VnReview
Hà Nội

Nhiều hãng hàng không cấm ký gửi MacBook, bất kể có nằm trong danh sách thu hồi hay không

Theo sau một thông báo của Apple rằng một số ít các máy MacBook Pro 15-inch có thể bị lỗi pin và dẫn đến nguy cơ cháy nổ, nhiều hãng hàng không đã cấm hành khách mang laptop của Apple trong hành lý ký gửi mà không cần biết liệu chiếc laptop đó có nằm trong diện triệu hồi hay không

macbook

Hôm thứ 4 vừa qua, Qantas Airways và Virgin Australia là hai cái tên mới nhất góp mặt trong danh sách các hãng hàng không thực hiện chính sách cấm mang MacBook Pro lên máy bay. Trong một tuyên bố gửi qua email, người phát ngôn của Qantas nói rằng "cho đến khi có thông báo tiếp theo, tất cả các máy MacBook Pro 15-inch của Apple phải được cho vào hành lý xách tay và tắt đi trong suốt chuyến bay sau khi có một thông báo triệu hồi được đưa ra bởi Apple".

Trong khi đó, Virgin Australia nói trong một thông báo về "các mặt hàng nguy hiểm" trên website của hãng rằng bất kỳ mẫu MacBook nào "cũng phải được bỏ trong hành lý xách tay. Không có chiếc MacBook nào của Apple được phép bỏ vào hành lý ký gửi cho đến khi có thông báo tiếp theo".

Hồi tháng 6 vừa qua, Apple đã công bố một chương trình triệu hồi tự nguyện đối với các mẫu MacBook Pro Retina 15-inch bị lỗi – các mẫu máy này được bán ra từ tháng 9/2015 đến tháng 2/2017. Apple cho biết hãng sẽ sửa chữa miễn phí cho các máy bị ảnh hưởng, rằng "sự an toàn của khách hàng luôn là ưu tiên hàng đầu của Apple".

Cả Singapore Airlines và Thai Airways mới đây cũng đã áp dụng các chính sách mới xoay quanh MacBook Pro. Trong một tuyên bố trên website của hãng vào cuối tuần trước, Singapore Airlines nói rằng các hành khách bị cấm mang các mẫu máy bị lỗi lên máy bay, kể cả trong hành lý xách tay lẫn hành lý ký gửi "cho đến khi pin máy được xác nhận là an toàn hoặc đã được thay thế bởi nhà sản xuất".

macbook

Nhiều hãng hàng không khác, bao gồm TUI Group Airlines, Thomas Cook Airlines, Air Italy, và Air Transat cũng đã cấm chiếc laptop của Apple. Hoạt động vận chuyển hàng hóa của 4 hãng bay nói trên đều được quản lý bởi Total Cargo Expertise, và mới đây công ty này đã gửi một thông báo nội bộ đến các nhân viên rằng các máy lỗi sẽ bị "cấm lên máy bay của bất kỳ hãng bay nào của chúng ta".

Cả Cục quản lý Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn Hàng không EU đều cho biết đã liên hệ với các hãng hàng không theo sau công bố triệu hồi của Apple. ;FAA nói rằng họ đã cảnh báo các hãng hàng không Mỹ về vấn đề này từ tháng 7.

Apple cho phép người dùng MacBook kiểm tra xem thiết bị của họ có nằm trong diện triệu hồi không bằng cách sử dụng số seri. Dù rằng kiểm tra từng số seri đối với từng thiết bị được mang qua cổng an ninh có thể sẽ khiến quá trình làm thủ tục bay chậm đi, nhưng rõ ràng việc cấm thẳng cửa mọi mẫu MacBook dù là trong hành lý ký gửi hay hành lý xách tay là một hành động phản ứng quá mức, gây nên những phiền toái lớn đối với khách hàng tham gia chuyến bay.

Minh.T.T

Chủ đề khác