VnReview
Hà Nội

Mỹ tiếp tục mở rộng lệnh cấm, nhắm vào lĩnh vực sản xuất chip xử lí và siêu máy tính của Trung Quốc

Chính quyền tổng thống Trump mới đây vừa thêm 5 đơn vị Trung Quốc vào danh sách đen của Hoa Kì, mở rộng rào cản ngăn Trung Quốc tiếp cận với công nghệ của nước này, đồng thời làm gia tăng căng thẳng ngay trước sự kiện gặp mặt của tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhật Bản tuần tới.

Mỹ tiếp tục mở rộng lệnh cấm, nhắm vào lĩnh vực sản xuất chip xử lí và siêu máy tính của Trung Quốc

Bộ Thương mại Mỹ đã thông báo sẽ thêm bốn công ty và một học viện của Trung Quốc vào danh sách đen, cho rằng đây đều là những mối nguy tới nền an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của quốc gia này. Động thái này sẽ khiến cho các tổ chức trên không thể mua công nghệ và linh kiện từ Mỹ, và bị vô hiệu hóa do tính chất phụ thuộc vào chip xử lí của Hoa Kì trong việc chế tạo những thiết bị điện tử tiên tiến.

Những đối tượng mới được Mỹ thêm vào bao gồm một công ty hiện đang đi đầu trong lĩnh vực sản xuất siêu máy tính của Trung Quốc – Sugon, ba công ty còn lại là Higon, Chengdu Haiguan Integrated Circuit và Chengdu Haiguan Microelectronics Technology thì đều đang hoạt động trong mảng thiết kế vi mạch, cái tên thứ năm chính là Viện công nghệ điện toán Wuxi Jiangnan. Bộ Thương mại Mỹ cho biết rằng đây đều là những tổ chức hiện đang đi đầu trong việc phát triển điện toán hiệu năng cao ở Trung Quốc, một vài trong số đó hiện còn được sử dụng trong những ứng dụng quân sự như mô phỏng vụ nổ hạt nhân.

Theo đó những tổ chức Trung Quốc trên sẽ được đứng vào hàng ngũ cùng với gã khổng lồ về thiết bị viễn thông Huawei. Ngoài ra, theo thông tin đã đăng tải bởi trang báo The New York Times thì chính quyền của tổng thống Trump cũng đang xem xét bổ sung cả Hikvision, một công ty chuyên về công nghệ giám sát.

Việc Mỹ bổ sung những cái tên mới vào danh sách hạn chế của mình có thể làm phức tạp thêm các nỗ lực để đạt được thỏa thuận thương mại. Mối liên hệ Mỹ - Trung gần đây đang dần được khôi phục sau khi những nỗ lực đàm phán hồi tháng 5/2019 vừa rồi thất bại cùng với đó là những cáo buộc từ phía tổng thống Trump rằng Trung Quốc đã phá vỡ những thỏa thuận trước đó, dẫn tới cuộc chiến đánh thuế diễn ra sau đó.

Ông Trump đã cho biết rằng ông và Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ có một cuộc gặp gỡ kéo dài tại Hội nghị thượng định nhóm G20 diễn ra tại Osaka, Nhật Bản vào tuần tới. Đây là cuộc gặp gỡ được cho là có thể để quyết định cho việc kết thúc cuộc chiến tranh thương mại.

William Reinsch, một cựu thành viên thương mại của Mỹ và hiện giờ là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho rằng: "Đây chính là thời điểm khó khăn. Rõ ràng người Trung Quốc sẽ đón nhận sự kiện này một cách tiêu cực".

Hai bên đã từng cố tìm kiếm một giải pháp nhanh gọn cho cuộc chiến thương mại này. Song căng thẳng tiếp tục leo thang khi mà cả hai đều muốn giữ vững sự cứng rắn của mình trên bàn đám phán, ngoài ra, Trung Quốc còn khẳng định rằng quốc gia này hiện đang tự lên "một danh sách đen" của riêng mình nhắm vào những cá nhân và công ty nước ngoài. Đây rõ ràng là một bước đi nhằm trả đũa động thái cấm cản các công ty Trung Quốc tiếp cận với công nghệ Hoa Kì.

Việc mở rộng danh sách đen này thể hiện rằng Mỹ đã bắt đầu tìm cách phá vỡ những nỗ lực thống trị các công nghệ tiên tiến có thể ứng dụng vào quân sự của Trung Quốc bằng việc nhắm vào những công ty hiện đang phải sống phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Trong đó, siêu máy tính là một trong những công nghệ chính của tương lai mà Trung Quốc đang tìm cách thống trị, bên cạnh đó còn có trí tuệ nhân tạo và điện toán lượng tử. Dù rằng Mỹ là quê nhà của chiếc siêu máy tính nhanh nhất thế giới đặt tại Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge ở Tennessee nhưng Trung Quốc mới chính là quốc gia nắm giữ vị thế dẫn đầu về mặt số lượng những máy tính tốc độ cao.

Sugon lại chính là công ty quan trọng nhất trong việc sản xuất máy tính hiệu năng cao và máy chủ của Trung Quốc. Đây đều là những cỗ máy sẽ phục vụ cho chính phủ Trung Quốc và những công ty công nghệ lớn nhất của quốc gia này, với đủ mọi mục đích sử dụng, từ những mô phỏng quân sự cho tới dự báo thời tiết.

