VnReview
Hà Nội

Facebook có “nghe lỏm” chúng ta nói chuyện điện thoại để quảng cáo không?

Chắc hẳn bạn đã từng có lần nghe nói về một thuyết "âm mưu" như thế này: Sau khi bạn trò chuyện điện thoại với bạn bè, người thân về một chủ đề cụ thể nào đó, sẽ có một quảng cáo liên quan đến nội dung câu chuyện mà bạn vừa nói xuất hiện trên bảng tin Facebook của bạn (với điều kiện dĩ nhiên bạn phải thực hiện cuộc gọi trên các nền tảng do Facebook sở hữu và cung cấp).

18 thứ đừng bao giờ chia sẻ lên Facebook

Như đa số những tin đồn lan truyền trong cuộc sống bận rộn chốn đô thị của bạn, đây rõ ràng là một thông tin mà, mặc dù thiếu căn cứ và bằng chứng, nhưng gần như ai xung quanh chúng ta cũng biết và có thể cũng tin. Với lượng thông tin khổng lồ mà Facebook đã và đang thu thập về bạn – vị trí địa lý nơi bạn đang đứng, mạng lưới bạn bè và các quan hệ xã hội, những mối quan tâm, sở thích hay thậm chí cả thói quen mua sắm của bạn – khiến cho chúng ta có cảm giác Facebook lúc nào cũng đang "nghe lỏm" cuộc sống của chúng ta.

Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng rất cao là điều này không thật sự xảy ra trong thực tế.

Trong một cuộc nghiên cứu không chính thức, các phóng viên của chuyên trang công nghệ Cnet;đã trò chuyện về những chủ đề định trước qua điện thoại và theo dõi bảng tin Facebook để xem liệu có quảng cáo nào với nội dung liên quan đến những cuộc trao đổi trên xuất hiện hay không. Kết quả là phóng viên không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào cho thấy Facebook đã nghe lén họ. Mặc dù kết quả trên không hoàn toàn có thể 100% phủ nhận việc Facebook có nghe lén điện thoại của người dùng không, song các nhà nghiên cứu bảo mật cũng đâu thể đưa ra bằng chứng nào cho thấy gã khổng lồ mạng xã hội đã "nghe lỏm" thông tin cá nhân của người dùng để phục vụ việc hiển thị các quảng cáo hướng đối tượng.

Bản thân Facebook cũng đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này. Chính nhà sáng lập và là CEO Facebook, ông Mark Zuckerberg hồi năm ngoái cũng khẳng định trước Quốc hội Mỹ rằng công ty không làm việc đó.

"Không. Để tôi nói rõ cho anh điều này. Anh đang đề cập đến thuyết âm mưu lan truyền trong thời gian gần đây, cho rằng công ty chúng tôi đang nghe lén các thông tin mà anh nói trước micro của thiết bị và sử dụng những thông tin đó để phục vụ quảng cáo? Nhưng chúng tôi không làm điều đó," Zuckerberg trả lời câu hỏi của nghị sĩ Mỹ Gary Peters.

Nhưng trên thực tế, thuyết âm mưu này tồn tại không phải là không có cơ sở. Những người quan tâm đến tin tức công nghệ hẳn đã quá quen với thông tin về những hệ thống thu thập dữ liệu người dùng khổng lồ được Facebook dựng lên để hiển thị các quảng cáo tuỳ chỉnh tương ứng với sở thích và mối quan tâm của từng người dùng cụ thể (còn gọi là quảng cáo hướng đối tượng). Những nghi ngờ này lại càng nhận được sự tin tưởng của nhiều người hơn nhờ vào một loạt những vụ việc và phát hiện đang lan truyền trong giới công nghệ trong thời gian gần đây, chẳng hạn như các phần mềm độc hại (malware) do CIA phát triển có khả năng biến điện thoại và TV trở thành những thiết bị nghe lén, và một số mẫu TV của Samsung thậm chí còn bị phát hiện đã ghi lại những cuộc trò chuyện riêng tư.

Nhưng Facebook không cần phải nghe trộm bạn để có thể biết bạn đang suy nghĩ hay quan tâm về vấn đề gì – trên thực tế, công ty có cả trăm cách khác để làm điều đó. Và kể từ năm 2018, chương trình thu thập dữ liệu người dùng của họ đang bắt đầu bị "soi" ngày càng kĩ lưỡng, khi mà quyền riêng tư của dữ liệu người dùng trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của công luận. Các nhà làm luật đang nghiên cứu các giải pháp nhằm hạn chế lượng dữ liệu mà các công ty công nghệ có thể thu thập, cũng như cách thức họ sử dụng chúng.

