VnReview
Hà Nội

Chiến tranh thương mại Nhật - Hàn và cái kết Trung Quốc hưởng lợi

Các công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei đang có những lợi thế rất lớn để tận dụng cơ hội trong cuộc chiến thương mại giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Nói cách khác Trung Quốc đang trở thành "ngư ông đắc lợi" trong bối cảnh Hàn - Nhật xảy ra mâu thuẫn.

Giới quan sát tin rằng, một cuộc chiến thương mại leo thang giữa Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ trở thành tin tốt đối với Trung Quốc, cả về lĩnh vực kinh tế lẫn ngoại giao. Theo các nhà phân tích chỉ ra, các nhà sản xuất Trung Quốc có thể đạt được lợi thế cạnh tranh lớn về kinh tế khi hai đồng minh thân cận của Mỹ tại Châu Á đang mâu thuẫn lẫn nhau.

Hôm thứ 3 (9/7), Tokyo tuyên bố sẽ đứng sau quyết định hạn chế xuất khẩu quan trọng đối với ngành công nghiệp công nghệ của đất nước láng giềng, bất chấp tuyên bố trước đó của Bộ trưởng Thương mại Hiroshige Seko rằng họ đã sẵn sàng đối thoại mở với phía Hàn Quốc. Điều này cho thấy, Nhật Bản rõ ràng không bị lay chuyển bởi động thái đe đọa đáp trả của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Khi Nhật Bản quyết không chịu nhường cũng là lúc các công ty Hàn Quốc như Samsung, LG khốn đốn. Cả hai đều đang phụ thuộc khá nhiều vào công nghệ của Nhật Bản và chắc chắn sau lệnh cấm trên, hai hãng sẽ phải nhanh chóng tìm kiếm đối tác cung ứng bổ sung.

Theo tờ SCMP, Seoul sẽ đối phó với lệnh cấm của Nhật Bản bằng cách hạn chế xuất khẩu màn hình OLED sang Nhật Bản. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến dây chuyền sản xuất TV cao cấp của Nhật.

Với các biện pháp ăn miếng trả miếng làm tổn hại ngành công nghiệp hai nước, các chuyên gia cho rằng, các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là các công ty sản xuất bán dẫn nước này sẽ nhanh chóng khỏa lấp khoảng trống mà các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản để lại.

Hai bên tổn hại những gì?

Nhật Bản đang áp đặt hạn chế xuất khẩu đối với ba loại vật liệu gồm polyamit fluoride, được sử dụng chủ yếu trong sản xuất smartphone, chất cản quang photoresist dùng cho sản xuất chất bán dẫn và hydro florua sử dụng để chế tạo chất bán dẫn.

Theo Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc, các công ty Hàn Quốc phụ thuộc rất nhiều vào Nhật Bản trong nửa đầu năm nay. Nhật đã cung cấp khoảng 94% polyamit fluoride và 92% chất cản quang cho các công ty Hàn Quốc.

Tuy nhiên sự phụ thuộc trên chỉ là một phần. Ryo Hinata-Yamaguchi, giáo sư tại Đại học kinh tế và thương mại quốc tế thuộc Đại học quốc gia Pusan, Hàn Quốc cho biết, lệnh cấm sẽ khiến cả Tokyo và Seoul lao đao. Nhật Bản là nguồn cung cấp hóa chất và vật liệu sản xuất rất quan trọng đối với Hàn Quốc. Trong khi đó với Nhật Bản, Hàn Quốc lại là thị trường xuất khẩu quan trọng bậc nhất.

June Park, một giảng viên kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học George Mason, Hàn Quốc cho biết, ngành công nghiệp của hai nước đã có truyền thống hợp tác và bổ sung cho nhau từ khá lâu. Ví dụ các công ty Hàn Quốc mua nguyên liệu từ Nhật Bản để sản xuất chất bán dẫn và sau đó bán chúng cho các công ty Nhật Bản để sản xuất thành phẩm.

Tuy nhiên nếu như mối liên kết này bị tách rời, hiệu ứng loan tỏa sẽ tác động đến nguồn cung chip toàn cầu, gây hệ lụy không nhỏ cho cả những hãng công nghệ khác như Apple hay Huawei.

