VnReview
Hà Nội

Tesla tiếp tục "chơi lớn" với dự án siêu pin Megapack

Sau Powerpack, Tesla lại bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới với dự án lưu trữ năng lượng còn đồ sộ hơn mang tên Megapack.

Đã hai năm kể từ khi Tesla thực hiện dự án pin năng lượng lớn nhất thế giới ở bang Nam Australia – ;dự án mà Elon Musk đã đánh cược hoàn thành trong vòng 100 ngày nếu không đảm bảo đúng hạn công ty này sẽ phải "cho không" công trình. Và giờ đây, Tesla lại tiếp tục tiết lộ một dự án "kinh thiên động địa" khác, Megapack.

Tesla đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống tích trữ điện bằng pin lithium ion lớn nhất thế giới -  Powepack với công suất 100 MW tại Nam Australia vào tháng 11 năm 2017. Kết nối với trang trại năng lượng gió Hornsdale, Neoen, gần thị trấn Jamestown, Powerpack được kỳ vọng sẽ giảm bớt sự khốn khổ do thiếu điện trên diện rộng của bang này.

Đến nay, theo báo cáo từ các cố vấn kỹ thuật của công ty Aurecon, khối pin trên đã giúp tiết kiệm được khoảng 40 triệu USD, đồng thời cũng giúp ổn định mạng lưới điện trong khu vực.

Tiếp nối thành công của hệ thống Powerpack, gã khổng lồ công nghệ đã công bố dự án Megapack, một khối pin khổng lồ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu có quy mô trên toàn thế giới.

Vậy, Megapack và Powerpack có gì khác nhau?

Về cơ bản, Megapack lớn hơn, tiện ích hơn, có công suất 250 MW, và tương tự như Powerpack, nó cũng lưu trữ năng lượng dư thừa được sinh ra bởi những năng lượng tái tạo như gió, mặt trời.

Theo Tesla, việc lắp đặt và kết nối vào mạng lưới điện hiện tại sẽ khá đơn giản. Mỗi khối pin Megapack sẽ được phân phối lắp ráp – gồm mô-đun pin, hệ thống quản lý nhiệt năng, giao điện điện xoay chiều - với dung lượng lưu trữ đến 3 MWh và 1,5 MW công suất biến tần. Ngoài ra, có thể kết nối trực tiếp Megapack với nguồn điện năng lượng mặt trời.

Tesla đoán định họ có thể sớm hoàn thành dự án này, công ty này cho rằng trên diện tích khoảng 1,2ha, họ có thể xây dựng nhà máy điện với công suất 250 MW, 1 GWh trong chưa đầy 3 tháng. Đó là khoảng thời gian mà Musk đã đặt cược với dự án Powerpack, và ai cũng biết điều gì đã xảy ra, họ hoàn thành nó còn sớm hơn thời hạn.

Mỗi Megapack sẽ kết nối với trung tâm giám sát năng lượng tái tạo gọi là Powerhub và cũng có thể được tích hợp với Autobidder, nền tảng máy học của Tesla, cho phép truyền tải tự động trong mạng lưới điện.

Nhưng sự khác biệt đáng nói lại đến từ quy mô của dự án. Tesla tuyên bố Megapack được lắp đặt lớn hơn, với mỗi hệ thống có mật độ năng lượng tăng 60% so với phiên bản trước. Để dẫn chứng, một bài đăng của công ty đã trích dẫn dự án Moss Landing được triển khai tại California (Mỹ), nơi mà Công ty Điện và Khí đốt Thái Bình Dương yêu cầu phê duyệt đối với bốn dự án lưu trữ năng lượng với tổng công suất khoảng 567MW cho các khu vực trên toàn bang. Tesla tham gia một trong những dự án này với yêu cầu 182,5 MW pin lithium ion, như vậy hệ thống Powerpack đơn giản là quá nhỏ bé để hoàn thành công việc nặng nề trên.

Tesla cho biết Megapack sẽ là sự thay thế bền vững cho các nhà máy điện hoạt động từ nguồn cung khí đốt tự nhiên và có thể mô tả Megapacknhư những nhà máy điện "khuếch đại" vậy.  Công ty này cho biết "các nhà máy này sẽ kích hoạt bất cứ khi nào mạng lưới điện tại chỗ không thể cung cấp đủ năng lượng để đáp ứng nhu cầu ở ngưỡng cao nhất. Thay vì phải tốn hàng triệu USD mỗi ngày để vận hành những nhà máy điện kém hiệu quả và bẩn thỉu thì Megapack có thể sử dụng năng lượng mặt trời hoặc năng lượng gió được dự trữ đễ hỗ trợ mạng lưới tải điện lúc cực đại".

Với khả năng dự trữ và dung lượng lớn, tiềm năng to lớn của Megapack được mong đợi sẽ còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực hơn nữa.

H. GIang - theo Mashable

Chủ đề khác