VnReview
Hà Nội

'Vua sư tử' là phim hoạt họa hay live-action?

Trước khi được chính thức phát hành ngày 19/7 vừa qua, bộ phim "Vua sư tử" phiên bản mới nhất được coi là một chuyển thể live-action (phim hành động trực tiếp, không sử dụng hoạt họa, có diễn viên bằng xương bằng thịt đóng và xuất hiện trên khung hình) của bộ phim hoạt hình kinh điển năm 1994, cũng giống như "Cinderella", "Beauty and the Beast" và "Dumbo" được Disney phát hành trong những năm gần đây.

Nhưng có đúng là như vậy không khi mà sư tử, linh cẩu, cầy và lợn không thực sự nói chuyện, nhảy múa hay hòa mình theo lời hát như con người.

Zazu, bên trái, do John Oliver lồng tiếng, và Mufasa (James Earl Jones) trong một cảnh phim "Vua sư tử" của đạo diễn Jon Favreau. (Ảnh Walt Disney)

Vì vậy, ‘The Lion King' – ‘Vua Sư tử' thực sự nên được phân loại là phim hoạt họa, dù sử dụng các công cụ kỹ thuật số tiên tiến để có được hình ảnh thực thay vì những hình ảnh hoạt họa vẽ tay cách điệu của bộ phim gốc.

Nhưng điều đó cũng không hoàn toàn chính xác. Đúng là ‘The Lion King' được thực hiện hoàn toàn bằng hình ảnh do máy tính tạo ra, tổng cộng 1.600 bức ảnh. Nhưng ngoài một số kỹ thuật mới, đội ngũ sáng tạo của bộ phim đã sử dụng một loạt công cụ và kỹ thuật làm phim live-action, từ ánh sáng đến chuyển động máy ảnh để trang trí trường quay – vốn đã có từ hơn một thế kỷ trước.

Vậy thì, bộ phim thuộc thể loại gì, là sự kết hợp của cả hai, hay là một cái gì đó khác hoàn toàn? Ngay cả đạo diễn Jon Favreau cũng không xác định được thể loại của bộ phim:

"Đây có phải là một sản phẩm lai tạo? Điều đó thậm chí còn gây khó hiểu hơn nữa. Thủ thuật ở đây là làm cho bộ phim giống như một thể loại hoàn toàn mới. Dù sử dụng các kỹ thuật hoạt họa, chúng tôi muốn các hình ảnh như thật. Và điều đó đòi hỏi rất nhiều đổi mới về kỹ thuật và công nghệ".

Ở cấp độ cơ bản nhất, bộ phim thực sự nên được mô tả như một bộ phim hoạt họa với các công cụ hoạt họa máy tính mà Favreau sử dụng trong bộ phim ‘The Book Jungle' phiên bản năm 2016 – vốn lại được xây dựng dựa trên những gì James Cameron đã tiên phong sử dụng trong ‘Avatar'.

Trong khi ‘The Jungle Book' có một người bằng xương bằng thịt biểu diễn trên màn ảnh - Neel Sethi trong vai cậu bé Mowgli - bao quanh bởi các loài động vật và môi trường được tạo ra bằng kỹ thuật số, mọi thứ bạn thấy trong ‘The Lion King' là sản phẩm của các họa sĩ kỹ thuật số vẽ mọi thứ chỉ bằng hai ký tự 1 và 0, ngay cả những ngọn cỏ trên thảo nguyên châu Phi. (Favreau đã lén đưa một cảnh quay thực, không mô phỏng hình ảnh bằng máy tính vào bộ phim "chỉ để xem liệu có ai có thể phát hiện ra hay không".)

"‘The Jungle Book' gần như là thử nghiệm đầu tiên, và sau đó tôi cảm thấy như mình đã sẵn sàng để bỏ đi yếu tố con người", Favreau cho biết. "Sau khi bỏ đứa trẻ ra, chúng tôi đã sử dụng các kỹ thuật tương tự nhưng hoàn toàn hoạt họa, không cảnh nào có live-action. Mỗi cảnh quay đều được hoạt họa trong khung hình chính. Không có ghi hình chuyển động. Không quét lại chuyển động của một con vật. Các nghệ sĩ hoạt họa mọi thứ bằng tay".

