VnReview
Hà Nội

Một ngày lang thang đếm bụi ở Hà Nội: những con số “màu cam”

Từng nghe nhiều thông tin cảnh báo về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, hôm nay chúng tôi mới có dịp kiểm chứng sau một ngày đi lang thang "đếm bụi" ở những khu vực khác nhau của thủ đô.

Để đo bụi trong không khí, chúng tôi sử dụng một thiết bị đo chuyên dụng có tên HT9600 do hãng Total Meter của Đài Loan sản xuất. Đây là sản phẩm trước đó chúng tôi đã dùng để đánh giá hiệu quả lọc bụi của các mẫu điều hòa có chức năng lọc không khí. Máy này đo được các hạt bụi ở kích cỡ PM2.5 và PM10.

Bụi siêu mịn PM2.5 có thể thâm nhập vào phổi, túi phổi và khí quản, ảnh hưởng đến sức khỏe.

PM2.5 là những hạt bụi siêu mịn có kích cỡ 2,5 micromet trở lại, còn PM10 là những hạt cỡ 10 micromet trở lại. Bụi mịn PM10 xâm nhập vào cơ thể qua đường dẫn khí, tích tụ trên phổi và gây tác hại lâu dài với sức khỏe. Còn bụi siêu mịn PM2.5 có thể xâm nhập vào tĩnh mạch phổi, túi phổi thông qua hoạt động hít thở. Trong đó, PM2.5 hiện nay được coi là chỉ số quan trọng nhất để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức PM2.5 lý tưởng nhất trong không khí là 10 µg/m3, còn PM10 là 20 µg/m3.

Mỹ chia tỷ lệ bụi PM2.5 ra làm 5 mức, trong đó lượng PM2.5 từ 0-12 µg/m3 là tốt; 12,1-35,4 µg/m3 là trung bình; 35,5-55,4 µg/m3 là nguy hiểm cho người nhạy cảm; 55,5-150,4 µg/m3 là nguy hiểm; 150,5-250,4 µg/m3 là rất nguy hiểm; và từ 250,5 µg/m3 trở lên là độc hại. Còn với chỉ số PM10, Mỹ đánh giá chỉ số này dưới mức 50 µg/m3 là an toàn, còn trên mức đó là có hại với sức khỏe.

Ở Việt Nam, tiêu chuẩn quốc gia của Bộ Tài Nguyên Môi trường quy định tỷ lệ bụi cho phép là 25 µg/m3 với chỉ số PM2.5 và 50 µg/m3 với chỉ số PM10.

Trong một ngày lang thang đo bụi ở Hà Nội, chúng tôi đã dừng chân ở 8 địa điểm khác nhau từ quận ngoại vi đến trung tâm thủ đô ở các khung thời gian khác nhau trong ngày. Kết quả đo cho thấy có sự chênh lệch đáng kể về mức độ bụi giữa các khu vực trong thành phố nhưng tất cả địa điểm đo đều có một điểm chung: vượt rất xa ngưỡng an toàn so với tiêu chuẩn của Việt Nam lẫn tiêu chuẩn quốc tế. Ở hầu hết các điểm đo, máy đều chỉ kết quả bụi ở màu cam, là ngưỡng có hại với sức khỏe, nhất là những người có bệnh về phổi và đường hô hấp.

Hồ Gươm (quận Hoàn Kiếm): bụi PM2.5 là 79 µg/m3, PM10 là 333 µg/m3

Đường Thanh Niên (quận Ba Đình): bụi PM2.5 là 94 µg/m3, bụi PM10 là 215 µg/m3.

Văn Miếu - Quốc Tử Giám (quận Đống Đa): bụi PM2.5 là 66 µg/m3, bụi PM10 là 166 µg/m3.

Bốt Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm): bụi PM2.5 là 84 µg/m3, bụi PM10 là 212 µg/m3.

Nút giao Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân): bụi PM2.5 là 78 µg/m3, bụi PM10 là 254 µg/m3.

Công viên Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy): bụi PM2.5 là 77 µg/m3, bụi PM10 là 236 µg/m3.

Gần tòa nhà Keangnam (quận Cầu Giấy): bụi PM2.5 là 89 µg/m3, bụi PM10 là 269 µg/m3.

Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông): bụi PM2.5 là 110 µg/m3, bụi PM10 là 399 µg/m3.

Các kết quả trên cho thấy chỉ số bụi PM2.5 ở các địa điểm đo đều cao gấp 3 đến hơn 4 lần cho phép. Chỉ số PM10 thậm chí còn đáng ngại hơn, cao gấp 3-8 lần cho phép tùy địa điểm. Trong đó, địa điểm đo có chỉ số bụi ô nhiễm cao nhất là khu đô thị Xa La ở quận Hà Đông với cả 2 chỉ số bụi đều ở mức "đầu bảng". Khu vực Văn Miếu Quốc Tử Giám ở quận Đống Đa có chỉ số bụi thấp nhất ở cả hai loại bụi PM2.5 và PM10 nhưng vẫn ở ngưỡng có hại cho sức khỏe.

Những con số trên chỉ đo vào một thời điểm cụ thể trong một ngày ở thủ đô có thể chưa phản đầy đủ và chính xác mức độ ô nhiễm bụi ở Hà Nội trong thực tế. Lượng bụi trong không khí có thể thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết, độ ẩm hay mức độ phát thải ô nhiễm từ con người (xe hơi, xe máy, sản xuất công nghiệp…). Tuy nhiên, các con số đó cũng cảnh tỉnh người dân thủ đô cần có biện pháp phòng chống tác hại của ô nhiễm bụi không khí. Ra ngoài nên đeo khẩu trang bảo vệ, đóng kín cửa vào những ngày lượng bụi tăng cao, dùng máy lọc không khí hoặc điều hòa có chức năng lọc không khí, xe hơi nên lắp thiết bị lọc không khí…

TP

Chủ đề khác