VnReview
Hà Nội

Thị trường ví điện tử Việt Nam: sôi động nhưng khó 'bùng nổ'

Với lực lượng dân số trẻ đông đảo, tỷ lệ tiếp cận internet và sở hữu điện thoại thông minh ở mức cao trong khu vực đô thị, thu nhập bình quân đầu người tăng ổn định, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển các loại ví điện tử.

Thị trường ví điện tử Việt Nam phát triển sôi động

Con số từ Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng thanh toán điện tử cao nhất thế giới với tốc độ khoảng 35%/năm. Điều này dẫn tới sự phát triển nhanh và rất mạnh của các loại hình thương mại điện tử. Trong đó, ví điện tử trong vài năm gần đây được nhắc đến rất nhiều bởi sự phát triển sôi động của nó.

Đầu năm 2019, một trong những ứng dụng ví điện tử phổ biến của Việt Nam là MoMo công bố trong năm 2018 họ đã tiếp cận được tới gần 10 triệu người dùng cùng với khối lượng giao dịch tăng gấp 3 lần so với năm 2017. Đây là con số gây bất ngờ lớn khi mới cuối tháng 12/2017, MoMo còn công bố số lượng người dùng của mình là hơn 5 triệu khách hàng.

Không những vậy, mới tháng 9/2016, theo công bố của Ngân hàng Nhà nước thì số lượng ví điện tử được phát hành ra tại thị trường trong nước là hơn 3 triệu tài khoản. Điều này có nghĩa, chỉ tính riêng số lượng người dùng của MoMo năm 2018 đã gấp hơn 3 lần so với tổng số người dùng ví điện tử của Việt Nam trong năm 2016 trước đó - một sự tăng trưởng đáng kinh ngạc.

Nhưng thị trường ví điện tử Việt Nam không chỉ có MoMo. Tính đến cuối năm 2017, Nhà nước đã cấp phép cho hơn 20 ví điện tử được cung ứng trong các dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Trong số này, chúng ta có thể thấy nhiều tên tuổi rất mạnh, có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài như AirPay, Moca, Payoo... Thậm chí, các ngân hàng tại Việt Nam cũng đang từng bước thâm nhập thị trường ví điện tử như Ví Việt của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)... hay của những công ty, tập đoàn công nghệ lớn như Zalo Pay (thuộc VNG) hoặc WePay (của VC Corp), ViettelPay của Viettel...

Cơ cấu dân số trẻ, độ phủ sóng của điện thoại thông minh khá lớn cùng với sự tiện lợi và các chương trình khuyến mại hấp dẫn đang khiến ví điện tử được người dùng yêu thích và sử dụng rất nhiều. Không những vậy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ví điện tử cũng đang tìm cách kết hợp với các đơn vị khác tạo nên một ‘hệ sinh thái' mà ở đó người dùng có thể thanh toán nhiều thứ hơn chỉ bằng chiếc điện thoại di động. Ví dụ như trong năm 2018, Moca đã kết hợp cùng Grab hay AirPay liên kết với ứng dụng giao đồ ăn Now.vn...

Các tính năng của ví điện tử Việt Nam hiện nay chủ yếu xoay quanh việc thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, vay tiêu dùng; mua thẻ điện thoại; mua vé xem phim; chuyển tiền; mua sắm trên các ứng dụng thương mại điện tử; mua vé máy bay...; Đầu năm 2019, Nghị định 02 của Chính phủ có một nội dung là đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, trước tháng 12/2019, các dịch vụ thanh toán tiền điện, nước, học phí, viện phí, viễn thông... tại các khu vực đô thị sẽ sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Đây có thể sẽ là cơ hội lớn cho các đơn vị ví điện tử phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Gặp khó khi muốn 'bùng nổ'

Theo số liệu thống kê cách đây không lâu của Standard Chartered thì tỷ lệ trả tiền mặt khi mua sắm online (COD) tại Việt Nam đang ở mức cao hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á và ở mức 90,17%. Trong khi đó, tỷ lệ người dân có tài khoản ngân hàng, dùng thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ tại nước ta lại đang ở dạng thấp trong khu vực.