Scar, do Chiwetel Ejiofor lồng tiếng, ở giữa, trong một cảnh ‘Vua sư tử'. (Disney)

Nhưng bộ phim còn phức tạp hơn thế. Trên thực tế, nhóm làm phim ‘The Lion King' đã thoát khỏi quy trình hoạt họa CGI điển hình, kết hợp hoạt họa và live-action thành một thể loại độc đáo và hơi khó hiểu. Tất cả môi trường và loài động vật của bộ phim đều được thể hiện bằng kỹ thuật số, sau đó các yếu tố có độ phân giải thấp do máy tính tạo ra này được đưa vào một trường quay thực tế ảo (virtualreality - VR), ở đó Favreau và nhà quay phim Caleb Deschanel sẽ quay chúng như thể họ đang làm một bộ phim hành động trực tiếp.

Đến thăm trường quay sẽ giúp bạn hiểu bộ phim đã xóa nhòa ranh giới giữa hoạt họa và live-action như thế nào, Sean Bailey, chủ tịch sản xuất của Disney, chia sẻ với The Times hồi đầu năm nay.

Theo Favreau, quá trình lai ghép độc đáo của bộ phim đã giúp tạo ra một kiểu thẩm mỹ cho cảm giác phim live-action hơn là phim hoạt họa. "Hoạt hình 2-D truyền thống có những lợi thế khác. Bạn có thể nhân cách hóa hoàn toàn các nhân vật. Bạn có thể cách điệu bảng màu và các thiết lập và có những cảm xúc tuyệt vời của con người đối với cách thể hiện các nhân vật. Nhưng lợi thế của chúng tôi là chúng tôi có thể cho thấy vẻ đẹp và tính tự nhiên của thế giới bằng cách sử dụng những đột phá công nghệ tuyệt vời này".

‘Lion King' năm 1994 được đánh giá cao vì những hình ảnh hoạt họa vẽ tay sống động. (Walt Disney Co.)

Khi tiếp thị cho bộ phim, Disney đã cẩn thận tránh định nghĩa ‘The Lion King' là phim hoạt họa hay phim live-action, thay vào đó mô tả đó là phim "hình ảnh thực". Tuy nhiên, để tranh giải Oscar, hãng phim dự định sẽ định vị bộ phim thuộc live-action chứ không phải hoạt họa, như từng làm với bộ phim ‘The Jungle Book', đã giành giải Oscar cho hiệu ứng hình ảnh. Hiện nay, hãng đã có hai ứng cử viên Oscar cho tính hoạt họa trong ‘Toy Story 4' và ‘Frozen 2' sắp tới.

Dù người ta phân loại bộ phim thế nào, Favreau vẫn tự hào rằng quá trình tạo ra ‘The Lion King' đã kết hợp cả quá trình làm phim trong quá khứ và tương lai. Gọi đó là chu kỳ của cuộc sống, là phong cách Hollywood.

"Các công nghệ mới thường làm gián đoạn toàn bộ ngành công nghiệp, nhưng trong trường hợp này, chúng tôi thực sự đã có được một đội ngũ đầy đủ những người làm phim truyền thống, từ người trang trí trường quay tới đạo diễn trợ lý. Chỉ vì có công cụ và công nghệ mới không có nghĩa là bạn không thể tận dụng các truyền thống và kỹ năng mà mọi người đã học được trong nhiều năm. Để Caleb Deschanel ngồi xuống giải thích cách chiếu sáng hoạt động với một coder trẻ tuổi, đối với tôi mà nói, là đóng vai trò rất lớn trong việc giữ cho truyền thống của chúng ta tồn tại".

L.H.X (Theo Los Angeles Times)

Chủ đề khác