VnReview
Hà Nội

CEO Asanzo Phạm Văn Tam thừa nhận sản phẩm không phải hàng Việt Nam

Báo Tuổi trẻ vừa đưa tin cho biết, đích thân ông Phạm Văn Tam - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn điện tử Asanzo Việt Nam - đã đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ chiều 22/6 và trao đổi với đại diện báo Tuổi Trẻ để làm rõ thông tin trong loạt bài điều tra 'Asanzo - hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt'".

Tại đây ông Tam có giải thích xung quanh việc Asanzo ghi xuất xứ hàng hóa, việc bóc gỡ tem nhãn Trung Quốc... cùng nhiều vấn đề liên quan khác.

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 23/6, ông Tam cho biết đối với sản phẩm tivi, Asanzo nhập 70% linh kiện từ Trung Quốc, 30% còn lại Asanzo tự làm như: thiết kế bảng mạch, hiệu chỉnh phần mềm Android TV, bộ nguồn phù hợp với điện 220V, remote... Tuy nhiên, tại buổi làm việc với Tuổi Trẻ, ông Tam cho biết tỉ lệ nội địa hóa của tivi Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện mà ông tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào, trong đó tỉ lệ nội địa hoá được cộng cả những chi phí cho vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp...

Ông Tam cũng thừa nhận với báo Tuổi trẻ về tỉ lệ linh kiện nhập khẩu gần như 100%, Asanzo chỉ là khâu đầu - cuối, lắp ráp, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường.

Liên quan phản ánh của Tuổi Trẻ về việc Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam, made in Việt Nam trên sản phẩm bán ra thị trường, ông Tam cho biết: "Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không? Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa".

Về việc nhà máy Asanzo cho công nhân bóc tem made in China khỏi sản phẩm, ông Tam nói ông không có chủ trương này. Khi được hỏi nếu không có chủ trương sao trong nhà máy Asanzo lại có cả bảng hướng dẫn quy trình bóc tem thì ông Tam nói mình không rõ và hứa sẽ kiểm tra lại việc này.

Tuổi Trẻ công bố hàng loạt công ty "ma", giám đốc ảo nhập hàng Trung Quốc cho Asanzo sau đó một thời gian rồi biến mất. Nếu chỉ một công ty, đó không phải là hiện tượng nhưng có hàng loạt công ty "ma" như vậy, liệu Asanzo có liên quan? Ông Tam nói: "Chủ trương của tôi là làm sao có được nhiều nhà cung cấp, tận dụng được nguồn lực của họ. Tôi sai sót là không nắm rõ nhà cung cấp, họ làm gì sai, họ chịu trách nhiệm".

Tuy nhiên, theo điều tra của Tuổi Trẻ, Công ty Sa Huỳnh được thành lập từ CMND mượn của một công nhân nhà máy Asanzo mà chính người này cũng không hề hay biết, và lô hàng nhập khẩu của Sa Huỳnh đã bị hải quan phát hiện khai báo gian dối. Ông Tam thừa nhận có biết việc này khi hải quan gọi hỏi: "Tôi trả lời là mặt hàng đó Asanzo ngưng lâu rồi và đã chuyển cho các đơn vị cấp dưới kinh doanh nên tôi không nắm được".

Trả lời câu hỏi: "Với thành phần linh kiện nhập hoàn toàn từ nước ngoài, ông có khẳng định lại sản phẩm của Asanzo có phải là hàng lắp ráp?".

Ông Tam nói: "Đúng là như vậy. Tôi cũng muốn nội địa hóa nhưng cũng khá khó khăn vì không có công ty nào cung cấp. Ví dụ tôi muốn làm ốp lưng tivi nhưng ra khu sản xuất đồ nhựa ở Chợ Lớn đặt hàng thì không có cơ sở nào đáp ứng được".

Đặc biệt, khi báo Tuổi trẻ đề nghị ông Tam khẳng định sản phẩm của Asanzo là hàng Việt, do người Việt làm ra hay không? Sau một hồi đắn đo, ông Tam nói: "Tôi nghĩ nó là hàng lắp ráp tại Việt Nam thì đúng hơn. Nó là sản phẩm được sở hữu từ công ty Việt Nam nhưng nó không phải là hàng Việt Nam".

