VnReview
Hà Nội

Trung Quốc sẽ không loại trừ việc sử dụng đất hiếm làm vũ khí chống lại Mỹ

Một phát ngôn viên của chính phủ Trung Quốc cho biết, nước này sẽ ưu tiên nguồn khoáng sản phục vụ cho nhu cầu trong nước mặc dù Trung Quốc đang là nước xuất khẩu hàng đầu sang thị trường Mỹ.

Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC) - Cơ quan hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định, nước này đang cân nhắc đến việc sử dụng xuất khẩu đất hiếm như một đòn đáp trả trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Cụ thể, người đại diện cho biết: "Nếu bất cứ ai muốn sử dụng đất hiếm xuất khẩu của chúng tôi để chống lại sự phát triển của Trung Quốc thì người dân nước này sẽ không vui. Tôi muốn nhắc lại ở đây rằng, các chuỗi sản xuất của Trung Quốc và Mỹ có tính liên kết rất chặt chẽ và bổ sung cao. Cả hai nước sẽ cùng có lợi nếu chúng ta cùng nhau hợp tác. Nhưng sẽ thật mệt mỏi nếu cả hai phải chiến đấu với nhau".

Ông này cũng nhắc về việc Trung Quốc luôn tuân thủ nguyên tắc cởi mở, hiệp lực và chia sẻ để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp đất hiếm. Tuy nhiên, mặt khác, Trung Quốc vẫn sẽ ưu tiên nguồn lực cho sự phát triển trong nước trước khi cung cấp cho các quốc gia khác.

Các nhà phân tích cho rằng, phát ngôn mang tính ám chỉ trên là lời cảnh báo rõ ràng của Bắc Kinh đối với Washington về việc nước này đã có trong tay nhiều vũ khí để chống lại Mỹ.

Tuy nhiên, phát ngôn trên cũng làm dấy lên những cuộc tranh cãi sôi nổi trong xã hội Trung Quốc về việc nước này có nên "ăn miếng trả miếng" với Mỹ hay không. Mới đây, tờ Nhật báo Nhân dân Trung Quốc cũng xuất bản một bài xã luận nhấn mạnh "Mỹ không nên đánh giá thấp khả năng của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại".

Hiện tại, lượng hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ đang cao hơn gần gấp 4 lần so với các lượng hàng Mỹ nhập từ Trung Quốc. Do đó, đây là một vấn đề lớn cần hết sức cân nhắc. Lời tuyên bố trên được đưa ra sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm một cơ sở khai thác và chế biến đất hiếm ở Cám Châu, tỉnh Giang Tây mới đây.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tìm hiểu về quy trình sản xuất và vận hành tại công ty Đất hiếm JL MAG tại Cám Châu, Giang Tây hôm 20/5

Tại đây, một giám đốc của một nhà máy sản xuất đất hiếm lớn ở Cám Châu, Giang Tây đã chia sẻ với tờ Thời báo Hoàn Cầu: "Chúng tôi đồng tình với lập trường của chính phủ đối với đất hiếm. Chúng là tài sản chiến lược mà Trung Quốc có thể dụng để trả đũa việc Mỹ ngăn chặn Huawei và Trung Quốc. Đã đến lúc sử dụng quân bài để Trung Quốc có thêm tiếng nói trên bàn đàm phán giải quyết tranh chấp thương mại".

Vị giám đốc này cũng khẳng định, Mỹ sẽ phải mất nhiều năm mới có thể xây dựng được chuỗi cung ứng đất hiếm hoàn chỉnh như hiện nay. Hiện tại Trung Quốc đang có lợi thế về công nghệ và chi phí sản xuất tốt hơn so với Mỹ.

Đất hiếm là một hợp chất chứa 17 thành phần hóa học và là loại khoáng sản rất quan trọng đối với sản xuất điện tử tiêu dùng, chất bán dẫn và thiết bị quân sự. Ứng dụng của đất hiếm có rất nhiều bao gồm việc sản xuất linh kiện điện thoại, chế tạo nam châm vĩnh cửu, động cơ điện,… Mặc dù vậy, việc khai thác đất hiếm dễ gây ô nhiễm và phát thải các chất độc hại ra môi trường.

Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu về trữ lượng và sản lượng xuất khẩu đất hiếm trên thế giới. Theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nước này đã xuất khẩu được khoảng 5,3 triệu tấn đất hiếm với trị giá tương đương 490 triệu USD trong năm 2018, tăng 3,36% so với cùng kỳ năm 2017. Ước tính, lượng khai thác đất hiếm của Trung Quốc trong năm 2018 chiếm ít nhất 71% sản lượng khai thác toàn cầu.

Mặc dù vậy, không phải tất cả đất hiếm đầu tập trung tại Trung Quốc. Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, trữ lượng đất hiếm trên toàn thế giới ước tính lên tới khoảng 120 triệu tấn, trong đó 44 triệu tấn nằm ở Trung Quốc, 22 triệu tấn nằm ở Brazil và 18 triệu tấn nằm ở Nga.

Ngoài ra, đất hiếm còn nằm rải rác ở các quốc gia khác với trữ lượng không đáng kể như Mỹ, Úc, Malaysia,… Mặc dù vậy, Mỹ vẫn phải nhập khẩu phần lớn đất hiếm từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc. Theo các số liệu, 80% đất hiếm được nhập khẩu vào Mỹ từ năm 2014-2017 đều có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Cũng theo Ủy ban thương mại quốc tế Mỹ, Trung Quốc là nguồn cung cấp đất hiếm hàng đầu cho nước này với giá trị thương mại đạt tới 92 triệu USD trong năm 2018.

Nếu Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, nó cũng không hẳn là vấn đề lớn đối với ngành công nghiệp và thậm chí còn làm tăng giá trị của đất hiếm trên toàn cầu. Khi giá đất hiếm tăng, các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ là bên được hưởng lợi nhiều nhất.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tưởng chừng đã được giải quyết trên bàn đàm phán hồi đầu năm nhưng mọi thứ đều đổ bể khi cuộc chiến ngày càng leo thang căng thẳng hơn bất chấp đã có rất nhiều cuộc trao đổi giữa hai bên. Nguyên nhân là việc hai bên chưa tìm được tiếng nói chung và sự cân bằng lợi ích.

Phía Mỹ lên tiếng cáo buộc Bắc Kinh đã bỏ qua các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường và trợ cấp nhà nước cho ngành công nghiệp và các công ty. Sau đó chính quyền ông Trump đã có bước đi cứng rắn đầu tiên khi áp thuế 25% lên số hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc. Sau đó, quốc gia tỷ dân cũng đáp trả với việc áp thuế lên số hàng hóa trị giá 60 tỷ USD của Mỹ.

Nhưng căng thẳng chỉ thực sự lên tới đỉnh điểm khi Huawei bị Mỹ cấm cửa hợp tác kinh doanh với các công ty nước này như Google, Intel, Microsoft,… Điều này khiến Bắc Kinh nổi giận và các quan chức Trung Quốc từng khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích của các công ty nước này đến cùng.

Tiến Thanh

Chủ đề khác