VnReview
Hà Nội

Tiến độ triển khai các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội

Các tuyến đường sắt đô thị đang xây dựng của Hà Nội đều đội vốn và chậm tiến độ vì những lý do khác nhau.

Dự án đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi

Đây là tuyến metro đặc biệt bởi có sự kết hợp giữa đường sắt đô thị và đường sắt Quốc gia. Theo quy hoạch tổng thể, khi đường sắt Bắc – Nam đi đến Hà Nội thì có thể đi tiếp lên phía bắc bằng tuyến đường sắt Yên Viên – Ngọc Hồi. Toàn bộ tuyến đường có chiều dài 26 km và được Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2004 và phê duyệt dự án giai đoạn 1 từ năm 2008.

Dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi mới đang giải phóng mặt bằng ở giai đoạn 1

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Chính phủ vào năm 2002 thì tuyến đường sắt đô thị Yên Viên – Ngọc Hồi có tổng mức đầu tư 9.197 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2004 đến nay, dự án này đã có 3 lần chia lại phạm vi và phân kỳ đầu tư. Năm 2017, tuyến đường sắt đô thị Ngọc Hồi Yên Viên được tách thành 2 dự án riêng biệt gồm xây dựng khu tổ hợp Ngọc Hồi và đoạn Giáp Bát – Gia Lâm (giai đoạn I); xây dựng đoạn Ngọc Hồi – Giáp Bát (giai đoạn IIA) và Gia Lâm – Yên Viên (giai đoạn IIB). Sau những lần điều chỉnh, tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án này lên tới 81.537 tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD).

Hiện tại giai đoạn 1 của dự án này đang giải phóng mặt bằng và theo Bộ GTVT đến quý II/2010 mới hoàn thành trong điều kiện được bố trí đủ vốn còn thiếu. Tổng mức đầu tư của dự án metro số 1 này lên tới hơn 81.000 tỷ đồng, việc tìm đủ nguồn lực đầu tư cho dự án thực sự là bài toán khó.

Tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội

Tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội có tổng chiều dài 12,5 km, trong đó đoạn trên cao dài 8,5 km từ Nhổn đến Kim Mã và đoạn ngầm dài 4 km từ Kim Mã đến ga Hà Nội. Dự án này được khởi công vào tháng 10/2010 và dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành. Dự án này đã qua một số lần điều chỉnh tiến độ, lần điều chỉnh mới nhất là đến năm 2022 hoàn thành toàn tuyến.

Theo mức phê duyệt ban đầu, tổng mức đầu tư cho tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội là 783 triệu Euro. Tuy nhiên, theo những số liệu tính toán mới nhất, hiện dự án này đã đội vốn 14.052 tỷ đồng. Theo dự kiến ban đầu, dự án này được khởi công vào năm 2006 và đưa vào hoạt động năm 2010. Tuy nhiên, sau một vài trục trặc, tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội bị dừng triển khai và sau đó tiếp tục khởi động lại vào năm 2010.

Hiện nay, tổng thể dự án đã đạt khoảng 48% trong đó đoạn trên cao đã hợp long toàn tuyến và dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2020.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,1 km với 12 nhà ga. Tuyến đường sắt đô thị này được khởi công vào năm 2011 và dự kiến hoàn thành vào tháng 9/2014. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, dự án này đã có 8 lần lỗi hẹn với ngày hoàn thành và đến nay vẫn chưa thể vận hành thương mại. Lần gần đây nhất tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông lỗi hẹn vận hành thương mại chính là ngày 30/4/2019.

Tổng mức vốn đầu tư của dự án này ban đầu là 8.770 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, mức tổng đầu tư cho tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã lên tới hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 9.231 tỷ đồng so với dự kiến.

Nguyên nhân của việc chậm tiến độ và đội vốn của dự án này được cho là do quá trình lập dự án chưa nghiên cứu kỹ so sánh kỹ thuật và lựa chọn dẫn dến quá trình thay đổi phương án, làm tăng chi phí; bổ sung khối lượng di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ra khỏi chỉ giới mặt bằng khu nhà ga; bàn giao mặt bằng chậm và tiến độ thực hiện kéo dài dẫn đến chi phí nhân công, vật liệu tăng cao.

Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011, mạng lưới đường sắt đô thị gồm 8 tuyến với tổng chiều dài khoảng 318 km, cụ thể:

Tuyến số 1: Ngọc Hồi – Yên Viên – Như Quỳnh, chiều dài khoảng 38,7 Km;

Tuyến số 2: Nội Bài – Trung tâm thành phố – Thượng Đình, chiều dài khoảng 35,2 Km, là xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai, kết nối với tuyến số 2A;

Tuyến số 2A:;Cát Linh - Giảng Võ - Láng Hạ - Thanh Xuân - Hà Đông, dài 13,1 km

Tuyến số 3: Nhổn – Ga Hà Nội – Hoàng Mai chiều dài khoảng 21 Km, sau năm 2020 sẽ phát triển tuyến số 3 tới Sơn Tây, tổng chiều dài dự kiến là 48 km;

Tuyến số 4: Đông Anh – Sài Đồng – Vĩnh Tuy/Hoàng Mai – Thanh Xuân – Từ Liêm – Thượng Cát – Mê Linh. Tuyến có chiều dài khoảng 53,1 km, có dạng vòng tròn, kết nối với các tuyến số 1, số 2, số 3 và số 5.

Tuyến số 5: Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – Láng – Hòa Lạc. Chiều dài khoảng 34,5 Km.

Tuyến số 6: Nội Bài – Khu đô thị mới phía Tây Ngọc Hồi, kết nối với Tuyến số 4 tại Cổ Nhuế và Tuyến số 7 tại Dương Nội. Chiều dài khoảng 43 Km.

Tuyến số 7: Mê Linh – Đô thị mới phía Tây Nhổn – Vân Canh – Dương Nội, kết nối với tuyến số 4 tại đoạn Đại Mạch và Tây Tựu, với tuyến số 6 tại đoạn Dương Nội. Chiều dài khoảng 35 Km.

Tuyến số 8: Cổ Nhuế – Vành Đai 3 – Lĩnh Nam – Bát Tràng – Dương Xá. Chiều dài khoảng 28 Km.

Hiện tại, theo quy hoạch này thì Hà Nội mới đang triển xây dựng một phần của tuyến số 2A và tuyến số 3. Các tuyến khác vẫn đang trong quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công hoặc kêu gọi đầu tư.

T.T

Chủ đề khác