VnReview
Hà Nội

Vì sao Nhà máy 'in ra tiền' mà vẫn thua lỗ?

Trong khi việc Nhà máy In tiền quốc gia báo lỗ trong 6 tháng đầu năm làm nhiều người lo lắng thì không ít chuyên gia kinh tế lại coi đó là "chuyện bình thường".

Nhà máy In tiền quốc gia vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy khoản lỗ lũy kế hơn 11,2 tỉ đồng và sự sụt giảm của nhiều hạng mục tài chính khác. Kết quả này trái ngược với năm tài chính 2018 khi thời điểm đó, đơn vị này ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 60,4 tỉ đồng.

Trong báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh giữa niên độ năm 2019, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ sụt giảm đến hơn 90 tỉ đồng so với cùng kỳ. Từ đó, lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm khoảng 4,3 lần so với cùng kỳ năm 2018 (gần 20,3 tỉ đồng).

Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau khi trừ các chi phí liên quan là con số âm khoảng 6,9 tỉ đồng.

Một chỉ tiêu tài chính khác đáng lưu ý trong báo cáo tài chính 6 tháng năm 2019 của doanh nghiệp này là hàng tồn kho sau 6 tháng tăng mạnh lên 950,5 tỉ đồng. Hạng mục tài chính trên ghi nhận tại thời điểm cuối năm 2017 là 531 tỉ đồng và cuối năm 2018 là 424,3 tỉ đồng.

Theo đại diện Nhà máy In tiền quốc gia, nguyên nhân lỗ là do chi phí quản lý doanh nghiệp tăng. Mặc dù chi phí tài chính có giảm nhưng doanh thu từ hoạt động tài chính lại giảm mạnh hơn.

Nhà máy In tiền quốc gia báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2019. (Ảnh minh họa)

Thông tin Nhà máy In tiền quốc gia báo lỗ trong 6 tháng đầu năm 2019 đã thu hút sự chú ý của dư luận, trong đó có nhiều chuyên gia kinh tế. Tuy nhiên, trong khi không ít người lo lắng trước thông tin này, đặt câu hỏi tại sao nơi in tiền lại thua lỗ, thì không ít chuyên gia kinh tế lại cho đó là chuyện bình thường và hoàn toàn có thể hiểu được.

Nhà kinh tế học;- tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho biết, việc Nhà máy in tiền quốc gia báo lỗ là điều bất ngờ nhưng "cũng là chuyện bình thường". Theo ông Nghĩa, Nhà máy in tiền quốc gia là một đơn vị kinh doanh đặc biệt. "Vì thế việc lời hay lỗ là điều bình thường". Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau nhiều năm theo dõi ngành tài chính, ngân hàng, ông mới nghe thông tin Nhà máy in tiền quốc gia bị lỗ. 

Theo ông Lê Xuân Nghĩa, với đặc thù của một nhà máy in tiền quốc gia, được nắm độc quyền bởi Ngân hàng Nhà nước, việc báo lỗ của đơn vị này cần có những phân tích, xem xét cụ thể. "Nguyên nhân có thể do người quản lý không nắm bắt được nhu cầu thị trường; công nghệ in đúc tiền lạc hậu; chi phí quản lý doanh nghiệp cao do số lượng nhân sự quá nhiều. Cũng có thể tình trạng lạm phát đã khiến hoạt động kinh doanh của nhà máy in tiền thua lỗ. Tuy nhiên, dù bất cứ với lý do nào, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cần có các giải pháp để khắc phục vấn đề này", TS Nghĩa cho biết.

Trong khi đó, tiến sĩ Ngô Trí Long cũng cho rằng, thực chất, dù mang danh nghĩa là đơn vị kinh doanh nhưng với 100% vốn Nhà nước, nhà máy in tiền quốc gia có những hoạt động mang tính đặc thù.

