VnReview
Hà Nội

Dư luận hoài nghi xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch, đơn vị cung cấp 'bảo bối' nói gì?

Đề cập đến thông tin các chuyên gia, nhà khoa học môi trường tỏ ra hoài nghi về công nghệ, cách xử lý thí điểm ô nhiễm trên sông Tô Lịch và Hồ Tây theo công nghệ mới, lãnh đạo Công ty JEV cho rằng, một số chuyên gia hiểu chưa rõ về công nghệ xử lý.

Đã bước sang ngày xử lý thứ 13 nhưng nước sông Tô Lịch tại đoạn xử lý vẫn đen, hôi. Ảnh: A.Trọng

Thông tin với PV;Tiền Phong, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Cty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JEV) cho biết, như đã báo cáo với lãnh đạo Chính phủ, việc xử lý thí điểm ô nhiễm một góc Hồ Tây và 300 mét sông Tô Lịch sẽ có thời gian và kết quả cụ thể. Về thời gian, sẽ thực hiện trong khoảng 2 tháng. Về kế hoạch đề ra, sau 3 ngày mùi gần như sẽ hết; sau 1 tháng thì một số chỉ số nước sẽ đạt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08); Sau 2 tháng thì hầu hết các chỉ số về nước sẽ đạt QCVN08 và bùn ở tầng đáy sẽ bị phân huỷ.

Đề cập đến công nghệ xử lý, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, quá trình xử lý, hệ thống sẽ phun ra 2 chất bọt khí, lớp bọt khí thứ nhất sẽ làm phân giải các chất bẩn gây ô nhiễm ở tầng trung; lớp bọt khí thứ 2 là bọt khí nano sẽ đi xuyên dưới tầng đáy, mục đích để phân giải toàn bộ lớp bùn tích tụ dưới đáy.

Công nghệ xử lý sẽ không tạo ra chất gì dư thừa hoặc tạo ra chất mới, công nghệ có nhiệm vụ phân giải bùn tạo thành CO2 (chất tạo hòa tan) và H2O (nước). Theo ông Tuấn Anh, đây là công nghệ xử lý ô nhiễm nước rất đặc trưng của Nhật Bản.

Ông Nguyễn Tuấn Anh trả lời báo chí.

Khi phóng viên đề cập đến vì sao đơn vị không công bố thông tin về công nghệ xử lý cũng như chế phẩm để làm sạch nước là chất gì? Ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, có thông tin đầy đủ. "Nhưng công bố để so sánh với cái gì, phải công bố sau xử lý thì mới so sánh được", ông Tuấn nói.

Phóng viên tiếp tục đề cập đến chất xử lý ô nhiễm nước ở sông Tô Lịch và Hồ Tây là chất gì, mặc dù ông Tuấn Anh không muốn đề cập nhưng cuối cùng ông cũng hé lộ: Quá trình xử lý không dùng hóa chất mà người ta (công nghệ của người Nhật) dùng chế phẩm làm từ nguyên liệu bột đá núi lửa.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, để tránh hiểu nhầm về công nghệ, toàn bộ chỉ số kết quả phân tích, cũng như các chỉ số đạt được như đã báo cáo lãnh đạo Chính phủ sẽ được đơn vị triển khai tổ chức họp báo, thông tin sau 1- 2 tháng.

Có mặt tại khu vực sông Tô Lịch đoạn từ Bưởi đến Hoàng Quốc Việt trong ngày 29/5, PV Tiền Phongghi nhận, tuy ông Tuấn Anh khẳng định sau 3 ngày thực hiện xử lý ô nhiễm nước bằng công nghệ đặt máy sục Nano – Bioreactor, mùi hôi trên sông Tô Lịch gần như sẽ hết, sau 1 tháng thì một số chỉ số nước sẽ đạt Quy chuẩn Việt Nam (QCVN 08)… nhưng không chỉ phóng viên mà nhiều người dân sống và qua lại tại đây thấy rằng, việc xử lý ô nhiễm nước theo công nghệ trên đã diễn ra đến ngày thứ 13 nhưng đứng trên bờ sông vẫn ngửi thấy mùi hôi. 

Với những người thường xuyên phải qua lại đây như công nhân vệ sinh, nhân viên trông giữ xe ở hai bên đường và người dân mỗi khi ra khỏi nhà… trong ngày hôm qua chúng tôi ghi nhận, vẫn phải đeo khẩu trang kín mít để tránh mùi hôi. Với màu nước, tuy có giảm một chút váng đọng bề mặt nhưng vẫn đen kịt như mực.

Đề cập đến thông tin các chuyên gia, nhà khoa học môi trường tỏ ra hoài nghi về công nghệ, cách xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch và Hô Tây, ông Tuấn tỏ vẻ khó chịu và cho rằng: Các chuyên gia đó chưa hiểu về công nghệ này.

Theo Tiền Phong

Chủ đề khác