VnReview
Hà Nội

Mạng xã hội của Việt Nam: Sinh ra nhiều nhưng 'chết' cũng nhiều

Rất nhiều mạng xã hội của Việt Nam đã ra đời trong những năm qua nhưng đa phần là không thể cạnh tranh được với Facebook và dần dần đi vào 'cửa tử'.

Sinh ra nhiều nhưng 'chết' cũng nhiều

Báo cáo của Bộ thông tin và Truyền thông cho biết đến thời điểm tháng 7/2019 có 455 mạng xã hội trong nước đã được cấp phép. Trong số đó, 6 tháng đầu năm 2019 đã có 48 giấy phép. Mới nhất, vào ngày 23/7, mạng xã hội Gapo ra mắt và công bố đã được quỹ G-Capital đầu tư dự kiến 500 tỷ đồng để phát triển. Mạng xã hội này đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ có 50 triệu người dùng.

Trước đó không lâu, vào tháng 6/2019, mạng xã hội Hahalolo cũng được giới thiệu và tuyên bố cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Thậm chí, mạng xã hội mới này còn tuyên bố sẽ đạt 2 tỷ người dùng vào năm 2024 và lên sàn chứng khoán Mỹ vào năm 2025.

Tuy mạng xã hội do người Việt Nam mở ra rất nhiều nhưng đến hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào đủ sức cạnh tranh với Facebook hay Instagram. Ở thời điểm hiện tại mới chỉ có Zalo và Mocha - 2 ứng dụng OTT là những sản phẩm của người Việt hoạt động như mạng xã hội sở hữu lượng người dùng lớn, với Zalo là khoảng 46 triệu người dùng hàng tháng còn Mocha là 4,8 triệu. Trong khi đó, số người dùng hàng tháng của Facebook tại Việt Nam là khoảng trên 60 triệu.

Rất nhiều mạng xã hội Việt Nam đã ra đời nhưng chưa đơn vị nào đủ sức 'đánh bại' Facebook

Trước đây, Việt Nam có một mạng xã hội rất được ưa chuộng là Zing Me. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh của Facebook thì mạng xã hội này đã không thể trụ vững và cuối cùng trở thành một 'thành phố ma' trên Internet.

Mạng xã hội đầu tiên của Việt Nam là Tamtay.vn được thành lập vào năm 2007, sau 11 năm hoạt động cũng đã chính thức đóng cửa vào năm 2018. Rất nhiều mạng xã hội khác của Việt Nam cũng đóng cửa hoặc số lượng người dùng không nhiều. Thậm chí, một số mạng xã hội của nước ta như Zing Me hay Go.vn được hậu thuẫn bởi những 'ông lớn' như VNG và VTC vẫn không thể cạnh tranh lại được với Facebook.

Tháng 8/2018, mạng xã hội của người Việt Nam là Biztime ra đời và tuyên bố đã có khoảng 100.000 người dùng thường xuyên. Tuy vậy, mạng xã hội này nhận được rất nhiều ý kiến cho rằng đã 'bê nguyên' ý tưởng từ Facebook sang. CEO của đơn vị này - Vũ Văn Anh cho rằng với giao diện giống Facebook thì người dùng sẽ không bỡ ngỡ khi chuyển từ Facebook sang Biztime.

Trong thời gian sắp tới, sẽ có rất nhiều mạng xã hội khác của người Việt ra đời. Điển hình, dự kiến sắp tới một mạng xã hội được đứng sau bởi 'ông lớn' trong ngành truyền thông là VCCorp với tên VivaVietnam sẽ được giới thiệu đến người dùng.

'Cửa sống' nào cho mạng xã hội Việt Nam

Thực tế cho thấy, trước đây thế giới cũng có khá nhiều mạng xã hội hùng mạnh như Facebook bây giờ nhưng rồi lại đi vào 'cửa tử'. Đó là trường hợp của Yahoo!Blog 360 hay MySpace. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, một thứ gì đó ra đời, tốt hơn và mang lại nhiều lợi ích cho người dùng hơn có thể 'xô đổ' một ông lớn là chuyện bình thường.

Ở một số nước lớn trên thế giới, hiện nay Facebook cũng không còn giữ vị trí độc tôn hay thậm chí là không có 'đất' hoạt động. Có thể kể ra ở đây là ở Nga khi họ dùng chủ yếu mạng xã hội VK, Trung Quốc với mạng Wechat hay Hàn Quốc với Kakao Talk.

Phải chăng đã đến lúc Việt Nam cần một mạng xã hội mới thay thế Facebook?

Phát biểu tại cuộc gặp các doanh nghiệp Công nghệ thông tin phía Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: 'Mạng xã hội Facebook vận hành nhờ vào sự đóng góp từ người dùng. Vì vậy, họ phải được tham gia quyết định luật chơi trên nền tảng đó. Mạng xã hội phản ánh đời sống thực nên những giá trị đạo đức cơ bản của con người phải được tôn trọng. Đồng thời, nền tảng mạng xã hội cũng phải tuân thủ pháp luật nước sở tại'. Nói về sự tồn tại của Facebook và sự phát triển của các mạng xã hội của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích: 'Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó'.

Trước đó, vào năm 2018, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã nhấn mạnh đến việc xây dựng các mạng xã hội 'Made in Vietnam' để cạnh tranh với Facebook hay Google.

Facebook tuy rất mạnh nhưng họ lại chỉ phân phối chứ không sản xuất nội dung. Đây chính là cơ hội cho các mạng xã hội Việt Nam có thể dựa vào để cạnh tranh. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng giám đốc VCCorp cho rằng: 'Các doanh nghiệp nội dung số trong nước vẫn có cơ hội giành lại thị trường từ các mạng xã hội nước ngoài. Bởi vì các nền tảng nước ngoài tuy mạnh nhưng lại chỉ phân phối mà không sản xuất nội dung. Chính vì thế, các nhà sản xuất nội dung Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để lấy lại chủ quyền thông tin'.

Có thể thấy nếu muốn phát triển và giành được thị trường của Facebook, cách tốt nhất là phải làm khác mạng xã hội này. Đó là việc tập trung vào sản xuất nội dung, đi vào các mạng xã hội chuyên biệt về một lĩnh vực cụ thể nào đó như du lịch, sức khỏe, thể thao, giải trí... Đó được coi là 'thị trường ngách' mà các mạng xã hội Việt Nam có thể dựa vào và phát triển.

T.T

Chủ đề khác