VnReview
Hà Nội

Nhân lực CNTT Trung Quốc kiệt sức trước cuộc đua mang tên 996

Với lịch làm việc 12 tiếng mỗi ngày trong 6/7 ngày trong tuần, anh Wang Shichang thậm chí còn chẳng có thời gian để dành cho người vợ mới cưới của mình.

Ông chủ Alibaba: Làm việc ngoài giờ là điều may mắn với nhân viên

Hết "996", Jack Ma lại bị chỉ trích với quan điểm tình dục: Quan hệ 6 lần/ 6 ngày/ tuần, càng lâu càng tốt

Nhân lực CNTT Trung Quốc kiệt sức trước cuộc đua vì miếng cơm manh áo mang tên 996

Mới ở độ tuổi 28 nhưng Wang Shichang luôn cảm thấy thiếu sức sống. Thị lực của anh cũng kém đi và hai mắt luôn gặp tình trạng mỏi và khô. Ngủ cũng chẳng ngon giấc, anh còn phàn nàn rằng mình đã tăng hơn 9 kg kể từ khi bắt đầu công việc lập trình viên bốn năm về trước.

"Chỉ leo bốn tầng cầu thang thôi cũng đủ khiến tôi thở không ra hơi!" – Wang cho rằng tình trạng của mình hiện tại chính là do chính sách làm việc mà theo cách gọi của Trung Quốc là "996" - một lịch làm việc mệt mỏi kéo dài từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục 6 ngày 1 tuần. Tuy nhiên, hiện nay,; "996" đã trở thành một tiêu chuẩn giờ giấc của các công ty công nghệ và giới khởi nghiệp tại Trung Quốc.

Đề tài này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận gay gắt trên các phương tiện truyền thông trong đó có nhiều ông trùm công nghệ và các doanh nhân cũng tham gia cân nhắc về lợi ích của lối làm việc đầy căng thẳng này. Jack Ma, người sáng lập công ty thương mại điện tử khổng lồ Alibaba và là một trong những người giàu nhất Trung Quốc, đã nhận không ít những lời chỉ trích vào đầu năm nay sau khi bày tỏ ý ủng hộ văn hóa này và gọi đó là "một điều may mắn".

Tất nhiên anh Wang không đồng ý với quan điểm của Jack Ma và anh cũng không phải là người duy nhất có quan điểm này. Nhóm phản đối còn bày tỏ ý kiến của mình trên trang Github, một nơi nổi tiếng trong giới những người làm công nghệ.

Họ cũng chia sẻ các meme "anti 996" châm biếm điều kiện khó khăn của họ. Ví dụ trong một meme đã photoshop một nữ diễn viên Nhật Bản mang một tấm biển có nội dung: "Hãy coi trọng cuộc sống của lập trình viên". Hay như trong một meme khác, một cặp vợ chồng nâng ly rượu với chú thích: "Chúc mừng, cuối cùng chúng ta cũng có thời gian ở cùng nhau sau hai năm chung sống." Tính tới thời điểm hiện tại thì trang dự án 996 trên Github đã gần cán mốc 250.000 lượt yêu thích.

Nhân lực CNTT Trung Quốc kiệt sức trước cuộc đua vì miếng cơm manh áo mang tên 996

Đồng ý kiến với anh Wang và nhóm phản đối lối làm việc này, nhiều chuyên gia cũng góp ý rằng làm việc quá sức có thể sẽ dẫn tới nhiều vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe thể xác lẫn tâm thần.

Bị vắt cạn về thời gian

Trong nhiều thập kỉ qua, lịch làm việc kéo dài và tăng ca đã trở nên phổ biến trong ngành sản xuất của quốc gia này. Không dùng lại ở đó, văn hóa làm việc này đã lan đến cả lĩnh vực hành chính văn phòng. Một cuộc khảo sát năm 2018 của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và Cục Thống kê Quốc gia cho thấy, trung bình, người dân Trung Quốc có 2,27 giờ giải trí mỗi ngày, ít hơn một nửa so với người Mỹ, Đức và Anh.

