VnReview
Hà Nội

Vì sao thu phí không dừng đang chậm được triển khai so với kế hoạch?

Thu phí không dừng là hình thức ứng dụng công nghệ thông tin vào mảng giao thông và được cho là bước đột phá trong việc hình thành giao thông thông minh. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn để triển khai hình thức này.

Thu phí không dừng là gì?

Thu phí không dừng (ETC) là hình thức thu phí mới được triển khai ở các trạm BOT tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây. ETC ứng dụng công nghệ thông tin vào mảng giao thông và giúp các chủ phương tiện tiết kiệm thời gian khi qua trạm thu phí.

Theo đó, tất cả các phương tiện muốn lưu thông qua các ETC sẽ phải gắn trên xe thẻ E-tag (thường được gắn trên kính hoặc đèn xe). Khi đó, các thông tin của chiếc xe như biển số, loại xe được định danh và lưu trữ về trung tâm. Cùng với đó, chủ xe sẽ được mở một tài khoản giao thông để người sử dụng có thể chuyển tiền vào dễ dàng.

Khi đi qua trạm BOT, sóng radio sẽ nhận diện tự động phương tiện cơ giới có gắn thẻ E-tag. Sau khi đọc được thông tin, tiền phí qua trạm sẽ được trừ thẳng vào tài khoản của chủ phương tiện, barrier sẽ được mở lên và tài xế sẽ có thể qua trạm thu phí mà không phải dừng lại để mua vé - nộp tiền thủ công. Hiện nay, đơn vị triển khai dự án này đang lưu ý lái xe có gắn thẻ E-tag chỉ nên qua trạm với vận tốc dưới 30km/h để đảm bảo an toàn.

Trong các giai đoạn tiếp theo của dự án, khi mà chế tài thu hồi nợ phí được hoàn thành, các barrier và bốt thu phí tại trạm thu phí sẽ được bỏ, phương tiện có thể đi với tốc độ lên tới 120 km/h.

ETC được coi là hình thức rất hiện đại, giúp giao thông trên các tuyến đường Quốc lộ, cao tốc lớn được thông suốt, chủ xe tiết kiệm được thời gian, nhà đầu tư BOT tiết kiệm được chi phí in vé, chi phí nhân sự, chi phí bảo trì mặt đường.

Tiến độ triển khai ETC đã đến đâu?

Vào tháng 7/2016, Bộ Giao thông vận tải đã ký kết hợp đồng với liên doanh Công ty CP TASCO - Công ty TNHH thu phí tự động VETC về việc triển khai thực hiện dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh.

Vào tháng 3/2017, Thủ tướng Chính phủ có quyết định yêu cầu đến hết ngày 31/12/2018, toàn bộ các trạm BOT trên Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14 phải áp dụng ETC để tạo thuận lợi cho lưu thông và minh bạch trong thu phí. Sau khi rà soát lại, bổ sung, giai đoạn 1 của dự án được nâng lên tổng cộng 44 trạm phải thực hiện ETC. Tuy nhiên đến hết năm 2018, mới chỉ có 26 trạm BOT với 91 làn ETC được đưa vào thực hiện.

Vào tháng 7/2017, Chính phủ đã giao cho Bộ giao thông vận tải thực hiện triển khai công tác thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ tại các dự án BOT và phải hoàn thành trước ngày 31/12/2019.

Trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết hạn cuối cùng thực hiện thu phí tự động không dừng là ngày 31/12/2019 cho tất cả các trạm thu phí. Trong quá trình thực hiện, Bộ giao thông vận tải chia triển khai ETC thành 2 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên thực hiện trên 28 trạm, còn 15 trạm đang triển khai. Giai đoạn 2, Bộ Giao thông vận tải đấu thầu công khai, hiện các đơn vị đã khảo sát 33 trạm thu phí, theo cam kết thì sẽ hoàn thành trong tháng 12/2019.

Riêng với những BOT do địa phương quản lý, Bộ GTVT đề nghị đầu tư hệ thống thu phí là do địa phương quyết định, nhưng công nghệ thì phải thực hiện đồng bộ trên cả nước.

Tuy nhiên, đến hiện tại mới chỉ khoảng 700.000 phương tiện trên tổng số 3 triệu ô tô tại Việt Nam dán thẻ E-tag. Đồng thời, theo phản ánh của tài xế thì hiện tại nhiều trạm thu phí không dừng hiện nay khi đi qua vẫn phải trả tiền mặt chứ không chấp nhận việc trả tiền qua thẻ. Rất nhiều tài xế cũng chưa hiểu rõ quy trình mua, thu phí thế nào để thực hiện.

Vì sao thu phí không dừng vẫn còn vướng mắc?

Theo các chuyên gia trong ngành thì hiện nay vấn đề lớn nhất của thu phí không dừng chính là việc nhiều nhà đầu tư BOT không mặn mà với hình thức này. Họ cho rằng bản thân không được tham vấn ý kiến khi bộ GTVT ký hợp đồng với công ty VETC.

Theo hình thức thu tiền hiện nay, chủ phương tiện là người có một tài khoản trả trước để duy trì sử dụng dịch vụ của VETC. Toàn bộ số tiền này sẽ được chuyển vào tài khoản ngân hàng do VETC là đơn vị thụ hưởng.

Tuy nhiên cách thức hoạt động này của VETC lại gây ra sự băn khoăn. Một nhà đầu tư khi trả lời báo An ninh Thủ đô cho biết: 'Số tiền nộp trước của các chủ phương tiện lại không được tính lãi. Tính trung bình, mỗi xe ô tô có khoảng từ 500.000 đồng – 1.000.000 đồng nạp vào tài khoản của VETC, nhân với khoảng 3 triệu xe ô tô ở Việt Nam thì rõ ràng VETC đã huy động được khoảng từ 1.500 tỷ đồng - 3.000 tỷ đồng từ các chủ phương tiện lái xe'.

Đồng thời, số tiền mà người dùng trả cho việc thu phí không dừng sẽ được VETC trả cho nhà đầu tư sau 1 ngày cũng đang khiến nhiều người lo lắng. Họ cho rằng, tổng số tiền của các trạm thu phí không dừng chuyển vào tài khoản của VETC là rất lớn. Sau 1 ngày đơn vị này mới trả tiền cho các nhà đầu tư BOT thì có thể họ đã được hưởng lợi từ tiền lãi suất qua đêm với phần doanh thu của các nhà đầu tư BOT này.

Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khi trả lời Quốc hội cho biết: 'Nguyên nhân khó khăn của việc triển khai ETC do hiện nay chúng ta chưa hoàn chỉnh toàn bộ hệ thống thu phí tự động nên các trạm thu phí vẫn chưa đồng bộ. Mặc dù có làn thu phí không dừng nhưng vẫn thu phí thủ công'. Ông cũng cho biết hiện nhiều tài xế có tâm lý nghĩ rằng thu phí tự động cũng được mà thu phí thủ công cũng được. Để giải quyết vấn đề này, sắp tới Bộ GTVT sẽ tham mưu cho Chính phủ ban hành một số chỉ thị, chỉ đạo để đến cuối năm 2019 tất cả các phương tiện mà không được gắn thẻ hoặc chưa nộp tiền thì phải đi vào làn thủ công. Mỗi trạm chỉ khoảng 1-2 làn thủ công, phương tiện nào không chấp hành phải xếp hàng.

T.T

Chủ đề khác