học tại Đại học Lethbridge ở Alberta, một con bạch tuộc có thể "biết trước tình hình đau đớn, khổ sở, căng thẳng – chúng có thể nhớ thời điểm đó", và nhiều khả năng đó là lý do giải thích cho phản ứng của chú bạch tuộc.

Các xúc tu của bạch tuộc có hàng trăm giác hút, có thể được di chuyển "độc lập nhờ vào một tổ hợp phức tạp các nơ-ron đóng vai trò mộ bộ não, cho phép động vật này chạm, ngửi và điều khiển các vật thể".

Đáng nói là, những xúc tu này khỏe đến mức có thể mở bung các loại vỏ sò và di chuyển các tảng đá!

Minh.T.T

Chủ đề khác