VnReview
Hà Nội

Google Doodle hôm nay vinh danh Cesaria Evora 'danh ca chân đất'

Hôm nay Google Doodle vinh danh ngày sinh lần thứ 78 của Cesaria Evora, Cesária Évora, nữ ca sĩ nổi tiếng người Cabo Verde với biệt danh "barefoot diva" (nữ danh ca chân trần) vì khi biểu diễn bà không mang giày dép. Bà là một trong số ca sĩ hát loại nhạc morna nổi tiếng nhất trên thế giới.

Morna là thể loại nhạc rất phức tạp, buồn sâu lắng, mang nhiều ảnh hưởng chắt lọc từ các truyền thống của châu Phi. "Âm nhạc của chúng tôi là sự hòa trộn của nhiều thứ", Evora nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn hồi năm 2000. "Nhiều người nói nó giống nhạc blues hay jazz. Nhiều người lại nói nó giống nhạc hay châu Phi, nhưng thực ra chẳng ai biết rõ cả, kể cả những người già".

Evora sinh ngày 27/8/1941 và trưởng thành ở Mindelo, thành phố cảng thuộc hòn đảo Sao Vicente. Năm 7 tuổi, cha bà qua đời, để lại cho mẹ bà 7 đứa con thơ dại.

10 tuổi, Evora phải vào trại trẻ mồ côi do mẹ bà không thể kiếm đủ tiền nuôi các con. 16 tuổi, Evora làm thợ may, nhưng một người bạn đã thuyết phục bà đến hát ở một; quán rượu, nơi các thủ thủy thường lui tới. Khi đã có danh tiếng, Evora lên trình diễn ở những con tàu cập bến trong thành phố.

Tuy nhiên, thù lao của bà không phải là tiền, mà là những cuộc uống rượu miễn phí. Evora từng cười khi nhớ lại thời bà là một người nghiện rượu cognac nặng. Nhưng đến cuối năm 1994 bà đã phải bỏ rượu để giữ sức khỏe, song nhất định không bỏ thuốc lá.

Cesaria Evora

Năm 1993, khán giả Paris phát hiện Cesaria Evora qua truyền hình và qua các đêm trình diễn. Đó là một gương mặt nhăn nhúm của người đàn bà da đen tuổi đã ngũ tuần, mộc mạc như muôn vàn bà mẹ châu Phi khác. Trên sân khấu Cesaria Evora thường đi chân đất và vào thời điểm đó, lúc nào cũng có một chai rượu mạnh như là Cognac ở bên cạnh. Thế mà khi bà cất giọng hát có một sự dịu dàng hồn nhiên lan tỏa với nỗi buồn man mác khiến từng thính giả rung động. Bài hát Saudade, bệ phóng đã tung Cesaria Evora lên vòm trời ca nhạc thế giới chỉ lặp đi lặp lại một câu hỏi: Người ơi, ai đã chỉ cho người con đường xa xăm sang đến tận São Tomé?

Bài Saudade với điệp khúc "người ơi ai đã chỉ cho người con đường xa xăm" một sớm một chiều đã biến Cesaria Evora thành sứ giả của Cap-Vert. Bài hát này tiêu biểu cho một dòng nhạc truyền thống của Cap-Vert tên là Morna. Có người bảo rằng cái tên Morna đến từ chữ "to mourn" của tiếng Anh, nghĩa là khóc than. Theo giả thuyết này, người Anh vào thế kỷ 18 đã đến Cap-Vert để khai thác thuộc địa. Họ đã nghe nô lệ da đen ở đây hát lên nỗi nhớ nhà và nỗi đau bị lưu đày, từ đó họ đặt tên cho thể lọai nhạc buồn này là Morna. Còn Cesaria Evora định nghĩa: "Dòng nhạc Morna thiêng liêng đối với chúng tôi như một tôn giáo, nó cũng hiệu nghiệm như một lọai thần dược có khả năng an ủi mọi người, cho phép mọi người quên đi bao ưu phiền, nó hóa giải nỗi buồn".

