VnReview
Hà Nội

Còn rất nhiều khó khăn để Việt Nam có thể 'hóa rồng' nhờ công nghệ

Trong khuôn khổ diễn đàn quốc gia đầu tiên về phát triển doanh nghiệp công nghệ diễn ra ngày 9/5 tại Hà Nội, hầu hết các nhà quản lý và chuyên gia đều cho rằng Việt Nam hoàn toàn có nguồn lực để phát triển và ‘hóa rồng' nhờ công nghệ. Tuy vậy, những khó khăn gặp phải và cách để tháo gỡ mới là điều cần phải suy nghĩ kỹ.

Việt Nam sẽ 'hóa rồng' nhờ công nghệ?

Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự phát triển vượt bậc của các công ty công nghệ. Chúng ta đã bỏ qua 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó và giờ đây nhiệm vụ của cả Chính phủ và các doanh nghiệp là rất lớn. Mục tiêu đặt ra là chúng ta sẽ có 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 và đến năm 2045 sẽ trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng, 50% dân số ở tầng lớp trung lưu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, để thực hiện được những mục tiêu đó thì các doanh nghiệp Việt Nam phải làm chủ được công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sản xuất hàng hóa chất lượng cao. Đồng thời, chúng ta cần hạn chế thực trạng mua dây chuyền công nghệ và thực sự đi sâu vào việc làm chủ, tích lũy năng lực, có những phát minh, sáng chế công nghệ.

Hiện nay, thương mại trên nền tảng số đang mang đến cho kinh tế Việt Nam 3,5 tỷ USD, chiếm 1,7% GDP và dự báo sẽ tăng lên 42 tỷ USD trong năm 2030 nhờ việc thúc đẩy công nghệ số để tăng năng suất lao động, giảm chi phí. Thủ tướng cũng nhấn mạnh sau 30 năm lắp ráp, gia công, đã đến lúc chúng ta chuyển sang sáng tạo, làm ra các sản phẩm và công nghệ Việt. Người Việt Nam có đầy đủ tố chất sáng tạo, cần cù lao động. Công nghệ sẽ đi vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, tạo ra một Quốc gia thông minh.

Đồng quan điểm này, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền Thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Chính phủ sẽ luôn đồng hành và tạo ra một thị trường công nghệ tại Việt Nam. Năm 2019, nước ta sẽ thực hiện quá trình chuyển đổi số quốc gia nhanh và trên phạm vi toàn quốc. Điều này sẽ tạo ra thị trường vô cùng lớn cho các doanh nghiệp công nghệ số.

Những 'đặc khu công nghệ', ‘đặc khu đổi mới sáng tạo' với nội hàm là nơi thử nghiệm những cơ chế vượt trội cho doanh nghiệp sẽ được chính phủ xem xét. Chúng ta sẵn sàng cho các thử nghiệm mới, các mô hình kinh doanh mới. Bộ trưởng nêu rõ: ‘Nhiều Quốc gia đã hóa rồng về cơ bản là trên nền tảng của một số tập đoàn công nghệ lớn, chúng ta đang và sẽ sống trong kỷ nguyên số kéo dài hàng trăm năm. Một đất nước hóa rồng cũng phải nhiều thập kỷ. Sự chuyển đổi lớn nhất là sự chuyển đổi của tất cả mọi người trong xã hội đó'.

Còn rất nhiều vướng mắc cần giải quyết

Thể hiện niềm tin vào sự phát triển công nghệ tại Việt Nam, ông Nguyễn Tử Quảng - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc BKAV cho biết: ‘Tôi khẳng định nguồn lực của Việt Nam đầy đủ để có thể làm tất cả những gì tốt nhất về công nghệ mà trên thế giới hiện nay đang làm. Vấn đề là cách suy nghĩ và quyết tâm của chúng ta như thế nào. Rõ ràng thị trường của chúng ta không phải thị trường phát triển nên cần sự nỗ lực lớn hơn so với các thị trường khác'. Ông Quảng cũng đề xuất ý tưởng Việt Nam nên đầu tư cho một số doanh nghiệp trọng điểm về công nghệ. Chỉ cần 5 doanh nghiệp về công nghệ mũi nhọn thôi thì chắc chắn nước ta sẽ rất khác.

