VnReview
Hà Nội

Đây là 4 tình huống khiến chúng ta phải sờ đến smartphone thường xuyên, rất ít người cưỡng nổi

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington tin rằng họ đã xác định được 4 tình huống phổ biến mà bất kỳ ai trong chúng ta nếu gặp phải cũng sẽ ít nhất một lần… rút điện thoại ra khỏi túi, dù cho bạn thuộc độ tuổi nào đi nữa.

phone

Trong bài viết dưới đây, chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể đó là những tình huống nào, làm sao để đoán trước được những tình huống đó, và những gì bạn có thể làm để thay đổi thói quen và dành ít thời gian trước màn hình điện thoại hơn.

1. Trong những thời điểm rảnh rỗi

dnd

Đã bao giờ bạn đứng đợi tàu/xe bus, hay ngồi đợi bạn bè, hay xem đoạn credit cuối một bộ phim, và không hề rút điện thoại ra để xem điều gì đang diễn ra với thế giới xung quanh hay chưa? Một trong những cách smartphone làm thay đổi cuộc sống của chúng ta chính là nó khiến bản thân mỗi người không bao giờ còn cảm thấy nhàm chán và rảnh rang nữa.

Vấn đề là, một chút nhàm chán hóa ra lại tốt cho chúng ta: có bằng chứng cho thấy nhàm chán chính là chất xúc tác thúc đẩy những ý tưởng sáng tạo. Do đó, nếu có lúc nào đó bạn thấy đầu óc bỗng trống rỗng, hãy nhớ rằng đó chưa hẳn là điều tệ hại.

Không có mánh lới ma thuật nào có thể giúp bạn cưỡng lại cám dỗ phải tìm đến chiếc điện thoại đầy thú vị mỗi khi không có gì để làm cả - bạn phải biết mình đang bị cám dỗ và cố không buông thả bản thân trôi theo cám dỗ đó. Giả dụ bạn ăn trưa xong sớm hơn thường lệ, khi quay về phòng, hãy thử nhìn vào khoảng không vô định trong vòng 5 phút thay vì ngay lập tức dán mắt vào màn hình điện thoại.

Hãy đặt điện thoại sang chế độ Không làm phiền (Do Not Disturb), hay thậm chí là tắt hẳn nó đi vài lần trong ngày. Nếu bạn biết rằng chẳng có gì để xem, và cũng không có thông báo nào để bấm vào, thì bạn sẽ ít hứng thú cầm điện thoại lên hơn. Một mẹo khác là hãy thử để điện thoại trong hộc bàn khi ra ngoài ăn trưa, hoặc làm điều gì đó tương tự - bạn sẽ thấy kha khá ý tưởng hay ho bỗng ùa đến trong tâm trí của mình đấy.

2. Trước hoặc trong khi thực hiện những công việc nhàm chán, lặp đi lặp lại

caughtup

Trong quá trình thực hiện những công việc chẳng mấy thú vị, chúng ta có xu hướng mong muốn… bị phân tâm – đó là lý do tại sao khi còn là sinh viên, nhiều người thường nổi hứng dọn dẹp nhà cửa từ trên xuống dưới, "luyện" các bộ phim truyền hình, hay sắp xếp lại giá sách theo màu sắc và thứ tự alphabet trước khi bắt tay vào giải quyết đống bài tập được giao. Khi trí óc mắc kẹt vào những thứ nhàm chán và lặp đi lặp lại, nó muốn tìm đường thoát ra.

Và đó là thứ điện thoại mang đến – những chuỗi dài bất tận những trạng thái Facebook, những hình ảnh Instagram, hay những dòng tweet luôn sẵn sàng để người dùng mò mẫm. Ngay cả khi bạn bè trên mạng xã hội không thể làm bạn hào hứng, Netflix luôn "dang rộng vòng tay", hay cả thế giới World Wide Web rộng lớn luôn ở đó chờ bạn khám phá.

Chúng ta không thể giả vờ rằng những công việc nhàm chán và lặp đi lặp lại kia thú vị hơn những gì hiện ra trên điện thoại, nhưng nếu bạn không nghĩ đó là những công việc quan trọng, bạn sẽ chẳng bao giờ bắt tay vào thực hiện chúng được. Việc liên tục cầm điện thoại lên rồi lại đặt điện thoại xuống sẽ khiến những công việc nhàm chán giống như nghĩa vụ, và thực hiện chúng sẽ mất rất, rất nhiều thời gian hơn nữa.

