VnReview
Hà Nội

Các nước giàu nhất thế giới “chỉ” quyên góp 22 triệu USD để cứu rừng Amazon khỏi “giặc lửa”

Một thực tại đáng buồn đang xảy ra đó là khi các nước giàu có nhất trên thế giới đang tỏ ra hời hợt trước các vấn đề toàn cầu, đặc biệt biến đổi khí hậu và vụ cháy rừng Amazon đang diễn ra.

Chưa đầy 24 giờ sau khi nhà thờ Đức bà Paris bị cháy vào hồi tháng 4/2019, các nước đã quyên góp được số tiền lên tới 945 triệu USD để phục hồi nhà thờ.

Nhưng giờ đây sau nhiều tuần "lá phổi xanh" của toàn nhân loại bị cháy với hàng chục ngàn vụ hỏa hoạn lớn nhỏ và nguyên nhân chủ yếu do con người, 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới mới chỉ trích ra được khoảng 22 triệu USD để cứu lấy rừng Amazon thông qua kế hoạch trồng rừng.

Theo Quartz, Amazon là rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và đóng vai trò tạo ra hơn 20% lượng oxy cho cả hành tinh. Tuy nhiên những đám cháy rừng rộng khắp tại Amazon hiện đang khiến cho diện tích rừng bị thu hẹp đáng kể, kéo theo đó phát thải một lượng lớn CO2 vào khí quyển. Đó là chưa kể các diện tích rừng bị cháy thường bị tái sử dụng cho hoạt động trồng trọt và chăn nuôi. Đây cũng chính là những nguồn phát thải khí metan hàng đầu.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại Paris, Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã công bố quyết định tài trợ một khoản quyên góp khẩn cấp để chống lại các trận cháy rừng khủng khiếp ở Amazon. Thay mặt cho nhóm các nước G7, ông Macron bày tỏ sự lo ngại với tình trạng hiện nay và nhấn mạnh vai trò của việc trồng rừng càng sớm càng tốt.

Christian Christian Poirier, giám đốc chương trình Amazon Watch cho rằng, phản ứng trên của nhóm G7 quá hời hợt. Ông cho rằng, số tiền này chẳng là gì và cũng chẳng đủ để so sánh với những thiệt hại hiện nay và những nỗ lực dập tắt đám cháy, trồng rừng trong tương lai.

Đó là chưa kể G7 có thể quyên góp số tiền kia tới đúng địa chỉ hay không mới là điều quan trọng. Tổng thống Brazil, ông Jair Bolsonaro đã thả cửa cho nạn phá rừng nhiệt đới để thu về các khoản lợi nhuận thương mại kếch xù nay đang phải đối mặt với một vấn đề vô cùng nguy nan.

Tuy nhiên điều đáng nói là ông thậm chí còn từ chối các hỗ trợ quốc tế vì lo ngại vấn đề chủ quyền. Trước đó căng thẳng cá nhân với tổng thống Macron cũng khiến hai bên khó có thể nhìn mặt nhau. Do đó không rõ các nước G7 sẽ đóng góp số tiền 22 triệu USD kia cho Brazil để trồng lại rừng như thế nào.

Brazil từng nhận sự quyên góp lớn, chủ yếu từ Na Uy và Đức thông qua một quỹ vì Amazon. Tuy nhiên hồi đầu tháng này, hai nước trên đã ngừng quyên góp cho Brazil vì lý do chính quyền Bolsonaro có ý định thay đổi mục đích sử dụng quỹ.

Tổng thư ký LHQ António Guterres cho biết, trồng lại rừng là điều cần thiết nhưng việc chấm dứt nạn phá rừng vì mục đích thương mại cũng là điều quan trọng không kém, nhất là với Brazil.

Brazil đang ngày càng phục thuộc vào thị trường toàn cầu do đó nước này cần thể hiện một thái độ hợp tác hơn, đặc biệt trong bối cảnh tổng thống Macron đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại Châu Âu với Brazil do không giải quyết được vấn đề cháy rừng.

Tiến Thanh

Chủ đề khác