VnReview
Hà Nội

Sẽ có nhiều chuyển biến trong y tế nhờ công nghệ thông tin

Trong thời gian sắp tới, sẽ có nhiều chuyển biến trong ngành y tế nhờ sự trợ giúp của công nghệ thông tin nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng.

Tại Hội thảo chuyên đề 'AI trong y tế' được tổ chức trong khuôn khổ 'Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN), PGS Trần Quý Tường (Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Y tế) đã có những chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân hiện nay.

Có việc Nhật Bản, Hàn Quốc làm hơn 10 năm, Việt Nam chỉ làm 2 năm

Theo PGS Trần Quý Tường, hiện tại Bộ Y tế đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và đã chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hệ thống y tế Việt Nam hiện nay về mặt hành chính có 3 cấp quản lý là Bộ Y tế, Sở Y tế và các phòng hoặc các trung tâm y tế tuyến huyện, ở xã chúng ta không có cơ quan quản lý về y tế. Riêng các đơn vị sự nghiệp về y tế thì chúng ta có đủ 4 cấp là bệnh viện trung ương, bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện và trạm y tế xã. Đây chính là đặc thù đặc biệt của ngành y tế Việt Nam. Hiện nay dựa trên đặc thù này mà các chính sách về y tế được triển khai khá thuận lợi.

PGS Trần Quý Tường tại hội thảo 'AI trong y tế'

Bộ Y tế hiện đang xây dựng đề án xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế góp phần xây dựng hệ thống y tế VN hiện đại, chất lượng, công bằng, hiệu quả và hội nhập quốc tế giúp người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng ở mọi lúc, mọi nơi và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe liên tục, toàn diện và suốt đời. Theo PGS Trần Quý Tường thì khẩu hiện này đã có từ lâu nhưng hiện nay có công nghệ thông tin mới làm được. Ví dụ là chuyện lưu trữ hồ sơ sức khỏe của một người từ lúc sinh ra cho đến lúc mất đi. Nếu không có công nghệ thông tin thì không lưu trữ được và từ trước đến nay không làm được, nhưng hiện nay với công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo thì làm được.

Thời gian vừa qua Bộ Y tế đã rất khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý để phát triển trí tuệ nhân tạo, ban hành các thông tư, quy định về việc này. Bộ đã cho ra đời thông tư 46 quy định về bệnh án điện tử, nếu làm đúng thông tư 46 thì các bệnh viện có thể hoàn toàn bỏ bệnh án giấy mà thay vào đó là bệnh án điện tử. Điều này thực hiện đúng theo ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế là làm sao để các bệnh viện phải bỏ bệnh án giấy và không thanh toán viện phí bằng tiền mặt.

Ngoài ra ông Tường cũng cho biết Việt Nam hiện nay đang tiếp cận tích cực trí tuệ nhân tạo trong y tế. Chúng ta đã ứng dụng phần mềm do IBM cung cấp để hỗ trợ điều trị ung thư tại bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Nhiều bệnh nhân lên bệnh viện đa khoa Phú Thọ để chữa ung thư được áp dụng 1 phác đồ điều trị mới, sau 1 tháng thì có chuyển biến tích cực.

Có trí tuệ nhân tạo, ngành y tế cũng làm được một số việc nhanh gấp 3 - 4 lần nước khác. Vị Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế lấy ví dụ về việc kết nối giữa bệnh viện và bảo hiểm xã hội để giám định bảo hiểm y tế. Việc này 2 cơ quan làm trong 2 năm thì có đến 99.5% các cơ sở khám bệnh đã kết nối với bảo hiểm y tế. Trong khi đó Nhật Bản hay Hàn Quốc làm việc này trong hơn 10 năm mới xong. PGS Trần Quý Tường cho rằng không phải chúng ta giỏi hơn nước bạn. Nguyên nhân thực chất là 95% bệnh viện ở Việt Nam là công lập được quản lý tập trung từ trung ương đến địa phương, chỉ có 5% là tư nhân. Ngược lại Nhật Bản và Hàn Quốc thì 95% là bệnh viện tư nhân hoạt động độc lập. 2 nước này cũng có ít nhất 6 cơ quan bảo hiểm tham gia bảo hiểm y tế trong khi Việt Nam hiện chỉ duy nhất bảo hiểm xã hội Việt Nam là chính. Tất nhiên, chúng ta là những người đi sau, học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm của các nước bạn.