Nếu bạn muốn dành tối đa thời gian để xem cho kịp series yêu thích trên Netflix, hay theo dõi những hashtag đang thành xu hướng trên Tumblr, giải pháp tốt nhất bạn có thể làm là tập trung giải quyết những công việc mà số phận buộc bạn phải làm cho đến khi chúng hoàn tất. Bạn có lẽ sẽ muốn đặt giờ trên điện thoại, hoặc sử dụng một ứng dụng như Forest chẳng hạn để nhắc nhở bạn đừng bị cám dỗ bởi chiếc điện thoại của mình.

3. Khi rơi vào những tình huống khó xử trong giao tiếp xã hội

awkward

Hầu hết chúng ta đều chẳng lạ gì việc rút điện thoại ra sử dụng như một phương thức trấn an tâm lý khi cuộc trò chuyện bỗng đi vào ngõ cụt, hay khi bạn không thể hòa nhập vào một cuộc trò chuyện nhóm, hay những lúc bạn cô đơn chờ đợi ai đó hẹn hò trên Tinder. Đó là những khoảnh khắc cực kỳ khó để ngăn bản thân tự động tìm đến túi quần hay cặp xách để lấy chiếc điện thoại.

Điều đó ổn thôi. Chẳng ai nói rằng sử dụng điện thoại là một việc tệ hại và nên tránh, hay nói cảm giác muốn vọc vạch một vài ứng dụng khi rơi vào tình huống khó xử không thể tránh được là một điều sai trái. Ở đây có một đề xuất là bạn có thể thử nghĩ đến việc không dùng điện thoại mỗi khi bộ não của bạn thúc giục bạn nên làm điều đó.

Mọi thứ đều dựa vào sức mạnh ý chí: bạn cần nhận ra sức hút của điện thoại, khước từ nó, và làm một điều gì đó để lơ nó đi. Làm điều gì còn tùy thuộc vào tình huống và công việc bạn đang làm, nhưng với cách này, bạn có thể đối phó với những tình huống khó xử trong giao tiếp xã hội và thậm chí còn giải quyết được tình huống đó. Một chút khiếu hài hước sẽ là một công cụ hữu dụng trong trường hợp này.

Vậy tại sao chúng ta lại phải mất công tìm cách chống cự lại cơn cám dỗ lướt Facebook hay những thứ tương tự? Câu trả lời là, nếu không làm vậy, bạn có thể bỏ lỡ mất một mối quan hệ tình bạn hay một cuộc nói chuyện có nhiều ý nghĩa trong cuộc sống. Và có lẽ bạn sẽ thấy rằng thoát ra khỏi những tình huống khó xử trong giao tiếp xã hội dễ hơn nhiều so với những gì từng nghĩ. Ít nhất, nếu bạn không thể kháng cự cám dỗ và tìm thấy một bài đăng thú vị trên Instagram, hãy chia sẻ nó với cả nhóm bạn của bạn nhé.

4. Khi đang trông chờ một tin nhắn hay thông báo

notification

Cuối cùng, một tình huống khác mà chúng ta đều rất quen thuộc: kiểm tra điện thoại mỗi vài phút (hay vài giây) một lần vì đang ngóng chờ một tin nhắn, một cuộc gọi, một email, hay bất kỳ thứ gì khác. Và theo một vài cách nào đó, việc này có thể chấp nhận được, bởi bạn sẽ chẳng muốn lỡ mất cuộc gọi của anh tài xế taxi mình vừa đặt đâu, hay cuộc gọi chỉ đường từ một người bạn đến địa điểm hai người đã hẹn nhau.

Mặt khác, nếu thông báo bạn đang chờ mãi chẳng thấy đâu, thì việc chờ đợi giống như bạn đang phí phạm thời gian tự cách ly bản thân khỏi những khoảnh khắc thú vị - như uống vài chai với bạn bè, hay chơi đùa với lũ nhóc. Đó có thể sẽ là một cơ hội để bạn đánh giá lại những ưu tiên của chính mình.

Với tình huống này, chỉ có một hướng giải quyết là làm sao để chuông thông báo trên điện thoại của bạn trở nên to và rõ, từ đó đảm bảo bạn không bỏ lỡ mất tin nhắn cực kỳ quan trọng mà bản thân đang chờ đợi. Từ Notifications trong Settings của iOS, hoặc Apps & Notifications trong Settings của Android, bạn có thể thay đổi loại thông báo của từng ứng dụng, để bạn biết chính xác thông báo vừa nhận là của ứng dụng nào mà không cần kiểm tra điện thoại.

Ngoài ra, bạn có thể đặt nhạc chuông cuộc gọi tùy biến cho từng liên hệ bạn biết (trên iOS, bạn còn có thể đặt nhạc chuông thông báo tin nhắn tùy biến nữa) – điều đó có thể giúp bạn biết được liệu một cuộc gọi đến có quan trọng hay không.

Minh.T.T (theo Gizmodo)

Chủ đề khác