VnReview
Hà Nội

Chúng ta cần tìm cách "yên nghỉ" xanh hơn, vì tương lai của Trái đất

Ai cũng muốn có một cái chết sao cho thật viên mãn nhưng chết như thế nào để bảo vệ môi trường thì không phải ai cũng biết. Mới đây, tiểu bang Washington, Mỹ đã có một cách như vậy khi cho phép biến xác người thành phân bón để trồng cây.

Hôm 21/5 vừa qua, Washington đã trở thành tiểu bang đầu tiên hợp pháp hóa hoạt động biến xác người thành phân bón cho cây trồng. Hoạt động trên được các nhà khoa học kỳ vọng sẽ là giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường và Trái đất.

Cái chết là quy luật tự nhiên và không thể tránh khỏi. Sau khi từ giã cõi đời, chúng ta gửi lại thân xác nơi cát bụi. Nhưng trong nhiều thế kỷ qua, con người đang dần đi ngược lại quy luật này khi muốn giữ lại thân xác, hình hài của một người lâu hơn trên dương thế bằng các thủ thuật ướp xác. Có điều, chúng ta lại vô tình ngăn mẹ Trái Đất không thể tiếp cận được với những đứa con của mình.

Theo Popular Science, ướp xác có thể coi là một dạng tội phạm môi trường tồi tệ nhất của con người. Hoạt động ướp xác thường sử dụng đến các hóa chất như formaldehyd và quá trình này đã diễn ra từ thời Ai Cập cổ đại tới nay. Hiện có khoảng 1 triệu người Mỹ được ướp xác mỗi năm. Phải mất từ 11 đến 15 lít hóa chất chỉ để ướp xác và bảo vệ cơ thể của con người tránh bị phân rã. Đây được coi là hành động tưởng nhớ người đã khuất nhưng lại là hành vi nguy hiểm với môi trường và dễ sản sinh ra các chất gây ung thư. Tất cả chỉ vì lợi ích của người đã chết.

Xác người chết thường được bảo vệ trong các hộp quan tài đặc biệt, chủ yếu được làm từ gỗ và thép. Sau đó chúng thường được chôn trong các thùng chứa bê tông. Thay vì trả lại chất dinh dưỡng của cơ thể cho đất như kali, canxi, chúng ta đang khiến quá trình tự nhiên bị đảo lộn.

Khi được bảo vệ trong các thùng chứa bê tông, cơ thể người phân hủy chậm hơn, lúc này các vi khuẩn hiếu khí gần như không thể hoạt động. Lúc này chỉ còn vi khuẩn kỵ khí và sự hoạt động của chúng sẽ làm giải phóng khí metan ra môi trường. So với khí CO2, metan độc hại gấp nhiều lần. Ngoài ra các chất lỏng ướp xác có thể rò rỉ vào đất và xâm nhập vào nguồn nước ngầm và gây nguy hiểm cho sức khỏe của con người. Như vậy, ngay cả khi đã chết, chúng ta cũng "góp phần" phá hoại môi trường của người sống.

Nhiều quốc gia đã ủng hộ giải pháp khác xanh hơn một chút, đó là hỏa táng. Cách xử lý này không cần tốn quá nhiều thời gian và hơn hết có thể lấy được tro cốt của người đã khuất về để thờ cúng. Ngoài ra, người thân cũng không cần phải tới mộ để dọn cỏ như chôn dưới đất. Hỏa táng phát thải ra lượng khí carbon thấp hơn khoảng 10% so với việc ướp xác và chôn cất.

Đây cũng là phương pháp được sử dụng phổ biến tại Mỹ. Theo Philippines Olson, phó giáo sư tại Đại học bách khoa Virginia, người đã có nhiều nghiên cứu về cái chết cho biết, nếu tỷ lệ người Mỹ chọn cách hỏa táng tiếp tục tăng, chúng ta có thể thấy con số này sớm đạt 79,1% vào năm 2035.

Nhưng tất nhiên phương pháp này vẫn còn một số hạn chế. Hỏa táng vẫn phải sử dụng đến tài nguyên. Cụ thể, để biến một xác người thành tro cần đến 105 lít nhiên liệu và điều này quả là lãng phí trong khi nguồn tài nguyên thì có hạn. Theo thống kê tại Mỹ, 50% số người chết được xử lý bằng phương pháp hỏa táng.

Đó là lý do tại sao người dân nhiều quốc gia mà cụ thể là Mỹ đã quyết định chọn các giải pháp xử lý xác xanh nhất có thể để giảm thiểu tác động với môi trường. Hơn 70% nghĩa trang tại Mỹ đang cho thấy nhu cầu ngày càng tăng đối với dịch vụ đám tang xanh. Dịch vụ này sử dụng các chất lỏng ướp xác không độc hại, chủ yếu là tinh dầu thay cho formaldehyd hoặc đặt xác xuống đất một cách tự nhiên.

Các tổ chức như Urban Death Project đang thúc đẩy luật pháp địa phương cung cấp thêm nhiều lựa chọn sau khi chết, bởi luật pháp nhiều tiểu bang hiện chỉ cho phép chôn cất truyền thống hoặc hỏa táng.

Nhưng sắp tới, mọi thứ có thể sớm thay đổi khi tiểu bang Washington đã chính thức hợp pháp hóa biện pháp xử lý thi thể người thành phân bón hữu cơ. Đây được coi là phương pháp xử lý xác sạch và thân thiện với môi trường nhất hiện nay. Những người ủng hộ đạo luật trên cho rằng, ít ra khi chết đi chúng ta vẫn có thể đóng góp được chút gì đó cho hành tinh này, đó là trở thành phân bón để nuôi cây.

Mỗi xác người được xử lý bằng phương pháp sinh học tự nhiên này sẽ giúp giảm phát thải tới 1 tấn CO2. Xác người sau khi phân hủy sẽ được sử dụng làm phân bón và đảm bảo an toàn đối với sức khỏe của mọi người. Ước tính, chi phí biến xác người thành phân bón này chỉ tốn khoảng 5.500 USD, cao hơn đôi chút so với hỏa táng nhưng thấp hơn so với việc chôn cất trong quan tài dưới đất.

Để lại thi thể trên đất và góp phần nuôi lớn những mầm sống chắc chắn sẽ là một nghĩa cử cao đẹp mà ai cũng muốn hướng đến. Giờ đây, đã đến lúc mỗi chúng ta cần thay đổi quan niệm, suy nghĩ đã có từ lâu về cái chết. Cách chết viên mãn nhất và xanh nhất cho môi trường chính là hãy để mọi thứ "thuận theo tự nhiên", hãy để xác người tự phân hủy và đóng góp chất dinh dưỡng cho đất.

Tiến Thanh

Chủ đề khác