Ngoài ra, một cuộc khảo sát do chính phủ thực hiện năm 2018 về sức khỏe tinh thần ở Trung Quốc đã thống kê được rằng một nửa trong số 403 nhân viên công nghệ được khảo sát cho biết họ đang trong tình trạng kiệt sức do áp lực công việc. Số còn lại được báo cáo là gặp các vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, và rối loạn cột sống và cổ.

Zhu, một lập trình viên 25 tuổi tại Thượng Hải, cho biết hầu hết mọi người trong công ty của anh đang mắc phải "hội chứng lưng phẳng". Đây là một chứng rối loạn khiến cột sống mất đi đường cong tự nhiên của lưng dưới. Nguyên nhân của nó chính là do tư thế ngồi không đúng cách.

Zhu cho biết: "Trong các lần khám sức khỏe định kì, một số bác sĩ mặc định bỏ qua phần kiểm tra cột sống và chỉ kiểm tra phần lưng dưới". Anh còn tiết lộ rằng giữ nguyên tư thế ngồi đúng cách trong nhiều giờ làm việc là điều "gần như không thể".

Nhân lực CNTT Trung Quốc kiệt sức trước cuộc đua vì miếng cơm manh áo mang tên 996

Ngoài các triệu chứng về thể chất, Wang nói rằng sức khỏe tinh thần của anh cũng bị ảnh hưởng.

"Căng thẳng trong công việc làm cho chứng trầm cảm của tôi tồi tệ hơn nhiều đến mức tôi phải tìm gặp bác sĩ và điều trị lâm sàng", anh cho biết.

Bác sĩ khuyên anh nên kiểm soát áp lực công việc của mình tốt hơn và dành thời gian ngủ nhiều hơn, nhưng Wang nói rằng rất khó để đánh đổi giữa công việc và thời gian cho bản thân. "Vợ chồng tôi đôi khi còn cắt ngắn thời gian ngủ của mình để làm những việc mình muốn. Tôi có thể ngủ thoải mái vào cuối tuần, nhưng tôi không muốn dành cả ngày cuối tuần chỉ để ngủ mà thay vào đó, tôi sẽ đặt báo thức và dành nhiều thời gian hơn cho những việc như xem phim và thưởng thức hòa nhạc", Wang nói.

Twenty Wu, một nhà phát triển phần mềm 23 tuổi cho một trang web thương mại điện tử Trung Quốc, chia sẻ rằng anh ta cũng phải thường xuyên đứng giữa hai lựa chọn là làm những hoạt động không liên quan tới công việc hoặc là dành cho bản thân một giấc ngủ đúng nghĩa.

"Tôi về nhà vào khoảng 11 giờ tối sau các ngày làm việc và chỉ muốn lên giường ngay lập tức bởi tôi không còn thời gian hay năng lượng để giải trí và học tập", Wu nói.

Và tất nhiên, làm việc quá sức thì không phải là "đặc sản" của riêng Trung Quốc. Những nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có văn hóa giờ làm việc kéo dài tương tự vậy. Các thuật ngữ Karōshi trong tiếng Nhật và gwarosa trong tiếng Hàn đều là những từ dùng để nói đến cái chết do làm việc quá sức.

Nước Mỹ cũng không nằm ngoài luồng văn hóa này với ví dụ tiêu biểu chính là lối làm việc "hối hả" ở Thung lũng Silicon. Elon Musk, vị doanh nhân đã sáng lập ra công ty sản xuất ô tô điện Tesla, từng tuyên bố rằng ông làm việc 80 đến 90 giờ một tuần: "Không ai có thể thay đổi thế giới chỉ với 40 giờ làm việc một tuần".

Đơn điệu và nhàm chán

Theo Xiang Yuanzhi, tổng biên tập của tạp chí Internet Economy thì một lý do khiến thế hệ công nhân trẻ tuổi ngày nay cảm thấy họ bị đối xử bất công chính là sự khập khiễng giữa kì vọng và thực tế.