Sẽ có nhiều chuyển biến trong y tế nhờ công nghệ thông tin

Vấn đề quan trọng nhất trong việc triển khai trí tuệ nhân tạo là phải có cơ sở dữ liệu. PGS Trần Quý Tường cho biết hiện nay ngành y tế chưa có dữ liệu, các số liệu thống kê chủ yếu nhập từ exel và giấy. Hiện tại Bộ Y tế đang xây dựng dự án đầu tư vào dữ liệu y tế, kỳ vọng đến năm 2020 hoặc 2021 sẽ xong và sẽ có số liệu thống kê y tế toàn quốc theo thời gian thực. Hiện nay về mặt kỹ thuật đã giải quyết xong và chỉ còn phụ thuộc vào ý chí con người cũng như sự đồng thuận của xã hội.

Việc then chốt của đầu tư vào công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo trong y tế đó chính là phải tính giá công nghệ thông tin vào trong giá dịch vụ y tế. Hiện các bệnh viện chủ yếu sử dụng vốn đầu tư phát triển của đơn vị mình để đầu tư vào công nghệ thông tin trong y tế. Theo vị Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Y tế thì hiện tại đã có một số bệnh viện áp dụng giá công nghệ thông tin trong giá dịch vụ. Đơn cử như bệnh viện ở Đại học Y Hà Nội đang tính phí 8.000 đồng trên một bản ghi bệnh án điện tử. Bộ y tế đang xác định xem giá đó có chấp nhận được không.

Một điểm ứng dụng công nghệ nữa sẽ được nghiên cứu triển khai là khám chữa bệnh từ xa. Hiện tại người dân muốn tìm hiểu bệnh lý gì đó thường chỉ biết lên Google tra cứu thông tin. Bộ Y tế đang làm việc với các chuyên gia Trung Quốc bởi nước nay đã mạnh dạn cho phép một số bệnh lý được khám chữa bệnh từ xa chứ không phải tư vấn trực tiếp nữa. PGS Trần Quý Tường cho biết: 'Hiện chúng tôi đang tham khảo tài liệu của Trung Quốc để xem vấn đề nào mình làm được thì áp dụng'.

Về khám chữa bệnh thông minh, hiện tại Bộ y tế đang đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử tiến tới bệnh viện thông minh, bệnh viện không sử dụng bệnh án giấy, bệnh viện không sử dụng tiền mặt trong thanh toán điện tử. Đặc biệt, trong thời gian tới sẽ ứng dụng rất mạnh trí tuệ nhân tạo trong khám chữa bệnh, phục hồi chức năng và y học cổ truyền.

Đặc biệt, Bộ Y tế qua công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo sẽ xây dựng trung tâm dữ liệu gen người Việt Nam. Hiện Bộ đã chỉ đạo Đại học Y Hà Nội và Đại học y dược thành phố Hồ Chí Minh xây dựng 2 trung tâm gen người Việt Nam. Cùng với đó Bộ cũng đang đề nghị các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới chuyển giao công nghệ xét nghiệm gen, xét nghiệm máu ngoại vi để dự báo bệnh cho người, đặc biệt là những người lớn tuổi. Theo PGS Trần Viết Tường, với xét nghiệm gen và dựa theo một số xét nghiệm khác chúng ta có thể dự báo được trước một số bệnh tật của con người trong 5 - 10 năm.

T.T

Chủ đề khác