VnReview
Hà Nội

Vì sao Indonesia quyết định rời thủ đô ra khỏi Jakarta?

Tổng thống Indonesia Joko Widodo hôm 26/8 đã thông báo thủ đô mới của nước này sẽ nằm ở tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo với kế hoạch di dời tiêu tốn 466.000 tỷ rupiah (khoảng 32,79 tỷ USD).

Hiện nay, thủ đô của Indonesia đang là Jakarta trên đảo Java. Địa điểm thủ đô mới của đất nước vạn đảo sẽ nằm gần thành phố Balikpapan, thuộc các vùng Bắc Penajam Paser và Kutai Kartanegara. Tổng thống Joko cho biết 'địa điểm lý tưởng' để đặt thủ đô mới của Indonesia được lấy từ các kết quả nghiên cứu khoa học.

Trước khi công bố chính thức, việc đổi thủ đô đã được Tổng thống Joko Widodo trình lên Quốc hội vào ngày 16/8. Trong số 466.000 tỷ rupiah dùng để đổi thủ đô sẽ có 19% kinh phí do chính phủ cấp. Phần còn lại sẽ do các đối tác trong khu vực công và tư nhân đầu tư.

Indonesia quyết định sẽ chuyển thủ đô về một khu vực của tỉnh Đông Kalimantan

Việc đổi thủ đô được khởi xướng từ Tổng thống đầu tiên của nước Indonesia hiện đại, sau khi thoát khỏi ách thực dân Hà Lan vào năm 1945 - ông Sukarno. Từ đó đến nay ý tưởng này vẫn luôn nhen nhóm trong các thế hệ lãnh đạo của 'đất nước vạn đảo'.

Jakarta - thủ đô hiện tại của Indonesia hiện đang là một trong những thành phố lớn và đông dân nhất tại châu Á. Tại đây đang có khoảng 9,6 triệu dân số sinh sống và tính chung cả vùng đô thị Jakarta thì hiện có tới gần 30 triệu người. Tình trạng dân số quá đông hiện nay khiến cho Jakarta bị quá tải dẫn đến tắc nghẽn giao thông một cách thường xuyên, gây ra thiệt hại kinh tế ước tính khoảng 56.000 tỷ Rupiah (3,8 tỷ USD mỗi năm). Không chỉ có thế, thành phố thủ đô của Indonesia hiện tại cũng rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề, thiếu nguồn nước tự nhiên và đang dần chìm xuống dưới mực nước biển. Mỗi năm Jakarta chìm xuống nước biển khoảng 18 cm.

Hiện tại khu vực kinh tế phát triển và năng động nhất của Indonesia là ở đảo Java nơi có thủ đô Jakarta. Năm 2018, hoạt động kinh tế ở đảo này chiếm tới 58,48% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho 'đất nước vạn đảo'. Điều này dẫn đến tình trạng phát triển kinh tế rất không đồng đều của quốc gia khi mà khu vực phía đông như Kalimantan, Sulawesi, Maluku hay Papua tuy chiếm tới 64% tổng diện tích nhưng lại chỉ đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Việc chuyển thủ đô sang khu vực kém phát triển hơn được Chính phủ Indonesia lập luận có thể giảm tình trạng quá tải dân số hiện tại của Jakarta. Đồng thời, kế hoạch này cũng được hy vọng sẽ có thể thúc đẩy các vùng lãnh thổ ở phía đông Indonesia phát triển hơn.

Jakarta hiện đang quá đông đúc và ô nhiễm

Các nhà chức trách Indonesia cho rằng thủ đô mới phải xây dựng ở một vùng chuyên biệt và là trung tâm hành chính của quốc gia, tách biệt với các trung tâm kinh tế, thương mại sầm uất. Đây là cách mà Australia đã làm khi Canberra là thủ đô nhưng Sydney mới là vùng phát triển nhất cả nước. Chính vì thế, theo kế hoạch thì 'đất nước vạn đảo' sẽ xây dựng khu vực thủ đô mới theo kiểu một thành phố thông minh bền vững, có hệ thống giao thông công cộng hiện đại, hệ thống nước tiên tiến và năng lượng tái tạo...

Không chỉ vậy, Indonesia mong muốn biến Jakarta không chỉ là một trong những thành phố lớn nhất Đông Nam Á mà còn có thể vươn lên trở thành một trong những trung tâm thương mại toàn cầu. Nhưng điều này sẽ khó có thể thực hiện nếu như các hệ thống giao thông quá tải, không khí ô nhiễm đang diễn ra ở thành phố này không được giải quyết. Chuyển thủ đô là cách để khiến Jakarta bớt đông đúc hơn và trở nên vắng vẻ hơn một chút. Cần phải biết rằng thành phố này hiện đang chiếm tới 70% tổng số lượng giao dịch tiền tệ hàng ngày ở 'đất nước vạn đảo'.

Việc phát triển vùng phía Đông của Indonesia cũng là điều mà các chức trách nước này tính đến khi chuyển thủ đô. Sự thịnh vượng của đất nước vạn đảo chủ yếu nằm trên đảo Java khiến cho người dân bên ngoài đảo này phàn nàn rằng họ đang bị quên lãng.;

Trên thế giới hiện nay, cũng đã có những đất nước quyết định chuyển thủ đô từ một thành phố đông đúc, phát triển kinh tế về một vùng kém phát triển hơn. Điều này được cho là sẽ giúp thúc đẩy kinh tế đồng đều của quốc gia và tránh tình trạng quá đông đúc ở thủ đô hiện tại. Một số trường hợp có thể kể ra như Kazakhstan (chuyển thủ đô từ Almaty về Astana), Nigeria (chuyển thủ đô từ Lagos về Abuja)...

T.T

Chủ đề khác