VnReview
Hà Nội

100.000 bức ảnh mặt người do AI tạo ra sẽ được đăng tải miễn phí, các trang web bán ảnh stock lo sợ

Kho ảnh đồ sộ này sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà thiết kế, các nhà làm phim và các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, những người có nhu cầu sử dụng các bức ảnh royalty-free (sử dụng không mất phí).

Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã có khả năng tạo ra những hình ảnh mặt người ngày càng giống thật nhưng lại hoàn toàn không phải là ảnh của bất kỳ người nào có thực ngoài đời. Và giờ đây, đã có một công ty ấp ủ ý tưởng cung cấp hơn 100.000 bức ảnh mặt người "không có thực" do AI tạo ra, và cung cấp cho mọi người sử dụng hoàn toàn miễn phí. Không phủ nhận kho ảnh này có nhiều hình trông khá "giả", song cũng có rất nhiều bức ảnh có độ chân thực cao, khó phân biệt so với các hình ảnh được cấp phép/ bán bởi các công ty cung cấp ảnh stock.

Những bức ảnh này thuộc dự án Product Hunt, do nhóm Icons8 sáng lập. Các bức ảnh do AI tạo ra này có thể sử dụng trong các bài thuyết trình, giao diện trang web và giao diện ứng dụng di động (dưới dạng các thành phần thiết kế). Bạn có thể sử dụng chúng hoàn toàn miễn phí miễn là có ghi nguồn và dẫn liên kết về trang web của tác giả là generated.photos.

Một vài năm qua, chúng ta đã chứng kiến khá nhiều dự án AI có khả năng tạo ra các hình ảnh mặt người không có thực, đáng chú ý nhất là trang web ThisPersonDoesNotExist.com – một website cho phép tạo ra những series không giới hạn ảnh mặt người trông rất chân thực. Các hình ảnh khuôn mặt được tạo ra trên generated.photos gồm hình ảnh của rất nhiều lứa tuổi, thuộc các quốc tịch, tộc người khác nhau, với nhiều hình dáng khuôn mặt (tròn, vuông, trái xoan,…). Thêm vào đó, kích thước hình và ánh sáng trong các bức ảnh này khá đồng nhất, rất hữu ích đối với những người làm công việc thiết kế.

Một số hình ảnh do AI của nhóm tạo ra.

Dự án hiện mới đang ở giai đoạn đầu tiên, và nhà thiết kế sản phẩm của nhóm Icons8, Konstantin Zhabinskiy cho biết một số bức ảnh hiện vẫn trông hơi "giả" hoặc chất lượng hình ảnh chưa cao. Bạn có thể nhận thấy điều đó qua hình trên: một số bức ảnh có phần nền hoặc chi tiết bàn tay khá "nham nhở". Một số gương mặt thậm chí còn như có "vết thương" trên đó vậy. Tuy nhiên, trong tương lai, nhóm hy vọng có thể sẽ tạo ra một giao diện lập trình ứng dụng (API) đơn giản cho phép tạo ra hình ảnh mới dựa trên các yêu cầu cụ thể của người dùng (chẳng hạn như màu da, tuổi tác…) nhằm giúp các nhà thiết kế dễ dàng tạo ra các bức ảnh chân thực, phục vụ mục đích minh hoạ cho các sản phẩm của họ mà không lo ngại vấn đề bản quyền hay phải xin phép người mẫu.

Zhabinskiy nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo được sử dụng trong dự án này đã được huấn luyện bằng các dữ liệu ảnh do chính nhóm của họ chụp, chứ không hề sử dụng tới các kho ảnh stock của công ty khác hay đơn giản là download ảnh từ Internet. "Cách tiếp cận này khiến chúng tôi phải bỏ ra thêm hàng nghìn giờ lao động, nhưng thành quả thì xứng đáng," blog của nhóm Icons8 cho biết. Ivan Braun, nhà sáng lập Icons8, cho biết nhóm của anh đã chụp tổng cộng 29.000 bức ảnh của 69 người mẫu trong khoảng thời gian là 3 năm, và dùng dữ liệu đó để huấn luyện thuật toán.

Có ý kiến bày tỏ sự lo ngại về công nghệ này, bởi nó có thể tạo ra những bức ảnh giả nhưng trông rất giống thật, ở quy mô cực lớn. Mục đích ban đầu của dự án chỉ là để giúp đỡ cho công việc của các nhà thiết kế; song một ngày nào đó phần mềm này lại có thể sử dụng vì những mục đích xấu trong tương lai.

Bạn đọc có thể truy cập kho ảnh của dự án tại link Google Drive này.

Quang Huy

Chủ đề khác