VnReview
Hà Nội

Vay tiền online có an toàn không?

Trong khi các ngân hàng, công ty tài chính uy tín hiện nay chịu sự giám sát của Ngân hàng nhà nước với các quy định quản trị rủi ro chặt chẽ thì đến nay gần như vẫn chưa có khung pháp lý nào cho hoạt động cho vay tiền online qua mạng của các website hoặc app trên điện thoại.

Cẩn trọng với vay tiền online

Hiện nay, dịch vụ vay tiền online chủ yếu được triển khai qua các app di động hoặc website trực tuyến với rất nhiều hình thức quảng cáo hấp dẫn như: chỉ cần điện thoại là có tiền, cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh chóng... Tuy nhiên mọi thứ không dễ dàng như vậy.

Chị Phạm Thị Tuyết Mai, 24 tuổi đến từ Tiền Giang vào tháng 7/2019 có lướt Facebook và đọc được các dòng quảng cáo về dịch vụ vay tiền online. Lời mời gọi hấp dẫn từ các app này với lãi suất 0% khiến chị quyết định vay 8 triệu đồng từ 4 app khác nhau mang tên 'Vayvay', 'Samsetvay', 'I Dong' và 'V Dong'.

Người phụ nữ này kể rằng do quá tin vào quảng cáo lãi suất 0% và thông tin cá nhân được bảo mật nên không để ý đến các điều khoản về 'phí dịch vụ', 'phí quản lý'... Hậu quả là sau 4 tháng chị phải trả nợ lên đến gần 200 triệu đồng (do liên tục vay các app sau để trả nợ app trước) nhưng vẫn còn nợ đến 100 triệu đồng. Khi chậm trả nợ là chị lại bị gọi điện đe dọa, bị sử dụng hình ảnh cá nhân và người thân để bêu riếu trên mạng. Quá sợ hãi, người phụ nữ mới 24 tuổi đã tìm đến con đường tự tử để giải thoát cho bản thân. Rất may chị được đưa vào viện kịp thời, chồng chị Mai đã báo công an về vụ việc.

Để vay được tiền theo hình thức Online, người vay cần tải ứng dụng phần mềm hoặc truy cập website của đơn vị cho vay. Tiếp theo, người vay phải thực hiện các hướng dẫn để mở tài khoản trực tuyến và hoàn thành các thủ tục để hoàn tất hồ sơ. Sau khi hoàn thành hồ sơ, dựa vào những điều kiện mà người vay có mà bên cho vay sẽ có thể giải ngân cho bạn số tiền mà hệ thống của họ đánh giá. Hình thức cho vay này thực chất là rất nhanh, thực hiện chủ yếu qua mạng, việc giải ngân cũng được thực hiện qua tài khoản ngân hàng, tất cả lịch hẹn trả nợ, số tiền phải trả... đều được đưa lên app hoặc website. Đây chính là điều tiện lợi khiến nhiều người tin dùng hoạt động vay tiền online.

Tuy nhiên, trên thực tế việc cho vay và nhận được tiền là đúng sự thật nhưng số tiền mà người vay phải trả lại là một điều hết sức vô lý. Rất nhiều trường hợp khi vay tiền qua app điện thoại đã phải trả số lãi 'cắt cổ' và phi lý mà họ chưa bao giờ tưởng tượng ra. Ví dụ, phóng viên VnReview.vn đã thử làm hồ sơ trên một app cho vay trên di động với số tiền là 2.000.000 đồng trong 14 ngày. Tuy vậy, số tiền nhận được thực tế qua tài khoản ngân hàng sẽ chỉ là 1.430.000 đồng sau khi trừ 570.000 đồng các loại phí. Như vậy, nếu coi 570.000 đồng tiền phí là lãi suất mà người dùng phải trả thì mức lãi suất này tương đương với khoảng 28,5%/14 ngày; 2,03%/ngày và 743%/năm. Một mức lãi suất thực sự là 'cắt cổ'.

