VnReview
Hà Nội

'Đồng tiền của Facebook sẽ đụng chạm đến vấn đề chính sách'

Bên lề Hội thảo quốc tế ‘Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh', chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe cho rằng đồng tiền mới Libra của Facebook sẽ đụng chạm rất nhiều đến vấn đề chính sách nếu nó muốn giao dịch với đồng tiền của các quốc gia.

Đồng tiền của Facebook sẽ đụng chạm đến vấn đề chính sách

Mới đây, mạng xã hội lớn nhất thế giới – Facebook đã thông báo sẽ phát hành đồng tiền điện tử của riêng mình với tên Libra. Đồng tiền này sẽ được giao dịch chính thức từ đầu năm 2020. Nó sẽ dùng Blockchain nhưng lại không được ‘đào' như Bitcoin mà lại đảm bảo bằng tài sản thực. Điều này có nghĩa Facebook muốn phát hành một đồng tiền ảo nhưng lại có cơ chế phát hành giống với các ngân hàng trung ương của các nước trên thế giới phát hành tiền giấy.

Để làm rõ hơn về tác động của Libra với các chính sách hiện nay, phóng viên VnReview đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Phạm Xuân Hòe bên lề Hội thảo quốc tế ‘Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh' diễn ra ngày 20/6 tại Hà Nội.

Đồng tiền Libra của Facebook sẽ tạo ra một 'quả bom' rất lớn trong giới tài chính, ngân hàng

Theo ông Hòe, Facebook hiện nay đang có 2,4 tỷ người dùng hàng tháng và với xu thế phát triển hiện nay thì họ nghĩ đến đồng tiền Libra. Tuy nhiên, việc đồng tiền này ra đời sẽ có tác động rất lớn đến vấn đề chính sách. Ông cho biết: ‘Chúng ta cần phải nhớ rằng mỗi quốc gia có một đồng tiền riêng và được pháp luật thừa nhận, được ngân hàng trung ương bảo hộ. Như vậy rõ ràng là để có giao dịch giữa đồng tiền của các nước với đồng Libra của Facebook thì sẽ đụng chạm rất nhiều với vấn đề chính sách. Cá nhân tôi cho rằng đây là một lời cảnh báo rất lớn về đồng tiền pháp định và quyền của các ngân hàng trung ương. Facebook đã tạo ra một quả bom rất lớn trong giới tài chính ngân hàng. Ngân hàng trung ương cũng như bộ tài chính của rất nhiều nước đang có phản ứng trái chiều nhau'.

Việc Facebook chuẩn bị cho ra đời một đồng tiền ảo nhưng lại muốn có cơ chế phát hành giống với đồng tiền thật cũng là một vấn đề cần được lưu tâm. Bởi Việt Nam hiện nay đang tiếp cận theo hướng những đồng tiền kỹ thuật số sẽ là tiền ảo và tài sản ảo. Hiện tại, đồng Libra đang vấp phải sự phản đối tại châu Âu với lời kêu gọi phải áp dụng những quy định chặt chẽ hơn. Theo ông Hòe, muốn áp dụng được tiền Libra thì cơ quan lập pháp phải có cách tiếp cận mới, đưa ra hành lang pháp lý phù hợp. Ông cho biết: ‘Nếu không đưa ra được hành lang pháp lý phù hợp cho đồng tiền ảo thì sẽ rất khó hạn chế được rủi ro khi giao dịch. Ví dụ đó là những rủi ro về thanh toán xuyên biên giới, về đánh thuế và rửa tiền. Chúng ta cần có cách tiếp cận mới về đồng tiền này'.

Fintech Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh

Việc ứng dụng công nghệ vào tài chính trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây đang phát triển mạnh mẽ và làm thay đổi sâu sắc phương thức, mô hình kinh doanh của các chủ thể tham gia thị trường. Tuy vậy, việc này cũng chứa rất nhiều rủi ro và thách thức đối với cơ quan quản lý.

Phát biểu tại hội nghị ‘Công nghệ tài chính trong nền kinh tế thông minh', ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho biết: ‘Việt Nam đang là Quốc gia tiên phong trong khu vực Đông Nam Á về việc tiếp cận các xu hướng mới trên thế giới, trong đó có ứng dựng công nghệ thông tin vào lĩnh vực tài chính. Với Fintech, Việt Nam cũng có nhiều hoạt động gồm cả nghiên cứu, phát triển, đào tạo và ứng dụng'.

Còn ông Hà Huy Tuấn – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng mô hình kinh doanh sáng tạo và công nghệ mới nổi có thể biến đổi ngành dịch vụ tài chính. Fintech làm thay đổi sâu sắc cấu trúc sản phẩm tài chính, cấu trúc thị trường tài chính, hành vi khách hàng và cả mô hình kinh doanh.

Tuy vậy, ngoài những mặt ưu điểm thì Fintech cũng có thể đem lại rủi ro cho khách hàng và cả cơ quan giám sát. Đó là những lo ngại về rò rỉ thông tin cá nhân, bảo mật thông tin tài chính, rủi ro thanh toán, rủi ro tín dụng. Để hạn chế việc này, việc cần thiết cần làm chính là hoàn thành khung pháp lý về Fintech. Hiện chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý quy định về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ về Fintech... Điều này sẽ mang lại khó khăn lớn cho các doanh nghiệp hoạt động trong mô hình kinh doanh rất mới này.

Theo ông Phạm Xuân Hòe, Việt Nam là đất nước có cơ hội để phát triển mạnh Fintech bởi số người dùng điện thoại thông minh là rất lớn. Điều này khiến cho quá trình chuyển đổi số, thiết kế phần mềm trên nền tảng di động diễn ra thuận lợi. Các ngân hàng và công ty Fintech hiện nay đã hợp tác rất nhiều với nhau. Có những ngân hàng đã hợp tác với hơn 10 công ty về Fintech và mang lại hiệu quả tích cực. Người Việt Nam học toán rất tốt. Nếu đào tạo được đội ngũ vừa giỏi IT, vừa giỏi về tài chính và ngoại ngữ cũng thành thạo thì việc phát triển Fintech là có thể làm được.

T.T

Chủ đề khác