Thể hiện rõ sự lúng túng

Như vậy, trong buổi làm việc riêng với đại diện báo Tuổi trẻ chiều 22/6 và làm việc chung với nhiều cơ quan báo chí tại nhà máy của Asanzo chiều 23/6, ông Phạm Văn Tam đã thể hiện sự lúng túng trong việc giải đáp các thắc mắc và nghi vấn xung quanh vấn đề xuất xứ sản phẩm Asanzo.

Ông Tam cho rằng công nhân đã tự ý loại bỏ tem nhãn xuất xứ Trung Quốc của cụm linh kiện màn hình TV chứ công ty không có có chủ trương này, nhưng ông không giải thích được tại sao phóng viên Tuổi trẻ lại từng được hướng dẫn quy trình bóc tem Trung Quốc khi xin làm việc tại nhà máy Asanzo.

Ông Tam cũng chỉ nhận là mình có sai sót chưa nắm rõ nhà cung cấp nên mới để hàng loạt công ty "ma" nhập hàng cho Asanzo, nhưng liệu có công ty nào lại sơ suất đến mức không biết nhà cung cấp hàng cho mình là ai, hoạt động thế nào?

Ông Tam cũng lý giải thiếu thuyết phục về dòng chữ quảng cáo "Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản", rằng dòng chữ này có ý nghĩa là dây chuyền sản xuất tại nhà máy được kiểm soát bằng công nghệ Nhật Bản, được chuyên gia Nhật Bản chuyển giao, kiểm soát việc lên chuyền của sản phẩm, kiểm soát các tiêu chuẩn vệ sinh bo mạch, sơn…xem chúng có an toàn hay không..., nhưng quan sát cả dây chuyền lắp ráp TV của Asanzo thì chỉ thấy 100% thủ công mà chưa thấy áp dụng công nghệ cao ở khâu nào. Trong khi đó, dòng chữ quảng cáo này được dán trên tất cả các mặt hàng gắn thương hiệu Asanzo như máy lạnh, TV, ấm siêu tốc, lò nướng, nồi cơm điện, máy xay sinh tố…, trong khi ông Tam thừa nhận hầu hết các sản phẩm này đều nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc chứ Asanzo không còn lắp ráp nữa.

quy trình lắp ráp tv asanzo

Quy trình lắp ráp TV Asanzo. Minh hoạ: Tuổi trẻ

Trên thực tế, CEO Asanzo còn chưa trả lời xác đáng câu hỏi về vấn đề "né" thuế tiêu thụ đặc biệt khi; khẳng định không trực tiếp nhập khẩu linh kiện mà mua lại của các nhà cung cấp. Theo dây chuyển lắp ráp sản phẩm TV mà Asanzo cung cấp cho báo chí, thì các linh kiện đều dưới dạng các module thành phẩm đã được hoàn chỉnh chỉ việc đưa vào lắp ráp, mà căn cứ quy tắc 2(a) thuộc 6 quy tắc tổng quát ban hành kèm theo thông tư 65/2017/TT-BTC ngày 27-6-2017 về việc ban hành danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, thì module linh kiện của Asanzo thuộc trường hợp phải khai báo phân loại mã số hàng hóa và nộp thuế theo mã số của máy hoàn chỉnh: Hàng hóa là cụm linh kiện (đã lắp ráp gồm nhiều chi tiết), linh kiện, bộ phận của máy móc, thiết bị ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời, đồng bộ được nhập khẩu từ nhiều nguồn, nhiều chuyến, làm thủ tục tại một hay nhiều cửa khẩu khác nhau. Với việc hầu hết các nhà cung cấp của Asanzo là công ty "ma" thì dù Asanzo có đá quả bóng trách nhiệm cho đối tác thì công ty này cũng không thể vô can trong việc trốn thuế, né thuế.

L.A

Chủ đề khác