Số tiền nhận được chính xác khi vay 2 triệu đồng trong 14 ngày khi
vay tiền qua 1 app trên di động chỉ là 1.430.000 đồng

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Giảng viên học viện tài chính) trả lời trên báo chí cho rằng: 'Các app vay thường quảng cáo lãi suất thấp nhưng thực chất họ trừ số tiền phí lớn. Theo tôi đánh giá, thực chất số tiền mà các app giữ lại chính là khoản tiền lãi. Tôi cho rằng về lâu dài, để quản lý hình thức cho vay này, Ngân hàng Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ. Cần có luật, cơ chế để phân loại hình thức vay nào có thể cho hoạt động, hình thức nào cần sự quản lý chặt. Trong đó các hình thức cho vay có lãi suất đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước'.

Không chỉ có vậy, với những trường hợp trả chậm, trả quá hạn, mức phí phạt của các app cho vay này cũng rất lớn. Chị Nhi - một người vay tiền online kể với báo Pháp luật thành phố Hồ Chí minh rằng mình từng vay 4 triêu đồng theo hình thức online. Sau đó chị chỉ được giải ngân 3,2 triệu đồng nhưng sau 15 ngày vẫn phải trả đủ 4 triệu đồng. Đến hạn trả tiền, chị Nhi không trả kịp thì nhân viên bên cho vay gọi điện thoại đòi và họ đồng ý cho chị trả làm bốn lần. Chị trả theo đúng hẹn và còn thiếu lại 200.000 đồng. Đến đầu tháng 3-2019, bên cho vay tiếp tục gọi điện thoại yêu cầu chị trả 2 triệu đồng, nếu không sẽ gọi cho những người thân của chị theo danh bạ mà họ đã cập nhật lúc chị tải app về điện thoại. Vì sợ mang tiếng đi mượn nợ nên chị đã trả 2 triệu đồng theo lời yêu cầu của bên cho vay.

Không những thế, hoạt động thu hồi nợ của các app cho vay online này cũng được nhiều người mô tả là theo kiểu xã hội đen. Nhiều app quảng cáo rằng các hoạt động của công ty sẽ đảm bảo cho người vay được lợi, an toàn và nợ sẽ được thu hồi đúng hạn. Tuy nhiên, tuyệt nhiên không có một đơn vị nào đang hoạt động cho vay online có nhắc đến việc hoạt động thu hồi nợ của mình sẽ được hoạt động như thế nào. Đã có những trường hợp như chị Nh. tại Bạc Liêu vay 1 triệu đồng qua app để mua sữa cho con trong 7 ngày nhưng do khó khăn nên đến hạn không có tiền trả. Một phụ nữ xưng là nhân viên của app cho vay đã điện thoại nhắc nhở kèm theo lời đe dọa: '1 triệu tụi em cũng bắt con chị được đó. Chị suy nghĩ kỹ đi…'.

Một cách thu hồi nợ phổ biến của hình thức cho vay online chính là việc gọi điện thoại cho người thân của người vay tiền. Các app có danh bạ điện thoại của người vay do họ thường bắt buộc người vay cho phép họ truy cập danh bạ điện thoại khi bắt đầu vay tiền như một điều kiện bắt buộc. Chị M (Bà Rịa - Vũng Tàu) nói với báo Tuổi trẻ rằng do chậm trả tiền mà đơn vị cho vay online đã gửi tin nhắn bôi xấu chị này đến nhiều bạn bè của chị. Sau đó, họ còn ghép ảnh chị đăng lên Facebook với nội dung chậm trả tiền. Cuối cùng, các đơn vị cho vay còn liên tục gọi điện cho người thân của chị để đòi nợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng đây là hình thức cho vay theo dạng tín chấp nhưng không giấy tờ và chỉ thỏa thuận online hoặc bằng miệng cũng như không có tài sản thế chấp. Mức lãi suất ban đầu hay mức lãi suất khi đáo hạn người cho vay có thể đưa ra ở con số 'trên trời', chẳng có căn cứ gì và cũng không bị kiểm soát mà người vay vẫn phải chịu. Nếu không trả đúng hạn, người cho vay thường sử dụng các hình thức đòi nợ kiểu xã hội đen như hù dọa, gọi điện cho người thân của người vay hoặc thậm chí là đánh đập người vay tiền.