Có một nhận định đến từ Gabriel Weinberg, CEO của công ty công nghệ DuckDuckGo, rất đáng chú ý về vấn đề này: "Bạn có thể thu thập nhiều dữ liệu người dùng từ các hạ tầng công nghệ theo dõi hiện tại hơn là phát triển các kĩ thuật nghe lén những cuộc trò chuyện của người dùng". Điều này cho thấy việc theo dõi người dùng dựa trên những công nghệ hiện tại đã là quá đủ, và nếu Facebook hay bất kì công ty công nghệ nào khác có ý định phát triển những kĩ thuật mới nhằm "nghe lỏm" các cuộc trò chuyện của người dùng, thì họ cũng chẳng thu thập thêm được dữ liệu gì đáng kể hơn. Do đó, có thể tạm yên tâm rằng ít nhất ở thời điểm hiện tại, các công ty không có lý do gì để "nghe lén" trực tiếp những cuộc trao đổi riêng tư của bạn với bạn bè, người thân hay đồng nghiệp.

Bạn không nên cảm thấy có lỗi nếu bản thân bị lôi cuốn và tin theo cái "thuyết âm mưu" này, đặc biệt là khi những quảng cáo hiển thị trước mắt chúng ta hàng ngày được tuỳ biến quá cụ thể để phù hợp với sở thích và mối quan tâm của mỗi người. Nhưng Facebook có thể tìm hiểu về sở thích của bạn thông qua hàng trăm loại dữ liệu khác – chẳng hạn như những thông tin về vị trí của bạn, những món hàng bạn đã mua, những gì bạn tìm kiếm ở trên mạng và mạng lưới bạn bè của bạn – và từ đó các gã khổng lồ công nghệ có thể đưa ra những dự đoán chính xác đến mức đáng sợ về bạn.

Các chuyên gia nghiên cứu về quyền riêng tư cho rằng mọi người thường hay tin vào việc Facebook nghe lén các cuộc trò chuyện của mình bởi đây là cách đơn giản nhất để giải thích về những quảng cáo hướng đối tượng hiển thị tới họ, nhưng thực tế, lý do và cơ chế đằng sau những quảng cáo ấy là một vấn đề vô cùng phức tạp. Jake Laperruque, một cố vấn cao cấp của Dự án Constitution Project, cho biết ông thường xuyên thấy mọi người "hùa theo" những kết luận đó và cố gắng sử dụng thuyết "âm mưu" này để giải thích mọi vấn đề.

"Mọi người thường nói rằng, ‘Tôi nghĩ đây là cách duy nhất để những quảng cáo tuỳ biến đến được với tôi'", Laperruque nói. "Nhưng mọi người nên suy nghĩ rộng ra. Thế còn những quảng cáo dựa trên vị trí địa lý, hoặc những gì mà một người bạn của bạn đang tìm kiếm thì sao? Chỉ cần dành vài phút để suy nghĩ và bạn sẽ hiểu được vô vàn cách thức mà các công ty công nghệ có thể sử dụng để thu thập dữ liệu từ bạn."

Khi được hỏi về "thuyết âm mưu" này, Facebook nhắc lại một tuyên bố họ đã đưa ra từ năm 2016.

"Chúng tôi chỉ truy cập vào micro của thiết bị nếu bạn đã cấp quyền cho ứng dụng của chúng tôi làm điều đó và trong trường hợp bạn đang chủ động sử dụng một tính năng nào đó đòi hỏi phải có âm thanh của chính bạn. Chúng tôi không truy cập micro ở mọi thời điểm ứng dụng được mở hoặc khi bạn đang không dùng ứng dụng."

Facebook cũng cho biết hãng có mua những dữ liệu âm thanh ẩn danh (các dữ liệu không liên kết với bất kỳ cá nhân cụ thể nào ngoài đời thực) để huấn luyện hệ thống trí tuệ nhân tạo thực hiện các công việc liên quan đến giọng nói, chẳng hạn như công nghệ chuyển lời nói thành chữ viết.

Các bằng chứng phủ nhận hoạt động "nghe lén" của Facebook

Các nhà nghiên cứu bảo mật đã thực hiện phân tích lưu lượng mạng mà ứng dụng Facebook chiếm dụng để xem liệu có bất kỳ dữ liệu âm thanh nào được gửi về các máy chủ Facebook hay không, và kết quả là họ không tìm được bằng chứng nào chứng minh điều đó. Và nếu Facebook thực sự thu thập tất cả những dữ liệu âm thanh đó, thì ứng dụng sẽ tiêu tốn một lượng dữ liệu mạng khổng lồ, CEO Cloudflare Matthew Prince nhận định.

Nếu xét về việc Facebook có hơn 2 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng, sẽ là một nỗi ác mộng kinh hoàng về hậu cần nếu như công ty dành thời gian "lắng nghe" và xử lý tất cả những dữ liệu ấy chỉ để hiển thị các quảng cáo có liên quan đến bạn.

