VnReview
Hà Nội

Nhiều cơ quan Mỹ đề nghị cần gắn mác gây ung thư lên đồ uống có cồn

Cục y tế tiêu dùng và công cộng Mỹ đang kêu gọi các ban quản lý liên bang bổ sung cảnh báo mới về việc đồ uống có cồn có thể gây ung thư: "Cảnh báo chính phủ: theo Tổng cục phẫu thuật, việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có cồn có thể làm tăng khả năng gây ung thư, bao gồm cả ung thư vú và ung thư đại trực tràng".

Theo CBSNews, Liên đoàn người tiêu dùng nước này (CFA) cho biết mục tiêu của họ là tăng cường nhận thức của cộng đồng về mối liên hệ ít được biết đến giữa rượu và ung thư. Vào hôm thứ tư vừa qua, CFA và hơn mười nhóm vận động tình nguyện đã gửi thư đến Cục Thương mại và Thuế của Bộ Tài chính Mỹ nhằm kêu gọi dán nhãn cảnh báo.

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, chưa đến một nửa số người Mỹ trưởng thành nhận thức được mối liên hệ tiềm ẩn này, làm dẫn đến sự "khủng hoảng" trầm trọng trong nhận thức phòng chống ung thư.

"Sự thiếu hiểu biết về tác động của rượu đối với bệnh nhân ung thư cũng như nhận thức về những mối nguy hại mà đồ uống có cồn mang lại là một hồi chuông cảnh báo. Ngành công nghiệp rượu bia giờ đây đã tạo nên nhiều vấn đề sức khỏe cho người tiêu dùng. Chính phủ có trách nhiệm cung cấp cho người dùng những thông tin khoa học cần biết để từ đó đưa ra quyết định sáng suốt trong việc sử dụng rượu, bia và thuốc lá", Thomas Gremillion, giám đốc chính sách thực phẩm CFA cho biết.

Các nhóm kêu gọi Chính phủ đã nêu lên báo cáo của Tổng cục phẫu thuật l vào năm 2016. Nó cho thấy mối liên hệ giữa việc tiêu thụ rượu bia và nguy cơ gây ung thư. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh cũng đồng tình với nghiên cứu trên khi tuyên bố rằng không có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc dùng rượu bia sẽ giúp chúng ta tốt hơn. Trên thực tế, khoảng 90.000 người Mỹ mỗi năm bị ung thư đều liên quan đến rượu bia.

Đạo luật gắn nhãn đồ uống có cồn năm 1988 yêu cầu Cục thương mại và Thuế tham khảo ý kiến ​​của Tổng cục phẫu thuật để cập nhật những cảnh báo nguy hại nếu chứng minh được những thông tin khoa học trên là chính xác. Bên cạnh đó các nhóm y tế, bao gồm Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ, Hiệp hội Sức khỏe Cộng đồng Mỹ và Liên minh Chính sách Rượu Mỹ, nhấn mạnh rằng các nhãn hiện có cần được đảm bảo hiện đại hóa.

Đứng trước việc bị xâm hại, một số bên trong ngành công nghiệp đồ uống đang cố minh chứng ngược lại những thí nghiệm mà họ cho là không đúng và gây ra nhiều tranh cãi về mối liên hệ giữa rượu và ung thư. Jackson Shedelbower, phát ngôn viên của Viện đồ uống Mỹ cho biết: "Đã có hàng tá nghiên cứu trước đây được thực hiện trong nhiều thập kỷ cho thấy với một hoặc hai ly rượu, bia mỗi ngày sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đồng thời, các nghiên cứu công bố gần đây cũng kết luận rằng chúng chỉ mới dừng lại ở mức độ tham khảo với nhiều khả năng sai lệch cao".

CFA đề xuất thay đổi thông điệp cảnh báo mới trên rượu bia, thay vì như hiện tại là khuyến cáo phụ nữ không nên uống trong khi mang thai vì thai nhi sẽ có nguy cơ dị tật bẩm sinh, cũng như rượu làm suy yếu khả năng lái xe và kiểm soát hành vi của người uống. Họ hy vọng việc đổi các nhãn cảnh báo cho thuốc lá, rượu bia sao cho bắt mắt có thể sẽ mang lại hiệu quả hơn trong việc thu hút sự chú ý của người tiêu dùng.

Các nghiên cứu tương tự được thực hiện ở một số quốc gia cho thấy lời khuyên của chính phủ về mối nguy hại của rượu đã ảnh hưởng đến mức độ tiêu thụ chúng. Tiêu thụ rượu ở Úc đã giảm từ 10,6 lít xuống còn 9,7 lít mỗi người sau khi chính phủ khuyên người tiêu dùng giảm uống rượu vào năm 2019, The Wall Street Journal cho biết.

Một nghiên cứu riêng biệt về tác động của những cảnh báo ung thư đã cho thấy "những thay đổi tích cực trong việc tiêu thụ rượu bia, bao gồm cả những người uống rượu đang có nguy cơ ung thư cao". Bên cạnh đó, một phân tích gần đây cho thấy mức tiêu thụ rượu trên toàn thế giới đã giảm 1,6% trong năm 2018 so với năm 2017. Dữ liệu mà công ty phân tích thị trường Nielsen cung cấp đã cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh số bán rượu đang chậm lại, một phần do xu hướng chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng.

Thái Âu

Chủ đề khác