Hoạt động theo kiểu lách luật

Theo quy định của pháp luật hiện hành, ngoài giấy phép đăng ký kinh doanh, các hoạt động cho vay tín dụng cần được sự cấp phép của ngân hàng nhà nước. Theo điều 8, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: '(1) Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được NHNN cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. (2) Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán'.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, hoạt động cho vay online hiện nay được thiết kế dựa trên việc ứng dụng công nghệ số giữa một bên cho vay (nhà đầu tư) và một bên là người đi vay, không thông qua trung gian tài chính. Đây là hình thức cho vay mới và người ta gọi nó là cho vay ngang hàng. Hiện tại ở Việt Nam chưa có quy định về việc quản lý cho vay ngang hàng và luật không cấm hình thức này nên bị lợi dụng, biến tướng thành hình thức cho vay nặng lãi.

Thực tế cho thấy, vì chưa được cấp phép hoạt động chính thức, hầu hết các công ty cho vay ngang hàng hiện nay đang thực hiện hoạt động núp bóng tư vấn đầu tư. Ông Bùi Quang Tín - chuyên gia kinh tế trả lời báo chí cho biết: 'Nhà nước Việt Nam chưa cho phép hình thức cho vay ngang hàng được thành lập chính thức. Hầu hết các đơn vị cho vay kiểu này đang đăng ký với nhà nước là hoạt động hỗ trợ tài chính. Như vậy khi giao dịch qua hình thức này thì quyền lợi của người dân sẽ không được nhà nước bảo đảm. Tiếp nữa khi những sàn này sập thì quyền lợi người dân gần như là bị thiệt hại 100%'. Như vậy, khi vay tiền trên các app hay web online mà không đến từ các công ty tài chính hoặc ngân hàng theo quản lý của ngân hàng nhà nước thì quyền lợi của của cả người vay và người cho vay đều không được nhà nước bảo vệ.

Không chỉ vậy, rủi ro về mức lãi suất của người vay cũng là một vấn đề lớn. Các đơn vị cho vay online hiện nay thường đưa ra mức lãi suất rất cao và vượt nhiều lần sự cho phép của nhà nước. Ví dụ bạn vay 1 triệu đồng trong 7 ngày mà mức phí dịch vụ là 100.000 đồng thì lãi suất cũng đã là 10% trong 7 ngày tương đương với 521% /năm. Trong khi đó, theo đúng quy định của pháp luật thì lãi suất cho vay không được vượt quá 20%/năm.

Ở cả Việt Nam và trên thế giới, nhiều đơn vị cho vay ngang hàng hiện tại đã biến tướng, tạo nên sự bất ổn kinh tế và xã hội. Theo như hình thức ban đầu, họ chỉ là trung gian kết nối thông tin giữa người vay và người cho vay. Tuy vậy, nhiều đơn vị đã biến tướng, huy động vốn để cho vay tràn lan, huy động tài chính đa cấp để lừa đảo, chiếm dụng vốn...

Hiện tại Việt Nam đang có khoảng 40 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng. Tuy vậy, ngân hàng nhà nước đã khuyến cáo rằng nhiều đơn vị trong số này đã biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng cũng như tín dụng và khuyến cáo người dân nên cẩn trọng với hình thức này. Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cũng đã ra khuyến cáo với người tiêu chùng cần cân nhắc kỹ về việc cung cấp các thông tin cá nhân để đăng ký khoản vay, nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký, cân nhắc kỹ các chi phí khi tham gia vay trực tuyến.

Vào tháng 4/2019, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: 'Về hoạt động cho vay ngang hàng, Chính phủ đã giao cho NHNN là đầu mối nghiên cứu. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm của các nước khác và đề xuất cho thực hiện thí điểm, theo đó sẽ coi hoạt động này là ngành kinh doanh có điều kiện. Sau khi thí điểm thì sẽ có tổng kết đánh giá'.

Như vậy, hiện tại nhà nước vẫn chưa có quy định về cho vay ngang hàng và mọi thứ mới chỉ dừng là việc đề xuất cho thực hiện thí điểm. Người vay tiền tại các ứng dụng hay website cho vay online cần lưu ý để tránh 'sập bẫy' tín dụng đen, để lộ thông tin cá nhân hoặc phải chịu một mức lãi suất 'trên trời'.

T.T

Chủ đề khác