Tuy vậy, để phát triển được các doanh nghiệp lớn hay xây dựng được 100.000 doanh nghiệp công nghệ vào năm 2030 thì còn rất nhiều việc cần làm. Tại Diễn đàn, rất nhiều các công ty đã bày tỏ nỗi băn khoăn về thuế, chính sách phát triển, vướng mắc trong thủ tục để phát triển. Trong đó, vướng mắc lớn nhất chính là về thuế.

Theo đó, các doanh nghiệp về công nghệ và sáng tạo tại Việt Nam hiện nay đang rất ít nhận được sự hỗ trợ về thuế của Nhà nước. Ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCorp nói: ‘Các công ty sáng tạo Việt Nam đang nhận được ít ưu đãi nhất và lại đóng thuế nhiều nhất. Ở Trung Quốc có chính sách bảo hộ nên mức đóng thuế bằng 0, các công ty lớn về công nghệ của Mỹ thì đóng thuế ở các quốc gia là ‘thiên đường thuế'. Mức thuế như công ty chúng tôi đang đóng dao động từ 15 - 20% doanh thu. Tôi phải khẳng định là doanh thu chứ không phải lợi nhuận bởi phần thuế VAT và thuế thu nhập rất cao. Chính vì thế rất nhiều công ty muốn làm mà không dám làm. Chúng ta phải xem lại tư tưởng về thuế. Đánh thuế để thu thật nhiều, hay đánh thuế để cho ngành này phát triển rực rỡ'.

Một nỗi lo nữa của các công ty công nghệ chính là về chính sách ưu đãi ngược giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Theo đó, các công ty nước ngoài vào Việt Nam nhận được rất nhiều ưu đãi, có những công ty chẳng phải đóng một đồng thuế nào. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam thì lại bị quá nhiều chính sách bó buộc.

Đồng thời, việc triển khai các dự án của những doanh nghiệp công nghệ với cơ quan Nhà nước cũng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường thừa nhận: ‘Đối với cơ quan Nhà nước có những quy định tồn tại rất lâu, có những thể chế để thay đổi nó cũng sẽ rất lâu. Đó là một rào cản với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp công nghệ làm việc với cơ quan Nhà nước có lẽ thấy khó chịu'. Cùng với đó, ông Lê Minh Quốc - CTO của MK Group cho biết khi làm những việc liên quan đến nhiều bộ ngành khác nhau thì cũng thường gặp khó khăn.

Không chỉ vậy, các doanh nghiệp khi muốn phát triển thì cần phải chinh phục thị trường gần 100 triệu dân trong nước. Tuy nhiên, đây cũng là một khó khăn rất lớn khi theo các chuyên gia thì người Việt Nam vẫn còn tâm lý ‘sính ngoại'. Ông Lê Minh Quốc chia sẻ: ‘Người Việt Nam mình có tâm lý thích dùng hàng ngoại nhiều hơn và tôi cũng không biết đến bao giờ tâm lý này mới xóa bỏ được'. Ông Nguyễn Tử Quảng cho biết thêm: ‘Việt Nam chưa có truyền thống tạo ra các sản phẩm công nghệ tốt. Mình làm được tốt rồi thì người dân cũng khó tin, mình gọi đó là định kiến theo cách tích cực. Chúng ta phải giải quyết được định kiến đó. Đây là vấn đề cực kỳ khó'.

Giữa những tâm tư, trăn trở của doanh nghiệp công nghệ trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ sẽ cùng ngồi lại để giải quyết. Đồng thời, Bộ Thông tin - Truyền thông từ nay sẽ trở thành đầu mối để giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp công nghệ. Về vấn đề chính sách giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: ‘Hiện nay có nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động nhưng không đóng thuế ở Việt Nam. Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài quá lâu. Như ở mảng quảng cáo trên mạng xã hội, doanh nghiệp nước ngoài chiếm 70% doanh thu quảng cáo, nhưng không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam. Chúng ta là một quốc gia có chủ quyền và phải tạo ra môi trường bình đẳng.; Bất kỳ doanh nghiệp nào đến Việt Nam kinh doanh cũng phải giúp cho đất nước ta thịnh vượng bằng cách tuân thủ pháp luật Việt Nam'.

T.T

Chủ đề khác