VnReview
Hà Nội

Việt Nam sẽ phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT để đẩy nhanh chuyển đổi số

Phát biểu tại diễn ra Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019), Bộ trưởng Bộ thông tin - Truyền thông (TT-TT); Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT để đẩy nhanh chuyển đổi số.

Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam

Sự kiện Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2019 (Vietnam ICT Summit 2019) có sự tham gia của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ Trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng hơn 800 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành và doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Sự kiện do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) tổ chức nhằm trả lời câu hỏi 'Việt Nam đang ở đâu trong dòng chảy chuyển đổi số'.

Tại sự kiện, các lãnh đạo, chuyên gia và cả người quản lý đều cho rằng thế giới hiện nay đang chứng kiến một cuộc chuyển mình mạnh mẽ với sự phát triển của khoa học công nghệ. Nếu doanh nghiệp nào tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số, tạo ra đột phá về năng lực sản xuất, cải thiện quản trị, tối ưu hóa mô hình... sẽ có lợi thế cạnh tranh rất cao.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: 'Chuyển đổi số làm thay đổi cái mà nền kinh tế sản xuất ra, thay đổi cách mà chúng được sản xuất ra và thay đổi hạ tầng sản xuất ra chúng. Chuyển đổi số cũng sẽ thay đổi căn bản tư duy nhận thức về tầm nhìn tương lai và các mối quan hệ kinh tế-xã hội định hình nó'.

Liên minh chuyển đổi số gồm 8 doanh nghiệp CNTT lớn bao gồm Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, CMC, BKAV, VNG và Misa

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa cho biết: 'Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Thế giới đang chứng kiến những thay đổi vô cùng to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người sử dụng và nhiều mô hình kinh doanh mới đã và đang được hình thành'.

Tuy nhiên, Theo Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng thì chuyển đổi số tuy mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam nhưng đây cũng là một sự thay đổi mang tính toàn diện, đến từng doanh nghiệp, từng tổ chức, đến từng người dân và đến mọi lĩnh vực. Ở đó Việt Nam muốn thay đổi thứ hạng thế giới thì phải đi nhanh và đi đầu để có lợi thế cạnh tranh.

Đồng quan điểm này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Việt Nam dù được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh so với khu vực và thế giới nhưng xuất phát điểm của chúng ta quá thấp. Vì vậy, Việt Nam phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh môi trường cạnh tranh quốc tế rất cao. Cạnh tranh ở đây không chỉ về thu hút vốn đầu tư, công nghệ mà còn cả ở thị trường.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng cho biết để vượt qua được cuộc đua cạnh tranh với cả thế giới thì Việt Nam cần có khát vọng, ý chí, sáng tạo và phải đột phá khỏi tư duy, suy nghĩ, ràng buộc do thói quen. Trong đó, chuyển đổi số là cơ hội rất lớn. Nhưng cơ hội đến với chúng ta thì cũng đến với dân tộc khác. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không nắm bắt tốt thì cơ hội sẽ biến thành thách thức.

Việt Nam sẽ phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cơ hội để chuyển đổi số đang đến và các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ là hạt nhân trong quá trình chuyển đổi này. Ông cho biết: 'Chúng ta phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số Việt Nam'.

Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia trong năm nay để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư trước, sẽ đi trước, sẽ phải có thứ hạng cao trên thế giới, phải nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Chúng ta nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.

Cũng tại diễn đàn này, các nhà mạng lớn nhất của Việt Nam cho biết đã sẵn sàng chuyển đổi hạ tầng từ truyền thống sang ICT. Đại diện của Viettel cho biết: 'Nói nhà mạng chuyển đổi chưa thì tôi trả lời rồi. Viễn thông gắn chặt với CNTT từ nhiều năm nay. Hạ tầng của chúng tôi là viễn thông – CNTT từ hệ thống truyền dẫn đến bên trong CNTT. Hệ thống tính cước được xây dựng dựa trên nền tảng CNTT. Cái nhà mạng cần làm bây giờ là cuộc cách mạng và tiến hành cung cấp thêm các nền tảng khác để chuyển đổi truyền thống lên ảo hóa'.

Cũng theo một số doanh nghiệp thì cái khó hiện nay chính là vấn đề thị trường. Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT cho biết: 'Tại sao doanh nghiệp ICT chưa phát triển? Vấn đề đầu tiên là nhu cầu thị trường chưa đủ để tạo ra số lượng lớn doanh nghiệp ICT. Tôi tin là khi thị trường có khoảng 1 - 2 triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ thì đảm bảo khi đó không cần thúc đẩy thị trường sẽ tự vận hành và kéo theo đó là sẽ có số lượng lớn doanh nghiệp ICT ra đời'.

Cũng tại Diễn đàn cấp cao về Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam 2019, Liên minh chuyển đổi số đã chính thức ra mắt với 8 doanh nghiệp về công nghệ thông tin lớn bao gồm Viettel, VNPT, FPT, MobiFone, CMC, BKAV, VNG và Misa. Mục tiêu của liên minh này là đưa Việt Nam chuyển đổi số thành công và trở thành một quốc gia hùng cường.

T.T

Chủ đề khác