Như vậy, dù có những bước phát triển rất mạnh mẽ trong thời gian gần đây nhưng ví điện tử dường như vẫn chưa thể thay thế được tiền mặt và chưa có những tác động quá lớn đến thói quen dùng tiền mặt của người Việt Nam. Việc dùng một ứng dụng trên điện thoại để thanh toán khiến nhiều người lo lắng về sự bảo mật và an toàn. Nhất là gần đây, các dịch vụ thanh toán điện, nước, điện thoại... vốn là thế mạnh của ví điện tử thì cũng đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các dịch vụ thu tiền hộ của Thế giới di động, FPT...

Nhưng khó khăn lớn nhất của ví điện tử không chỉ dừng lại ở đó. Việc tạo ra một hệ sinh thái đủ lớn để thanh toán được gần như mọi thứ trong đời sống thông qua một chiếc điện thoại di động là điều mà các ví điện tử tại Việt Nam chưa làm được. Nhìn sang Trung Quốc với 2 ví điện tử là Alipay của Alibaba và WeChat Pay của Tencent chúng ta có thể thấy rõ được điều này.

Tại quốc gia đông dân nhất thế giới, Alipay và WeChat là 2 ví điện tử phổ biến nhất với lượng người dùng khổng lồ. Trong khi Alipay nắm giữ 500 triệu tài khoản sử dụng và giữ 54% thị phần ví điện tử trong nước thì con số này của Wechat Pay là 900 triệu và 40% thị phần (thị phần tính theo doanh thu trong lĩnh vực thương mại điện tử). Cần phải biết rằng, chỉ cần cài đặt 2 ứng dụng này là người dùng tại Trung Quốc có thể thanh toán mọi thứ, từ các loại hóa đơn, ăn uống, viện phí, mua sắm, du lịch... bằng chiếc điện thoại di động.

Việc thanh toán qua ví điện tử tại Trung Quốc phổ biến đến mức, tại các chợ hay các các cửa hàng nhỏ người bán cũng để mã QR code lên bàn, treo trên tường hoặc đeo trước ngực. Người mua chỉ cần mở điện thoại, thao tác vài bước đơn giản, quét QR code là có thể sở hữu món đồ mình cần. Thậm chí, khi sang nước ngoài thì người dân Trung Quốc cũng có thể dùng 2 loại ứng dụng này để thanh toán các dịch vụ mua sắm tại một số quốc gia. Cùng với đó, Alipay và Wechat lại thuộc các ông lớn sở hữu 2 sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc là Alibaba và Taobao. Điều này có nghĩa người dùng các ví điện tử này có thể mua sắm và thanh toán cực dễ dàng với bất kỳ nhu cầu nào của mình.

Nếu nhìn lại tại Việt Nam, thì chúng ta có tới hơn 20 loại ví điện tử nhưng chưa có một đơn vị nào đủ sức chiếm giữ một phần lớn thị phần và đưa ra một hệ sinh thái đa dạng trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến cho người dùng. Những loại ví điện tử tên tuổi như Momo, Zalo Pay, Airpay... tuy phát triển rất mạnh để phục vụ một lượng lớn người dùng nhưng các dịch vụ vẫn chủ yếu là thanh toán hóa đơn, chuyển tiền... 

Việc mỗi loại ứng dụng ví điện tử Việt Nam hiện nay chưa có một hệ sinh thái đủ lớn để phục vụ người dùng cũng đến từ việc lượng người sử dụng tài khoản ngân hàng ở Việt Nam còn chưa cao. Hiện các đơn vị bán lẻ hay các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam khi phát triển thường chỉ liên kết với một hoặc một vài ví điện tử nào đó. Điều này có nghĩa muốn sử dụng được nhiều tiện ích và thanh toán được nhiều thứ qua ví điện tử thì người dùng phải cài rất nhiều ứng dụng. Thậm chí có nhiều đơn vị còn không muốn liên kết với các ví điện tử bởi họ cho rằng chúng không tiện lợi và cũng không chặt chẽ như thẻ ngân hàng.

T.T

Chủ đề khác