VnReview
Hà Nội

Công ty cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh OneWeb tuyên bố sẽ phủ sóng toàn bộ Bắc Cực vào năm 2020

Việc công ty cần làm lúc này là phóng thêm thật nhiều vệ tinh!

OneWeb — công ty hàng không vũ trụ hoạt động trong lĩnh vực cung cấp tín hiệu Internet từ không gian — mới đây đã công bố kế hoạch phủ sóng Internet với chất lượng tương đương cáp quang đến khu vực Bắc Cực bắt đầu từ năm 2020. Công ty cho biết sẽ sử dụng các chùm vệ tinh bay trên quỹ đạo thấp để phủ sóng Internet tốc độ cao tới các hộ gia đình, tàu thuyền và máy bay hoạt động ở vĩ độ 60 độ Bắc trở lên tới Bắc Cực.

OneWeb chỉ là một trong số rất nhiều công ty đang hướng tới cung cấp dịch vụ Internet từ không gian bằng cách sử dụng một mạng lưới phức tạp gồm các vệ tinh và trạm thu phát mặt đất. Công ty có kế hoạch phóng chùm vệ tinh đầu tiên gồm 650 vệ tinh để phát tín hiệu Internet tới một loạt các trạm thu tín hiệu nằm trên mặt đất. Những vệ tinh này sẽ bay quanh Trái Đất ở độ cao tương đối thấp, nhằm giảm thời gian truyền tín hiệu xuống mặt đất bên dưới. Với việc sử dụng nhiều vệ tinh như vậy, OneWeb cho biết họ có thể phủ sóng trên toàn cầu, đảm bảo ở bất kỳ khu vực nào trên mặt đất cũng đều nằm trong tầm phát sóng của ít nhất 1 vệ tinh.

Hình ảnh minh hoạ vệ tinh do OneWeb cung cấp

Phạm vi phủ sóng Internet của công ty sẽ mở rộng tới cả Bắc Cực, nơi rất khó để lắp đặt cáp quang nhằm cung cấp kết nối Internet theo cách truyền thống. OneWeb tuyên bố rằng chùm vệ tinh của họ sẽ có thể cung cấp kết nối Internet tốc độ cao cho 48% diện tích Bắc Cực hiện vẫn chưa có kết nối băng thông rộng. Các chính trị gia tại các địa phương nằm trong khu vực này tỏ ra rất phấn khởi trước tuyên bố của OneWeb và cho rằng điều này sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong khu vực.

"Việc duy trì kết nối với phần còn lại của thế giới đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế hiện đại của chúng tôi", Thượng nghị sĩ Lisa Murkowski đến từ tiểu bang Alaska, Mỹ cho biết. "Việc đảm bảo cho người dân sống tại Bắc Cực có thể truy cập Internet băng thông rộng một cách ổn định và giá cả phải chăng sẽ giúp khu vực này phát triển một cách an toàn hơn, bền vững hơn và tạo cơ hội mới cho những thế hệ tiếp theo của chúng ta có thể duy trì vai trò lãnh đạo trong khu vực năng động này của thế giới".

Tính đến thời điểm hiện tại, OneWeb mới chỉ phóng 6 vệ tinh đầu tiên trong chùm vệ tinh của mình; song công ty cho biết họ đã có thể thực hiện một số thử nghiệm stream video độ phân giải HD từ kết nối Internet do những vệ tinh này cung cấp vào hồi tháng 7. Các thử nghiệm đã chứng minh rằng các vệ tinh đang hoạt động ổn định và có độ trễ tương đối thấp - dưới 40 mili giây.

Các công ty khác, đáng chú ý là SpaceX và Amazon, cũng đang "chạy đua" để tạo ra các chùm vệ tinh có quy mô còn lớn hơn cả chùm vệ tinh của OneWeb. Vào tháng 4, Amazon đã công bố kế hoạch chi tiết để phóng một chùm gồm hơn 3.200 vệ tinh lên quỹ đạo, trong khi SpaceX đã đề xuất ý tưởng phóng hai chùm vệ tinh với tổng cộng gần 12.000 vệ tinh.

SpaceX hiện đã phóng 60 vệ tinh đầu tiên trong chùm vệ tinh của mình, mặc dù 3 trong số đó đã thất bại trong việc truyền tín hiệu về Trái Đất sau khi đạt được đến quỹ đạo thiết kế. OneWeb cho biết chùm vệ tinh của họ sẽ được triển khai sớm hơn đáng kể so với các công ty khác, đồng nghĩa với việc OneWeb sẽ có thể cung cấp dịch vụ Internet tại Bắc Cực sớm hơn các đối thủ. Công ty cũng nhấn mạnh rằng họ đã xây dựng và đưa vào hoạt động thử nghiệm hai trạm mặt đất tại Na Uy và Alaska, dùng để kết nối các vệ tinh OneWeb với cơ sở hạ tầng Internet hiện tại của địa phương. OneWeb cho biết những trạm này sẽ hoạt động 100% chức năng vào tháng 1 năm 2020, cho phép triển khai phủ sóng Internet đến Bắc Cực trong năm tới.

"Kết nối với thế giới bên ngoài là một công cụ cần thiết và là quyền cơ bản của con người," CEO OneWeb Adrian Steckel tuyên bố. "Chùm vệ tinh của chúng tôi sẽ cung cấp kết nối Internet tốc độ cao tới toàn bộ khu vực Bắc Cực sớm hơn tất cả các công ty khác, đáp ứng nhu cầu liên lạc trên diện rộng trong khu vực Bắc Cực."

OneWeb có kế hoạch phóng các vệ tinh của mình theo từng đợt, mỗi đợt phóng 36 vệ tinh, sử dụng tên lửa đẩy Soyuz của Arianespace. Lần phóng tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

Quang Huy

Chủ đề khác