VnReview
Hà Nội

Hoảng hồn với núi rác khổng lồ tại Ấn Độ được dự đoán sẽ cao hơn cả đền Taj Mahal vào năm sau

Ấn Độ đang tồn tại một núi rác khổng lồ tới nỗi Tòa án tối cao Ấn Độ phải phát đi cảnh báo các chuyến bay phải lưu ý khi bay qua núi rác này. Nguyên nhân được chỉ ra do dân số quá đông và năng lực xử lý yếu kém.

Theo AFP, núi rác khổng lồ tại Ấn Độ sắp cao hơn cả công trình biểu tượng của nước này là đền Taj Mahal vào năm 2020. Bãi rác có tên Ghazipur có diện tích khổng lồ, tương đương hơn 40 sân bóng đá nằm ở rìa phía đông của thủ đô New Delhi. Đây cũng được coi là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới.

Bãi rác khổng lồ này tăng thêm 10m mỗi năm và nay nó đã cao tới 65m. Trong năm tới, nó rất có thể cao hơn độ cao 73m của đền Taj Mahal. Với độ cao này, bãi rác cũng trở nên rất nguy hiểm với các chuyến bay ngang qua đây. Đó là lý do Tòa án tối cao nước này phải đưa ra cảnh báo tới các hãng hàng không khi bay qua đây.

Chitra Mukherjee, người đứng đầu Chintan, một nhóm bảo vệ môi trường tại Ấn Độ cho biết, giải pháp cần làm duy nhất lúc này là phải dừng xả rác càng sớm càng tốt vì rác thải lại đang trực tiếp gây ô nhiễm không khí và nguồn nước ngầm.

Được biết bãi rác đã mở cửa từ năm 1894 và đạt tối đa công suất xử lý vào năm 2002. Nhưng kể từ đó đến nay, số lượng rác ngày càng tăng tới mức không thể kiểm soát. Mỗi ngày bãi rác phải đón nhận hơn 2000 tấn rác thải sinh hoạt.

Với tình trạng dân số ngày càng tăng và mức tiêu thụ khủng khiếp, số lượng rác trong tương lại chắc chắn sẽ còn khủng khiếp hơn rất nhiều. Ước tính các thành phố tại Ấn Độ tạo ra khoảng 62 triệu tấn chất thải mỗi năm và các dự báo hiện tại cho thấy, con số này có thể sớm tăng lên 165 triệu tấn vào năm 2030.

Để xử lý đống rác đang tồn tại một cách nhanh chóng, bãi rác chỉ còn cách đốt và tất nhiên quá trình đốt có thể kéo dài âm ỉ trong nhiều ngày vì số lượng rác thải lớn. Ngoài ra, đốt rác còn làm sản sinh ra các khí nhà kính độc hại, bao gồm metan, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của con người và làm Trái Đất nóng lên.

Đó là chưa kể đã có rất nhiều vụ tai tạn do núi rác này gây ra đối với những người nhặt rác và nhân viên quản lý bãi. Năm ngoái, bãi rác bất ngờ sạt xuống và giết chết hai người.

Còn đối với những người còn sống cũng chẳng khá hơn. Những cư dân sinh sống gần bãi rác cho biết, không khí họ phải hít thở hàng ngày vô cùng độc hại. Nhiều người đã lâm vào tình trạng khó thở và mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, dạ dày cấp tính.

Vào tháng 1/2019, ô nhiễm không khí ở Delhi đã đạt tới ngưỡng khẩn cấp. Chỉ số chất lượng không khí do cơ quan chức năng nước này đo được cho thấy, nồng độ các hạt độc hại trong không khí đang cao hơn tới 12 lần so với mức khuyến nghị của Mỹ.

Điều đáng nói là Ấn Độ có mức tiêu thụ nhựa bình quân đầu người khá thấp, chỉ 11kg so với các nước phương Tây. Tuy nhiên đây lại là quốc gia tiêu thụ đồ nhựa nhiều hơn gấp 10 lần các nước khác mỗi năm. Tiêu thụ quá mức trong khi không đủ năng lực xử lý chính là vấn đề mà Ấn Độ đang gặp phải.

Hồi đầu năm 2019, Ấn Độ đã cấm nhập khẩu nhựa phế thải nhằm nâng cao năng lực xử lý chất thải và tái chế nhựa của nước này. Thậm chí quốc gia tỷ dân còn cam kết sẽ loại bỏ hoàn toàn các loại nhựa sử dụng một lần vào năm 2022.

Một số hình ảnh khủng khiếp về bãi rác cao gần bằng đền Taj Mahal:

Bãi rác khổng lồ nằm đằng sau một ngôi nhà

Nhìn từ xa, bãi rác trông như thể một ngọn núi

Ấn Độ sẽ phải mất rất lâu mới có thể giải quyết được số rác thải khổng lồ này

Tiến Thanh

Chủ đề khác