VnReview
Hà Nội

Tại sao rừng Amazon ẩm ướt nhất thế giới lại cháy dữ dội như vậy? Con người, con người và con người

Khi rừng Amazon bùng cháy, điều quan trọng mà chúng ta cần biết là các vụ cháy rừng dữ dội sẽ không bùng phát tự nhiên đối với hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới lớn nhất Trái Đất. Tất cả là do lỗi của con người.

Rừng Amazon đã cháy trong nhiều tuần, tạo ra những đám mây khói dữ dội đến nỗi nó đã nhấn chìm São Paulo (Brazil) trong bóng tối mịt mù vào tuần này. Bạn thậm chí có thể nhìn thấy lớp khói dày đặc bao phủ cả đất nước từ ngoài không gian.

Rừng mưa nhiệt đới là một trong những hệ sinh thái ẩm ướt nhất trên Trái Đất, vậy làm thế nào mà Amazon lại bắt lửa? Theo các chuyên gia, câu trả lời không nằm ở nhiệt độ hay kiểu gió ở Amazon. Thay vào đó, nguyên nhân sâu xa của ngọn lửa là do những hoạt động của con người.

"Con người đang điều khiển những đám cháy này, theo nghĩa rất trực tiếp hoặc toàn cầu bằng cách thay đổi hệ sinh thái rất nhiều", Ruth Ruth DeFries, giáo sư sinh thái học tại Đại học Columbia cho biết.

Lửa không phải là một phần tự nhiên của hệ sinh thái vùng Amazon, vì nó nằm ở những nơi như miền Tây nước Mỹ. Theo DeFries, Amazon giống như tất cả các khu rừng mưa nhiệt đới, thường quá ẩm để duy trì các đám cháy trong thời gian dài. Tuy nhiên, con người đã thay đổi hoàn toàn hệ sinh thái đó thông qua nạn phá rừng và hành vi cố tình đốt lửa, từ đó khiến khu vực này dễ bị hỏa hoạn hơn. Đó là một vòng luẩn quẩn.

Đốt cháy là một trong những động lực chính của nạn phá rừng, DeFries cho biết, vì chúng là cách rẻ nhất, dễ nhất và nhanh nhất để dọn dẹp các mảnh vụn. Nhiều nông dân hoặc chủ đất sử dụng lửa để dọn sạch đất của họ, nhưng những đám cháy đó có thể nhanh chóng lan ra trong điều kiện khô ráo. Mùa cháy cao điểm ở Amazon diễn ra từ tháng 8 đến tháng 10, vì đây là thời điểm khô nhất trong năm.

Theo ông Mikaela Weisse, người theo dõi nạn phá rừng và chữa cháy của Tổ chức Theo dõi Rừng Toàn cầu của Viện Tài nguyên Thế giới nói : "Điều quan trọng cần biết là có rất ít vụ cháy xảy ra một cách tự nhiên ở Amazon. Hầu như mọi thứ đều do con người bắt đầu".

Đội ngũ theo dõi rừng toàn cầu đang chứng kiến những đám cháy bùng phát trên vùng đất bản địa ở Amazon. Theo Weisse, gần đây nạn phá rừng đã gia tăng ở khu bảo tồn Karipuna và Ituna Itata, phía bắc Brazil. Đây cũng là nơi sinh sống của một bộ lạc tách biệt với thế giới.

Tuần trước, phụ nữ bản địa đã tuần hành phản đối chính sách hỗ trợ nạn phá rừng của tổng thống cực hữu của Brazil Jair Bolsonaro, điều đe dọa đất đai của họ. Amazon Watch, một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ quyền lợi bản địa ở Amazon, cho biết rằng dưới thời tổng thống này, nông dân và chủ trang trại cảm thấy được khuyến khích đốt rừng nhiệt đới để mở rộng đất của họ.

Theo tờ báo Brasil de Fato của Brazil, gần đây các chủ trang trại và nông dân ở bang Pará đã tổ chức một "ngày đốt cháy". Khi đó họ đã phối hợp đốt một lượng lớn cây để thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ. Theo một ấn phẩm địa phương tại Pará, vụ đốt cháy diễn ra vào ngày 10 tháng 8.

Cháy rừng và phá rừng là hai cuộc khủng hoảng sinh đôi, cái này sẽ khiến cái khác trở nên tồi tệ hơn và cả hai đều làm thay đổi khí hậu toàn cầu. Cách mà nạn phá rừng và hỏa hoạn ảnh hưởng đến chúng ta là vòng lặp phản hồi giúp thúc đẩy sự thay đổi khí hậu, theo De Deries.

Cây cối chứa rất nhiều nước, đó là lý do tại sao hệ sinh thái Amazon ẩm ướt. Càng mất nhiều cây, rừng càng khô và những điều kiện khô ráo đó khiến những đám cháy bùng phát nhiều hơn. Vòng luẩn quẩn đó có một tác động lớn hơn: giải phóng lượng cacbon được lưu trữ trong cây.

"Amazon là "một ngân hàng lớn" chứa cacbon, khi cây bị đốt cháy và cacbon được thải vào khí quyển thì nó sẽ khiến sự nóng lên toàn cầu của chúng ta thêm trầm trọng", DeFries nói.

Biến đổi khí hậu làm cho không khí thậm chí khô hơn, dẫn đến nhiều vụ cháy và phá rừng. Một số nhà khoa học lo ngại rằng Amazon đang đạt đến điểm bùng phát và có thể trở thành một hệ sinh thái khô khan hơn và mở hơn trong tương lai.

Dù vòng lặp này có vẻ khó phá vỡ nhưng Brazil thực sự đã làm điều đó trước đây. Đầu những năm 2000, nạn phá rừng diễn ra rầm rộ ở Brazil và do đó Amazon cũng xảy ra những đám cháy dữ dội. Và sau năm 2004, tỷ lệ phá rừng đã giảm nhanh chóng, phần lớn là nhờ vào các chính sách bảo tồn.

Kể từ khi Bolsonaro lên nắm quyền, nạn phá rừng đã gia tăng. Nhiều người đổ lỗi cho chính sách kinh doanh nông nghiệp của Bolsonaro và họ không thể ngăn chặn việc khai thác gỗ bất hợp pháp để dọn đường dẫn đến sự mất rừng cực độ này. Gần đây, ông ta cũng đã sa thải người đứng đầu cơ quan giám sát nạn phá rừng, người đã cảnh báo về nạn phá rừng vì lợi ích kinh tế.

Vào thứ Tư, Bolsonaro đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ vì đã gây nên các vụ cháy rừng khiến chính quyền của ông trông tồi tệ. Nhưng ông không hề có bằng chứng cho những tuyên bố này.

"Ông ta có thể từ chối tất cả những gì ông muốn và đổ lỗi cho các tổ chức phi chính phủ, nhưng điều đó sẽ không ngăn được làn khói bay đến São Paulo", DeFries nói.

Các tổ chức đang làm việc để theo dõi các vụ cháy, nhưng nếu không hạn chế nạn phá rừng thì những đám cháy này có thể gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với hệ sinh thái Brazil. Nếu mất đi Amazon và tất cả sự đa dạng sinh học, sản xuất oxy và lưu trữ cacbon mà nó cung cấp thì đó hoàn toàn là do lỗi của con người.

Zenda (Theo Vice)

Chủ đề khác