Nhiều người bước vào lĩnh vực này với sự đào tạo bài bản nhưng rồi họ cũng sớm nhận ra rằng lượng công việc và mức lương mà mình nhận được chẳng hề giống với những gì họ tưởng tượng. So với các chuyên gia trong lĩnh vực khác, chẳng hạn như bác sĩ hoặc nhà khoa học, các lập trình viên không nhận được địa vị trong xã hội và sự tôn trọng cao như những ngành nghề kể trên, điều này đã hình thành sự không hài lòng trong tâm trí họ.

Xiang cũng cho biết rằng: "Công việc của họ rất nhàm chán và lặp đi lặp lại, tập trung vào các phần nhỏ của các dự án code khổng lồ. Vì vậy, rất khó để họ có được cảm giác thoải mái trong công việc".

Wang còn cho rằng: "Thẳng thắn mà nói thì các lập trình viên về cơ bản không khác gì công nhân làm việc trên dây chuyền lắp ráp. Các lập trình viên trẻ Trung Quốc đều là những người được trưởng thành trong một cuộc sống thoải mái hơn. Bởi vậy, nhu cầu về sự tự do cá nhân và sự thăng tiến trong công việc cũng họ cũng cao hơn nhiều".

Sự kì thị về mặt cảm xúc

Trong số 40 nhân viên công nghệ mà trang tin CNN tiếp cận, chỉ có ít người cho biết rằng họ đã nhận được sự tư vấn hoặc giúp đỡ từ các dịch vụ hỗ trợ nhân viên, một vị trí mà nhiều công ty công nghệ Trung Quốc còn thiếu sót.

Enoch Li, người đang điều hành một công ty cung cấp dịch vụ tư vấn sức khỏe tinh thần cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc, tiết lộ rằng theo kinh nghiệm của cô, sức khỏe tinh thần của nhân viên là một vấn đề không được nhiều doanh nhân quan tâm. "Đôi khi họ còn không có ngân sách cho điều này", cô cho biết. Không chỉ vậy, ngay cả tại những công ty có dịch vụ hỗ trợ cảm xúc cho nhân viện thì quá trình này cũng hoạt động rất một chiều và thiếu đi sự tương tác từ phía người hỗ trợ.

Li cho rằng các công ty Trung Quốc quá coi trọng "khả năng ổn định tinh thần" hoặc "sự kiên trì" nhưng không nhớ tới việc nói cho nhân viên biết khi nào thì nên gỡ bỏ chiếc mặt nạ "kiên cường" ấy xuống. Bên cạnh đó sự kỳ thị xung quanh các vấn đề sức khỏe tinh thần ở Trung Quốc đã khiến nhiều công nhân khá e dè trong việc bày tỏ cảm xúc cá nhân và tìm kiếm sự giúp đỡ.

Zhu, một nhân viên của công ty công nghệ tài trợ nước ngoài cung cấp cho nhân viên dịch vụ tư vấn miễn phí đồng ý rằng việc chăm sóc sức khỏe tinh thần là điều cần phải được thực hiện, lại cho biết rằng: "Đúng là tôi cảm thấy lo lắng, nhưng chưa nghiêm trọng đến nỗi cần can thiệp của trị liệu".

Nhưng Wang lại không được may mắn như vậy. Không công ty nào trong số 5 công ty công nghệ  của Trung Quốc mà anh đang làm việc có dịch vụ tư vấn sức khỏe tinh thần cho nhân viên. Thậm chí anh phải tự đóng vai trò bác sỹ để bắt bệnh cho mình thông qua những video trên YouTube về trầm cảm và những bài viết trên mạng.

Anh hiểu được rằng cuộc chiến chống lại căn bệnh trầm cảm của mình vẫn còn dài, với nhiều liệu pháp khác nhau cần phải thực hiện. Nhưng nó vẫn chẳng thể dài được bằng hiện thực công việc mà anh phải đối mặt ở cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trung ND

Chủ đề khác