Cesaria Evora nói không sai. Bởi vì, cái gì chứ cái buồn thì Cap-Vert không thiếu. Đất nước này là quần đảo nằm chơ vơ ở Đại Tây Dương, 500 cây số ngoài khơi Senegal của châu Phi. Vào thời điểm Phục Hưng, các nhà thám hiểm châu Âu đã khám phá thấy quần đảo này. Lúc đó Cap-Vert là một thiên đường xanh tươi chỉ có loài chim muông và loài rùa ngự trị. Trong vòng năm thế kỷ, Bồ Đào Nha đã chiếm nơi này làm thuộc địa, sử dụng Cap-Vert làm nơi trung chuyển nô lệ da đen mà các con thuyền buồm chở từ châu Phi sang châu Mỹ bán lại. Dần dần Cap-Vert trở thành một ngã tư trên các tuyến giao lưu hàng hải. Người nô lệ da đen bị buộc vào thân trâu ngựa.

Phải chờ đến năm 1975 cách đây không lâu thì mới giành được độc lập. Vì vậy mà người Cap-Vert ngày nay nói một thổ ngữ gọi là Kriolu, căn bản là tiếng Bồ Đào Nha trong đó có pha lẫn nhiều từ của châu Phi. Nhưng độc lập không đi đôi với hạnh phúc. Hàng chục năm qua, Cap-Vert bị nạn hạn hán. Các đảo xanh tươi ngày xưa khô cằn trơ trụi và nứt nẻ. Nạn đói, cái nghèo đã xô đẩy đa số người dân Cap-Vert vào con đường lưu vong. Nghe nói đâu ngày nay hơn một nửa người dân Cap-Vert đã đi kiếm sống ở các chân trời khác. Chỉ còn lại ở Cap-Vert khoảng ba trăm ngàn con người. Bởi vậy mà có lẽ từ trong tiềm thức, người Cap-Vert đã kết tụ một nỗi bất hạnh truyền kiếp, được thăng hoa qua thể loại nhạc buồn Morna như một lời than thở không gì bù đắp nổi.

Năm 1995, album Cesaria của bà được phát hành ở 20 nước. Đĩa CD này đem về cho Erova đề cử giải Grammy đầu tiên, đưa bà tới nhiều thính phòng hòa nhạc lớn ở khắp thế giới và đến nay lượng đĩa bán ra đã đạt hàng triệu bản.

Năm 2003, Evora đoạt giải Grammy ở hạng mục World Music với album Voz D'Amor. Khi bà thực hiện hòa nhạc ở New York, nhiều ngôi sao như Madonna, David Byrne và Brandford Marsalis đã tới dự.

Evora không nghĩ nhiều đến danh tiếng quốc tế nên bà thường trở về Mindelo bất cứ khi nào có thể. Bà xây lại ngôi nhà thời thơ ấu của mình thành một dinh thự có 10 phòng ngủ để bạn bè và người thân có thể tá túc ở đó. Dù bận rộn lưu diễn khắp thế giới, nhưng bà không bao giờ vắng nhà vào dịp Giáng sinh.

Năm 2008, Evora bị đột quỵ sau khi thực hiện hòa nhạc ở Melbourne. Bà trở về Paris để điều trị, nhưng sau đó vẫn gắng sức thu âm album Nha Sentimento để phát hành vào năm 2009 theo kế hoạch. Bà đã tung ra 10 album phòng thu và một tuyển hợp các ca khúc từng phát sóng trên đài phát thanh. Năm 2009, bà được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trao tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh - giải thưởng cao quý nhất của nước Pháp. Evora có 1 con trai và 1 con gái từ những mối quan hệ khác nhau chứ không kết hôn.

Năm 2010, Évora đã thực hiện một loạt buổi hòa nhạc, trong đó buổi hòa nhạc chót diễn ra ở Lisbon ngày 8 tháng 5. Hai ngày sau, sau khi bị nhồi máu cơ tim, bà được giải phẫu ở một bệnh viện tại Paris. Buổi sáng ngày 11 tháng 5 hệ thống thông gió phổi nhân tạo của bà được tháo ra, và ngày 16 tháng 5 bà được xuất khỏi phòng chăm sóc gia tăng đặc biệt và chuyển đến một bệnh xá để điều trị thêm. Vào cuối tháng 9 năm 2011, người đại diên kinh doanh của Évora loan báo bà đã kết thúc sự nghiệp ca hát của mình do sức khỏe kém

Hồng Thúy tổng hợp

Chủ đề khác