VnReview
Hà Nội

YouTube bị kiện vì phân biệt đối xử với giới LGBT

Trong vụ kiện được đệ trình ngày 13/8, một nhóm YouTuber thuộc cộng đồng LGBTQ+ đã cáo buộc YouTube có hành vi phân biệt đối xử với nội dung do họ đăng tải.

Cụ thể, nhóm nguyên đơn cho rằng YouTube đã ngăn chặn video của họ, hạn chế khả năng kiếm tiền và áp đặt chính sách không công bằng.

Theo Engadget dẫn nguồn từ The Washington Post, vụ kiện lập luận rằng YouTube đã "lấy lý do về nội dung, phân phối và kiếm tiền bất hợp pháp nhằm bêu xấu, hạn chế, ngăn chặn và gây thiệt hại cho nguyên đơn nói riêng và cộng đồng LGBT nói chung".

Do phần mềm kiểm duyệt YouTube được giữ bí mật nên chủ kênh không thể biết tại sao video của họ bị chặn. Nguyên đơn cho rằng thuật toán và người kiểm duyệt của YouTube đã xóa nội dung chứa những từ như "gay" (đồng tính nam), "lesbian" (đồng tính nữ) và "bisexual" (song tính).

Bria Kam và Chrissy Chambers, 2 YouTuber trong nguyên đơn khẳng định YouTube đã hạn chế một số video của họ khiến doanh thu hàng tháng bị giảm từ 3.500 USD xuống còn 500 USD. Một số YouTuber khác cho rằng việc YouTube không thể quản lý bình luận sai phạm, tắt tính năng bình luận cũng làm giảm thu nhập của họ.

Trong thông cáo chính thức, phát ngôn viên YouTube cho biết tất cả nội dung trên nền tảng đều được áp dụng chính sách ngang bằng nhau:

"Chính sách YouTube không có khái niệm phân biệt xu hướng tình dục hay giới tính, hệ thống của chúng tôi cũng không hạn chế hoặc tắt kiếm tiền video có những yếu tố trên hoặc chứa các từ như 'gay' hoặc 'transgender'" (người chuyển giới).

Đây không phải lần đầu YouTube dính vào những vấn đề liên quan đến phân biệt đối xử. Năm 2017, nhiều người phát hiện chế độ hạn chế (Restrict Mode) liên tục chặn video chứa các nội dung LGBTQ+. YouTube sau đó đã lên tiếng xin lỗi và khắc phục.

Gần đây, YouTube cũng bị chỉ trích khi không gỡ video phân biệt chủng tộc, kỳ thị bởi nhà bình luận Steven Crowder. Các quản lý YouTube sau đó lên tiếng cho biết họ có một số ngoại lệ cho các YouTuber có nhiều người theo dõi hơn. Trong phản hồi chính thức, YouTube cho biết có 2 bộ tiêu chuẩn, một dành cho các YouTuber kiếm tiền từ quảng cáo và một cho cộng đồng nói chung với quy định có phần lỏng lẻo hơn.

Các nguyên đơn trong vụ kiện lần này nói rằng YouTube và Google đang có quá nhiều quyền lực: "Với việc nắm giữ 95% video cộng đồng trên thế giới, YouTube và Google có quá nhiều sức mạnh và tùy ý áp dụng chính sách dựa trên cái nhìn chủ quan".

Phúc Thịnh

Chủ đề khác