VnReview
Hà Nội

Phát triển rất mạnh nhưng Fintech tại Việt Nam lại thiếu quy định pháp lý

Theo các chuyên gia tại tọa đàm "Chính sách quản lý Fintech" được tổ chức sáng 20/8 tại Hà Nội, tiềm năng phát triển Fintech ở Việt Nam hiện là rất lớn nhưng lại đang thiếu quy định pháp lý.

Trong vài năm gần đây, hoạt động fintech phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng nằm trong xu thế chung. Theo ông Ngô Văn Đức - Phó trưởng phòng giám sát các hệ thống thanh toán, Vụ thanh toán ngân hàng thì Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển fintech (dịch vụ công nghệ tài chính, ngân hàng).

Hiện tại, Việt Nam có tổng số dân lớn, đứng thứ 15 trên thế giới với 96,2 triệu người vòa năm 2019. Theo website We are social, năm 2018, Việt Nam có hơn 51 triệu người sử dụng điện thoại, một nửa là smartphone, 50 triệu người dùng internet thường xuyên. Trong đó, tỷ lệ tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân hiện nay là 45,8 triệu, 63% dân số có tài khoản ngân hàng và tiếp cận với ít nhất 1 dịch vụ tài chính.

Hiện nay, theo thống kê không chính thức của ngân hàng nhà nước, có gần 150 doanh nghiệp fintech đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ đạo là lĩnh vực thanh toán, có 30 tổ chức trung gian thanh toán được Ngân hàng nhà nước cấp phép. Ngoài ra, còn có các lĩnh vực khác như cho vay ngân hàng, cung cấp giải pháp ngân hàng như xác thực điện tử, ứng dụng block chain, dịch vụ tài chính cá nhân... Một số doanh nghiệp fintech hoặc có áp dụng fintech nổi tiếng và được nhiều người dùng ưa chuộng hiện nay có thể kể đến như Momo, Zalo Pay, Vimo...

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có 30 tổ chức không phải ngân hàng được cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; 24 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code với hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code. Đồng thời, Việt Nam cũng đã có 26 cổng thanh toán điện tử, 27 dịch vụ ví điện tử, 9 dịch vụ chuyển tiền điện tử...

Tuy có tiềm năng phát triển rất lớn tuy nhiên theo các chuyên gia tại buổi tọa đàm thì lĩnh vực fintech Việt Nam hiện nay lại thiếu các quy định, khuôn khổ pháp lý.

Ông Ngô Văn Đức cho biết, đến nay khuôn khổ pháp lý đối với fintech, đặc biệt là quy định về quy chế quản lý chưa có, cũng chưa có luật, nghị định nào quy định chức năng nhiệm vụ của cơ quan quản lý hoặc ngân hàng nhà nước. Ngoại trừ hoạt động fintech trong thanh toán đã được hoàn thiện khuôn khổ pháp lý từ năm 2011 - 2012 thì các lĩnh vực khác chưa có khuôn khổ pháp lý để điều chỉnh.

Đặc biệt hơn, vẫn theo ông Đức thì việc cho phép một số công ty được thử nghiệm các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia sử dụng hoạt động fintech chưa được cấp phép chính thức. Nếu người dân dùng dịch vụ thì chưa có cơ chế bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của họ. Đây là rào cản pháp lý cơ bản để bảo vệ quyền lợi cơ bản cho khách hàng trong giai đoạn trước mắt.

Không chỉ còn thiếu các biện pháp nhằm hạn chế rủi ro cho khách hàng khi tham gia sử dụng dịch vụ, các chuyên gia tại buổi tọa đàm còn cho rằng các nghị định hiện nay đang định hướng siết chặt quản lý, kiểm soát đối với fintech. Điều này có thể giúp hạn chế các hoạt động bất hợp pháp nhưng lại có thể kìm hãm sự phát triển của fintech.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Phùng Anh Tuấn - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng: 'Quy định đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực fintech ở mức 30, 40% và dưới 50% như dự thảo nghị định thay thế nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt sẽ khó có thể kêu gọi những nguồn vốn lớn hoặc là các nhà đầu tư, tổ chức chuyên nghiệp tham gia'.

Ông cho biết thêm: 'Ngân hàng nhà nước hạn cho biết hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán nhằm ổn định và an toàn trong chính sách tiền tệ của quốc gia, tránh sự thao túng của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đảm bảo chủ quyền quốc gia trong hoạt động tài chính, tạo điều kiện cho nhà đầu tư trong nước nắm bắt cơ hội'.

Tuy vậy, quan điểm của VAFI là hiện Fintech rất cần vốn đầu tư nước ngoài để phát triển. Do đó, việc hạn chế đầu tư nước ngoài sẽ kìm hãm sự phát triển của Fintech.

Đồng quan điểm này ông Varun Mittal - Phó chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore cũng cho rằng việc dự định hạn chế đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực fintech cũng có thể kìm hãm sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam. Lý do ông đưa ra là bởi hiện tại sự phát triển của các doanh nghiệp fintech vẫn dựa phần lớn vào đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung thông tư 39 hiện áp hạn mức giao dịch theo ngày và tháng đối với ví cá nhân lần lượt là 20 triệu và 100 triệu đồng, ví tổ chức lần lượt là 100 triệu và 500 triệu đồng. Dự thảo thông tư này cũng quy định hạn chế mỗi người chỉ được sử dụng một ví điện tử tại một tổ chức, yêu cầu thực hiện xác thực khách hàng.

Trong khi đó, theo ông Phùng Anh Tuấn thì hiện nay nhu cầu về các giao dịch giá trị hơn 100 triệu đồng/ngày liên tục tăng. Phải chăng nên có quy định hạn mức 'mềm' cho phép người dùng đăng ký thay đổi hạn mức tùy theo nhu cầu giao dịch và khẩu vị rủi ro?

Hiện tại Chính phủ đã có Quyết định 2545 về thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có khoảng 70% người dân tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng. Trong năm 2019 và 2020, Ngân hàng nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực thanh toán, đặc biệt là thanh toán điện tử. Không chỉ vậy, cơ chế quản lý thử nghiệm cho doanh nghiệp fintech cũng sẽ được hoàn thiện trong tương lai gần sau khi Thủ tướng thông quan đề án.

T.T

Chủ đề khác