VnReview
Hà Nội

Doanh số chip trên toàn cầu vẫn tiếp tục sụt giảm do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang

Doanh số bán dẫn – những con chip nhỏ bé đang kiểm soát gần như mọi công nghệ ở hiện tại, từ TV màn hình phẳng, smartphone cho đến ô tô điện hay internet – vẫn đang tiếp tục sụt giảm trong quý thứ hai liên tiếp do căng thẳng chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Doanh số chip trên toàn cầu vẫn tiếp tục sụt giảm do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang

Theo dữ liệu từ Hiệp hội Ngành công nghiệp Bán dẫn (SIA), cơ quan thương mại đại diện lợi ích cho Mỹ trong việc sản xuất, thiết kế và nghiên cứu chip, doanh số chip bán ra trên toàn cầu đạt mức 98,2 tỉ USD trong 3 tháng của quý 2 (tính đến 30/06), giảm 16,8% so với 117,9 tỉ USD vào hồi đầu năm nay.

"Giữa năm 2019, thị trường bán dẫn toàn cầu vẫn trong giai đoạn giảm về doanh số. Tính đến tháng 6, tổng lợi nhuận đạt được thấp hơn gần 15% so với cùng kì năm ngoái", John Neuffe, Chủ tịch và Giám đốc điều hành tại SIA, xác nhận vào hồi thứ 2. "Doanh số từng năm đã giảm trên mọi thị trường chính có liên quan và những doanh mục sản phẩm bán dẫn."

Doanh số chip trong quý đầu tiên đã giảm 13%, từ 111,1 tỉ USD xuống còn 96,8 tỉ USD.

Các dữ liệu hằng quý này của SIA được công khai chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp mức thế 10% đối với 300 tỉ USD hàng hóa đến từ Trung Quốc kể từ ngày 01/09. Trong một loạt tweet vào hồi thứ 5 tuần trước, Tổng thống Trump cho hay rằng cần phải áp đặt thuế quan này bởi vòng đàm phán thương mại mới đây đã không đủ thể hiện được sự nhượng bộ từ chính quyền Bắc Kinh.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố phía Mỹ vi phạm thỏa thuận giữa 2 bên sau khi cả hai Tổng thống Donald Trump và Tập Cận Bình đã xác nhận sẽ không áp dụng thuế quan tại Hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào cuối tháng 6. Trong đầu tuần nay, Trung Quốc đã cấp phép hạ giá đồng nhân dân tệ xuống mức thấp kỉ lục, khiến Mỹ phải gán cho Trung Quốc cái mác "thao túng tiền tệ".

SIA cảnh báo, đợt thuế áp lên 300 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc này nhiều khả năng sẽ gây hậu quả nghiệm trọng cho nền kinh tế Mỹ. Họ đã từng chứng minh điều này trước Ủy ban Thương mại Quốc tế vào hồi tháng 6 khi chính quyền Trump đề xuất đợt thuế quan thứ tư.

Doanh số chip trên toàn cầu vẫn tiếp tục sụt giảm do chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang

Chính phủ Mỹ đề xuất áp dụng đợt thuế quan này với hầu như tất cả các sản phẩm công nghệ thông tin (IT), bao gồm laptop, smartphone, SSD, máy chơi game console, máy tính, TV và màn hình.

"Các công ty IT là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Mỹ và bất kì sự chững lại nào trong lĩnh vực này cũng sẽ tác động đến một loạt các ngành công nghiệp khác, gây ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế của Mỹ", SIA tiết lộ vào hối tháng 6. "Không có bất kì kịch bản áp đặt thuế lên sản phẩm IT nào là tích cực đối với nền kinh tế Mỹ."

Những lo lắng về sự chậm lại này dần tăng lên khi chính phủ Mỹ đưa Huawei Technologies, nhà cung cấp thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới, vào danh sách đen thương mại vì mối lo ngại an ninh. Điều này khiến công ty có trụ sở tại Thâm Quyến này không thể mua phần cứng, phần mềm hay dịch vụ từ những nhà cung cấp công nghệ ở Mỹ.

Vào hồi tháng 6, Micron Technology, nhà sản xuất chip nhớ máy tính lớn nhất tại Mỹ, xác nhận sẽ tiếp tục hợp tác với Huawei sau khi xác định toàn bộ sản phẩm họ bán cho công ty công nghệ Trung Quốc này không nằm trong danh sách đen thương mại mà Mỹ đưa ra.

Theo ước tính, Trung Quốc là nơi sản xuất hơn 90% smartphone, 65% máy tính cá nhân và 67% TV thông minh trên toàn cầu. Tuy nhiên, họ lại phải sử dụng các con chip từ nước ngoài để đưa vào những thiết bị này, đặc biệt là Mỹ. Giá trị nhập khẩu chip hàng năm của Trung Quốc đã vượt mặt xăng dầu trong những năm gần đây, đạt mốc 312 tỉ USD tính đến năm 2018.

Minh Hùng theo SCMP

Chủ đề khác