VnReview
Hà Nội

Huawei có cơ hội vàng khi Trung Quốc điều tra FedEx

Dù FedEx đã xin lỗi vì chuyển nhầm bưu kiện của Huawei về Mỹ, Trung Quốc vẫn không bỏ qua lỗi của nhà vận chuyển Mỹ.

Giới chức Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra nhằm vào "lỗi giao hàng" của FedEx. Cuộc điều tra này giống như một lời cảnh báo của Bắc Kinh đối với Washington sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump áp lệnh cấm lên tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei.

FedEx đã xin lỗi Huawei, Bắc Kinh không bỏ qua.

Tân Hoa xã thông tin, Trung Quốc mở cuộc điều tra đối với FedEx với lý do FedEx vi phạm pháp luật và quy định của Trung Quốc, gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Ông Ma Junsheng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Bưu chính Trung Quốc, nói với truyền hình quốc gia CCTV rằng: "Cuộc điều tra nhằm vào FedEx nhằm giúp đảm bảo trật tự thị trường đối với dịch vụ giao nhận ở Trung Quốc và giúp bảo vệ các quyền hợp pháp của các công ty và người sử dụng dịch vụ Trung Quốc. Việc này giúp đảm bảo an ninh bưu chính và an ninh kinh tế".

Trước đó, hãng vận tải Mỹ FedEx đã lên tiếng xin lỗi về lỗi xảy ra trong việc giao gói hàng của Huawei.

Huawei đã đưa ra yêu cầu giải thích từ FedEx khi một số bưu kiện mà Huawei gửi qua hãng vận tải này đã bị chuyển hướng đi thay vì đến nơi nhận. Huawei khi đó tuyên bố đang xem xét lại mối quan hệ hợp tác với FedEx.

Vụ việc với FedEx và Huawei được hãng vận tải Mỹ coi là sự việc nhẹ nhàng và đã xin lỗi. Tuy nhiên, Bắc Kinh và Huawei không dễ dàng coi nhẹ cơ hội hiếm có này.

Huawei đã im lặng, thậm chí gọi Apple là "người thầy" khi lệnh cấm của Mỹ được ban bố thúc đẩy hàng loạt công ty Mỹ là đối tác lớn của Huawei như Google, Qualcomm, Intel, ARM... từ chối hợp tác với gã khổng lồ công nghệ viễn thông Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi FedEx có phản ứng "lệch pha", Huawei lập tức có phản ứng, cảnh báo xem xét lại hợp tác với FedEx, tức là có thể tìm một nhà vận tải khác thay thế hãng này.

Đây là cơ hội vàng để Huawei có phản ứng mạnh mẽ trước mọi công ty muốn viện lệnh cấm của Mỹ để có thái độ hăm dọa với Tập đoàn Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng đã công bố một danh sách các thực thể không đáng tin cậy, và cuộc điều tra đối với FedEx sẽ là lời cảnh báo đối với các công ty và cá nhân nước ngoài "vi phạm pháp luật và các quy định của Trung Quốc".

Theo Tân Hoa Xã, để xác định một thực thể nước ngoài là không đáng tin cậy, Trung Quốc sẽ xem xét liệu công ty, cá nhân hay tổ chức nước ngoài đó có phân biệt đối xử với các công ty Trung Quốc. Các tiêu chí khác bao gồm vi phạm nguyên tắc thị trường, phá hợp đồng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp Trung Quốc, hoặc đặt ra mối đe dọa an ninh quốc gia.

Đây cũng là cơ hội để Bắc Kinh có thể xem xét để trừng phạt những công ty Mỹ đã cắt quan hệ với Huawei như Google, Qualcomm, Intel, Toshiba, ARM…

Huawei cho biết, họ đã sẵn sàng cho các kịch bản từ bỏ các đối tác nước ngoài trong việc sản xuất điện thoại thông minh. Sự chuẩn bị này đã kéo dài tới gần 10 năm và cho đến nay, hãng này có thể làm chủ được một số linh kiện của một chiếc điện thoại thông minh.

Quá trình chuẩn bị này có thể khiến Huawei thay thế được FedEx chứ chưa thực sự thay thế được Google, Qualcomm, Intel, Toshiba, ARM… Dẫu vậy, sức ép mạnh mẽ hơn từ Mỹ có thể giúp họ sớm thúc đẩy việc hoàn thiện các linh kiện chưa thể tự sản xuất.

Theo Báo Đất Việt

Chủ đề khác