Ông Ngô Trí Long tỏ ra không ngạc nhiên với việc Nhà máy in tiền quốc gia báo lỗ trong 6 tháng đầu năm. "Lâu nay việc in tiền vẫn bị nhiều người hiểu nhầm. Theo đó, người ta nghĩ là có thể lấy tiền tiêu rồi in bù theo kiểu "của nhà trồng được". Thực tế, việc in tiền và chuyển đến Ngân hàng Nhà nước là một quá trình khép kín, bí mật và có những tuân thủ cực kỳ nghiêm ngặt. Việc in tiền, đúc tiền của nhà máy in tiền cũng được sản xuất theo đơn hàng như bất cứ nhà máy in nào. Nếu không cân bằng về các yếu tố in ấn, nhân sự, hoạt động tài chính, việc lời lỗ đều hoàn toàn có thể xảy ra", TS Ngô Trí Long nhấn mạnh.

Một chuyên gia kinh tế khác phân tích, hoạt động của doanh nghiệp này chịu sự kiểm soát cực kỳ chặt chẽ, không phải như nhiều người nghĩ là "lỗ thì in thêm tiền cho khỏi lỗ". Thực tế, doanh nghiệp quy chịu quy chế giám sát đặc biệt. Theo Thông tư số 26/2016/TT-NHNN, Nhà máy In tiền Quốc gia chịu sự giám sát về rất nhiều lĩnh vực, trong đó có hoạt động in, đúc tiền và sản xuất vàng miếng, vật phẩm lưu niệm bằng vàng tại nhà máy theo quyết định của NHNN và các quy định khác của pháp luật có liên quan; chịu sự kiểm tra về công tác tiêu hủy tiền in hỏng, đúc hỏng, giấy in tiền hỏng, kim loại đúc tiền hỏng.

Ngoài cách thức kiểm tra thường xuyên hằng năm thì còn có cách thức kiểm tra đột xuất khi phát hiện Nhà máy có dấu hiệu vi phạm pháp luật, không chấp hành các quyết định của NHNN hoặc theo yêu cầu quản lý của NHNN. Bởi vậy, hoạt động của Nhà máy in tiền quốc gia được vận hành một cách đặc biệt, theo chỉ đạo của NHNN và không dễ điều chỉnh như nhiều người nhầm tưởng.

Vì không phải là doanh nghiệp kinh doanh bình thường nên việc lỗ lãi của Nhà máy In tiền quốc gia cũng không đơn thuần là làm ăn thua kém như nhiều người nghĩ. Trước khi báo lỗ trong năm 2016 thì đơn vị này liên tục báo lãi. Một trong nguyên nhân gây lãi là trong những năm gần đây, hoạt động in tiền tăng mạnh (làm 2-3 ca/ngày, kể cả cuối tuần), giúp lợi nhuận của Nhà máy In tiền quốc gia liên tục tăng đều. Chính vì thế, các chuyên gia khẳng định, việc nhà máy báo lỗ, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan, có thể còn bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó có yếu tố thế giới. Và khi có sự vào cuộc, điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước thì tình hình rất có thể được cải thiện, không đáng lo như nhiều ý kiến bày tỏ.

Nhà máy In tiền quốc gia là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ, ngành nghề kinh doanh là in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Theo hướng dẫn tại Thông tư số 23/2009/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 2/12/2009, việc in, đúc tiền Việt Nam được thực hiện theo hợp đồng giữa Ngân hàng Nhà nước (Cục Phát hành và Kho quỹ) và nhà máy in, đúc tiền trên cơ sở kế hoạch in, đúc tiền và tiêu chuẩn kỹ thuật đồng tiền được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Ngân hàng Nhà nước là chủ sở hữu quyền tác giả đối với mẫu thiết kế các loại tiền đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Họa sĩ trực tiếp sáng tác mẫu tiền đã được phê duyệt được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả và được hưởng thù lao theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Nhà máy in, đúc tiền theo hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước không được sử dụng vật tư chuyên dùng in, đúc tiền Việt Nam để sản xuất các sản phẩm khác. Trường hợp thực hiện chế bản in, tạo khuôn đúc và in, đúc tiền Việt Nam ở nước ngoài, Cục Phát hành và Kho quỹ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Cũng theo Thông tư này, hệ thống máy tính hoặc mạng máy tính nội bộ dùng để thiết kế, chế bản in, tạo khuôn đúc tiền phải được quản lý nghiêm ngặt về đối tượng sử dụng, việc truy cập, sửa đổi, sao chép, kết xuất thông tin nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, dữ liệu.

Theo VTC News

Chủ đề khác