Nhưng tại sao Trung Quốc lại là quốc gia được hưởng lợi từ cuộc chiến này?

Các nhà phân tích cho rằng, cuộc chiến thương mại khốc liệt này cuối cùng sẽ đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất Trung Quốc.

Do cuộc chiến thương mại với Mỹ, Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp chip để có thể tự chủ, giảm sự phụ thuộc nếu xảy ra các cuộc chiến thương mại khốc liệt hơn trong tương lai.

Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc vẫn còn khá non trẻ nếu so với Hàn Quốc hay Nhật Bản. Tuy nhiên với chiến lược Made in China 2025, nước này đang tích cực đổ tiền cho các dự án nghiên cứu chip và sẽ sớm gặt hái thành quả trong vài năm tới. Bắc Kinh đặt mục tiêu có thể sản xuất 40% chất bán dẫn đang sử dụng vào năm 2020 và 70% vào năm 2025, tăng mạnh từ mức 10% hiện nay.

Giới quan sát cho rằng, mục tiêu này sẽ càng dễ thực hiện hơn nếu như căng thẳng giữa Hàn Quốc và Nhật Bản tiếp tục leo thang, đe dọa làm suy yếu các ông trùm trong ngành công nghiệp chip như Samsung, SK Hynix. Lúc này các công ty Trung Quốc sẽ tìm thấy cơ hội để chiếm lĩnh thị trường và thu hút khách hàng cho riêng mình.

Ông Park cho rằng, nếu ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc suy yếu,Trung Quốc sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội và vươn lên ngay lập tức. Đơn giản bởi quốc gia tỷ dân có động lực rất lớn trong việc chiếm lĩnh ngành công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt Trung Quốc có thể tận dụng căng thẳng hiện tại để tiếp nối cuộc đua tranh giành quyền lực trong ngành công nghiệp bán dẫn. Trong những năm 1990 và 2000, Nhật Bản chiếm ưu thế. Nhưng từ những năm 2010 đến nay, Hàn Quốc đang lên ngôi. Nhưng ai biết đâu trong vài năm tới không phải là cái tên Trung Quốc dẫn đầu ngành công nghiệp béo bở này.

Khi mà hai ông lớn trong ngành này đối đầu và tự làm suy yếu lẫn nhau, các nhà phân tích tự hỏi, Trung Quốc liệu có nên vượt lên để lãnh đạo thị trường bán dẫn trong lúc này hay không.

Chẳng những được lợi về kinh tế, Trung Quốc cũng được hưởng lợi về địa chính trị

Giáo sư Hinata-Yamaguchi cho rằng, mối quan hệ căng thẳng giữa hai ông lớn Đông Á sẽ có lợi cho Trung Quốc cả về mặt địa chính trị. Bởi lẽ từ lâu Trung Quốc luôn nhạy cảm với mối quan hệ khăng khít giữa Nhật Bản và Hàn Quốc vì đây là hai đồng minh thân cận của Mỹ tại Châu Á.

Dân Hàn Quốc thi nhau tẩy chay các mặt hàng, sản phẩm của Nhật Bản để phản đối lệnh hạn chế xuất khẩu

Đặc biệt Trung Quốc rất lo ngại mối quan hệ ba chiều giữa Mỹ - Nhật - Hàn có thể phát triển thành một liên minh toàn cầu, đe dọa kiềm chế sự bành trướng về mặt quân sự của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, giống như cách Mỹ và NATO cùng nhau hợp tác để ngăn tầm ảnh hưởng của Nga.

Chính vì vậy nếu Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn tiếp tục căng thẳng, kinh tế hai bên sẽ bị thiệt hại và mối quan hệ song phương giữa hai chính phủ có thể bị rạn nứt. Lúc này vấn đề nối lại quan hệ sau khi chiến tranh kết thúc sẽ không hề đơn giản.

Hinata-Yamaguchi nhận định, cuối cùng Trung Quốc vẫn là quốc gia được hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại Hàn-Nhật. Và mức độ hưởng lợi bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình trạng quan hệ giữa hai cường quốc Đông Á.

Tiến Thanh

Chủ đề khác