VnReview
Hà Nội

Diện tích chỉ bằng 1/5 Hà Nội, Singapore trồng rau trên mái nhà, nuôi tôm trong phòng thí nghiệm

Là quốc gia có diện tích nhỏ nhất Đông Nam Á, chỉ bằng 1/5 thành phố Hà Nội hiện nay, đảo quốc sư tử đang cố gắng đảm bảo an ninh lương thực bất chấp điều kiện tự nhiên nghèo nàn.

Để đảm bảo cung cấp đủ nguồn lương thực cho 5,6 triệu dân, Singapore đang cố gắng giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường tự cung tự cấp. Họ phải tận dụng mọi không gian có thể canh tác và chăn nuôi. Diện tích Singapore chỉ bằng 1/5 thủ đô Hà Nội, với 1% trong đó được dành ra cho các trang trại, 280 m2 trên 724 km2. Điều kiện ngặt nghèo gây nên áp lực rất lớn.

Dâu tây trồng trong cơ sở của;Sustenir Agriculture

Singapore đang tự cung ứng 10% nhu cầu lương thực, nhưng biến đổi khí hậu và gia tăng dân số đe dọa chuỗi thực phẩm toàn cầu. Do vậy, đất nước đặt mục tiêu có thể tự cung cấp 30% nhu cầu lương thực cho đến năm 2030. Thách thức hàng đầu chính là diện tích canh tác eo hẹp đã nêu ở trên, khiến chi phí đầu vào của họ tăng vọt, cao hơn bất cứ vùng nào ở khu vực Đông Nam Á.

Cải bắp do Sustenir Agriculture gieo trồng

Từ những trại cá thẳng đứng, trồng rau trên mái nhà hay nuôi tôm trong phòng thí nghiệm, Singapore làm tất cả. Sustenir Agriculture là một trong hơn 30 trang trại thẳng đứng ở đây, đã chứng kiến số trang trại bầu trời (sky farm) tăng gấp đôi trong ba năm qua. Áp dụng hình thức canh tác hydroponic (trồng cây không cần đất), họ trồng các loài rau không phải bản địa như cải bắp, cà chua bi, dâu tây ở trong nhà, sử dụng hệ thống chiếu sáng nhân tạo và thu hoạch giao cho các siêu thị, cửa hàng tạp hóa trực tuyến.

Trồng rau trên mái nhà ở Singapore

Áp dụng hình thức canh tác không cần đất, giúp tăng năng suất cây trồng

Apollo Aquaculture Group là một đơn vị khác tham gia nuôi cá trong trại cá thẳng đứng. Được đầu tư 70 triệu USD và đang xây dựng, trại cá của họ có 8 tầng và vận hành tự động hóa mức độ cao, có thể cung cấp sản lượng gấp 20 lần mức 110 tấn cá hàng năm. CEO Apollo nói rằng không thể nuôi trồng theo cách truyền thống được nữa, khi tảo nở hoa khiến cá của người dân chết hàng loạt.

Trại cá 8 tầng với năng lực tự động hóa mức cao của Apollo Aquaculture

Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ trong cuộc chiến đảm bảo an ninh lương thực, chính quyền Singapore đầu tư hàng triệu USD cho các công ty, bao gồm 104 triệu USD cho nghiên cứu thực phẩm, 45 triệu USD cho các công ty nông nghiệp nhằm thúc đẩy năng suất. Bên cạnh đó, nước này còn xây dựng thêm một điểm trồng trọt rộng 18 hecta, một trang trại côn trùng vào giữa năm 2021.

Rau trồng được đóng gói, chuẩn bị giao tới các cửa hàng

Một công ty khác rất tham vọng là Shiok Meats, đặt mục tiêu trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới bán ra các tôm nuôi cấy tế bào trong phòng thí nghiệm. Quá trình được nhận xét là vô hại với động vật, nuôi cấy tế bào trong các bể dung dịch dinh dưỡng. Sau khoảng sáu tuần, chất lỏng rút ra để lại thịt băm tôm còn sống, có thể sử dụng. Đồng sáng lập Sriram cho biết Shiok Meats có kế hoạch bán sản phẩm tại một hoặc hai nhà hàng cao cấp vào cuối năm 2020, đến năm 2030 hy vọng sẽ sản xuất đủ thịt tôm cho Singapore.

Một nhân viên đang kiểm tra các khay chứa cây giống

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng công nghệ cao là chìa khóa giải quyết vấn đề. William Ho, 53 tuổi, nói rằng chính phủ đang ưu ái quá mức các doanh nghiệp canh tác công nghệ cao mà không để ý đến hồ sơ của họ. "Nhiều người trong số họ cuối cùng đã thất bại. Đó là lí do vì sao tôi luôn đặt câu hỏi với chính phủ, tại sao không đầu tư vào chúng tôi. Chúng tôi thực tế hơn nhiều". Một trong những trở ngại khiến các nông dân ở đô thị khó áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, là mức chi phí đầu tư quá cao. Có thể khiến sản phẩm bị đẩy giá lên ngoài tầm với người tiêu dùng.

Ambitious Man

Chủ đề khác