"Nếu điều đó thực sự xảy ra, thì tổng lượng dữ liệu mà Facebook chiếm dụng cho hoạt động này sẽ lớn hơn toàn bộ lượng dữ liệu được trung chuyển qua mạng Internet của thế giới," Prince cho biết. "Cái gì nhân với hai tỷ cũng đều cho ra một con số rất lớn."

Việc phân tích giọng nói và chuyển thành dữ liệu văn bản bằng trí tuệ nhân tạo để phục vụ việc hiển thị quảng cáo hướng đối tượng cũng là một nhiệm vụ khó khăn. Google và Amazon đang chạy đua chỉ để hiểu được lời nói của con người thông qua hai hệ thống trợ lý ảo của họ là Home Assistant và Alexa. Và trong quá trình đó, chúng ta còn gặp phải rất nhiều trở ngại liên quan đến tạp âm, chất giọng địa phương, tiếng lóng và cả âm lượng của giọng nói nữa.

"Việc lắng nghe những cuộc hội thoại trong thời gian thực ẩn chứa rất nhiều thách thức," Gabriel Weinberg, CEO DuckDuckGo chia sẻ. "Việc chuyển đổi giọng nói thành văn bản một cách chính xác, trích xuất tất cả các thông tin đó ra đòi hỏi những hệ thống trí tuệ nhân tạo đặc biệt."

Facebook được cho là đang xây dựng trợ lý ảo thông minh của riêng mình, nhưng nó cần được kích hoạt và sẽ khó có thể bí mật thu âm bạn hay được cài đặt sẵn trên những chiếc điện thoại bán ra thị trường.

Bên cạnh những khó khăn về kĩ thuật, về mặt pháp lý, nếu Facebook làm vậy, công ty sẽ hoàn toàn vi phạm pháp luật, Laperruque cho hay.

Nếu Facebook bí mật thu thập các đoạn ghi âm trò chuyện của người dùng để chạy quảng cáo, hãng sẽ vi phạm Đạo luật chống nghe trộm (Wiretap Act) của chính quyền Hoa Kỳ. Nếu Facebook bị phát hiện làm việc này với hàng tỉ người dùng đang sử dụng nền tảng của hãng, khoản tiền phạt mà công ty phải đối mặt có thể lên đến hàng nghìn tỷ USD.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới đã bị phạt 3 tỷ USD sau cuộc điều tra của Uỷ ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ về bê bối dữ liệu Cambridge Analytica vừa qua.

"Họ sẽ vi phạm pháp luật, và do đó, sẽ không đáng để các công ty công nghệ tự đặt mình vào các rủi ro pháp lý," Laperruque cho biết.

Vậy tại sao những quảng cáo hiển thị cho tôi lại chính xác đến vậy?

Ngay cả khi không nghe lén bạn mọi lúc mọi nơi, các công ty công nghệ vẫn biết cách hiển thị quảng cáo một cách cụ thể và chi tiết đến nỗi bạn sẽ nghĩ rằng họ đang bí mật thu thập những suy nghĩ của bạn vậy.

Bạn thường xuyên bị theo dõi trực tuyến, và những dữ liệu thu thập được cho phép các công ty công nghệ như Facebook và Google tìm hiểu mọi điều về bạn.

Các công ty công nghệ nắm được các trang web bạn đang truy cập thông qua các pixel theo dõi của riêng họ, biết được bạn đang ở đâu thông qua dữ liệu định vị, và những mặt hàng bạn đã mua – trên thực tế, Google nắm được thông tin về khoảng 70% tất cả giao dịch thẻ được thực hiện tại Hoa Kỳ.

Các công ty công nghệ cũng không chỉ có những dữ liệu của bạn – họ còn có dữ liệu về bạn bè bạn nữa. Ngay cả khi bạn chưa bao giờ thực hiện tìm kiếm một sản phẩm nào đó trực tuyến, nhưng nếu bạn bè của bạn đã từng tìm kiếm chúng, thì rất có thể bạn cũng sẽ nhìn thấy quảng cáo. Cách thức hoạt động tương tự như việc bạn ở cùng một vị trí địa lý với những người khác và dữ liệu của các bạn cùng được sử dụng để hiển thị các quảng cáo tương tự nhau vậy.

Cách thức dữ liệu người được thu thập đã được xác lập một cách có cấu trúc và quy tắc cụ thể từ lâu, và do vậy, các công ty công nghệ không cần thiết phải "nghe trộm" bạn. Weinberg cho biết các gã khổng lồ đều đã có tất cả những dữ liệu họ cần về bạn thông qua việc theo dõi các từ khoá tìm kiếm, lịch sử duyệt web, dữ liệu vị trí và lịch sử giao dịch mua sắm của bạn.

"Chỉ với bốn thông tin trên thôi, bạn đã có thể có được lượng dữ liệu khổng lồ về cuộc sống của một người," Weinberg nói.

Quang Huy

Chủ đề khác