Hầu hết những máy tính được Sugon sản xuất ra đều là một tập hợp của những vi mạch sản xuất bởi các công ty Hoa Kì bao gồm Intel và Nvidia. Bằng việc đưa công ty này vào danh sách cấm, chính quyền của tổng thống Trump đã chính thức cắt nó khỏi khối não, thứ mà nó đang sống bám vào để có thể thực hiện hàng tỷ những phép tính phục vụ trong việc mô hình hóa các kiểu thời tiết, hỗ trợ các ứng dụng video và mua sắm trực tuyến.

Không chỉ vậy, một trong số những công ty con của Sugon còn đã bắt tay với công ty sản xuất chip AMD để tạo ra vi mạch đáp ứng cho nhu cầu bảo mật cho nhóm khách hàng thuộc chính phủ Trung Quốc. Thậm chí, một số quan chức nước này còn cho biết rằng những chip này có thể được sử dụng trong một thế hệ siêu máy tính tiếp theo với tốc độ cao hơn. Bằng việc phụ thuộc vào chip của Intel và AMD, siêu máy tính của Sugon có thể chạy một dải phần mềm rộng hơn so với khi sử dụng những sản phẩm được sản xuất bởi các bên nội địa.

Tuy rằng Sugon hiện mới chỉ chạm mốc doanh tỷ 1 tỷ USD trong năm ngoái, và chẳng thể so sánh được với gã khổng lồ Huawei, nhưng việc nó bị thêm vào danh sách đen chính là viên kẹo đắng mà Bắc Kinh phải nuốt. Bởi siêu máy tính do Sugon sản xuất chính là cốt lõi của những hệ thống quan trọng và nhạy cảm nhất của chính phủ Trung Quốc.

Bên cạnh đó, những siêu máy tính của Sugon hiện còn đang hỗ trợ State Grid, công ty đang độc quyền mạng lưới điện Trung Quốc; China Mobile, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn nhất nước này; và; Cục Khí tương Trung Quốc. Đây cũng là những máy móc góp phần làm nên những trung tâm dữ liệu của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com và Bytedance, chủ sở hữu của ứng dụng truyền thông xã hội TikTok.

Tuy rằng các công ty trong danh sách đen này có thể kiến nghị chính phủ Hoa Kì cấp phép mua công nghệ nước này. Song điều đó có nghĩa là họ sẽ phải chấp nhận sự giám sát chặt chẽ, ngoài ra tỷ lệ cao là chính phủ Mỹ sẽ không chấp nhận những kiến nghị này.

Trong nhiều năm liền, các công ty sản xuất chip của Hoa Kì đã cung cấp sản phẩm của mình cho nhiều công ty sản xuất siêu máy tính của Trung Quốc, trong đó có cả những công ty có mối liên hệ mật thiết với quân đội. Vào năm 2015, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm Đại họ Quốc phòng và Công nghệ Quốc gia Trung Quốc vào danh sách đen nhằm ngăn cản việc quốc gia này sử dụng chip của Intel trong việc mô hình hóa những vụ nổ hạt nhân.

Danh sách bổ sung hôm thứ Sáu vừa rồi chính là để nhắm vào những nguồn cung cấp chip Intel cho trường đại học này. Theo danh sách các siêu máy tính nhanh nhất chính thức của Trung Quốc thì, trường đai học này hiện vẫn đang góp vào hai trong ba siêu máy tính dẫn đầu về tốc độ bằng chip xử lí của Intel.

Trong yêu cầu của mình, Bộ Thương Mại Mỹ nhấn mạnh rằng biên giới chiến đấu tiếp theo chính là siêu máy tính exascale. Đây chính là mục tiêu mà Trung Quốc, Hoa Kì và nhiều quốc gia khác đang chạy đua. Nó được cho là sẽ có thể nhanh gấp năm lần so với cỗ máy nhanh nhất ở hiện tại – Summit do IBM phối hợp với Nvidia để sản xuất.

Theo đó, Bộ Thương mại Hoa Kì đã chỉ ra ba nhóm phát triển hàng đầu Trung Quốc về phát triển siêu máy tính exascale là: Sugon, Viện Công nghệ và Điện toán Wuxi Jiangnan và Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc.

Chuyên gia về siêu máy tính tại Đại học Tennessee và là đồng sáng lập của danh sách Top 500 máy tính nhất nhất thế giới, Jack Dongarra, cho biết rằng ba công ty trên đều đang phát triển nguyên mẫu máy tính exascale dựa trên những vi xử lí do Trung Quốc sản xuất.

Song những công nghệ chủ đạo khác trong chiếc siêu máy tính mạnh nhất thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi siêu máy tính được cấu thành từ hàng ngàn những bộ xử lí, chúng liên kết với nhau bởi một loại mạch kĩ thuật số chuyên dụng được biết đến với cái tên là công nghệ kết nối. Công ty hiện đang đi đầu trong việc sản xuất công nghệ kết nối hiệu năng cao chính là Mellanox của Israel, đây cũng là công ty mà Nvidia đã mua lại với giá 6,9 tỷ USD.

Jack Dongarra tin rằng: "Công nghệ kết nối có tầm quan trọng không thua kém gì những vi xử lí. Bởi vậy những động thái này của chính phủ sẽ tạo ra những ảnh hưởng mạnh mẽ".

Tuy nhiên, hành động này có thể ngăn trở người Trung Quốc về mặt ngắn hạn, nhưng đồng thời cũng có thể khuyến khích quốc gia này đẩy mạnh nỗ lực xóa bỏ sự phụ thuộc vào công nghệ Mỹ.

Trung ND

Chủ đề khác