VnReview
Hà Nội

Nếu đã mua game bản digital, liệu bạn có được phép bán lại sau khi chơi xong?

Tuần trước, Steam – nền tảng phát hành game lớn nhất thế giới – đã bị một tòa án tại Pháp phạt vì cấm người dùng bán lại game đã mua dưới dạng digital (dạng số, tức tải về trực tiếp từ Internet thay vì mua đĩa).

steam

Án phạt này có nghĩa là nền tảng của Valve – và mọi nền tảng khác tương tự nó – sẽ phải cho phép người dùng bán mã bản quyền của game (game code) họ đã từng mua. Nếu điều đó xảy ra, các game thủ được gì và mất gì?

Theo TheNextWeb, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Pháp UFC Que Choisir đã đệ đơn kiện Valve với cáo buộc công ty này ngăn cản bất hợp pháp việc bán các tài sản thuộc sở hữu cá nhân (trong trường hợp này chính là các game code đã mua). Bởi Valve không có một đối thủ ngang tài ngang sức nào trên thị trường phân phối game digital, quy định họ đưa ra đã khiến người tiêu dùng rơi vào thế bất lợi. TGI de Paris, tòa án nhận xét xử đơn kiện, đã đưa ra phán quyết rằng quy định ngăn cấm người dùng bán lại các tựa game từng mua (kể cả khi chúng không hề tồn tại dưới dạng vật lý như đĩa DVD) của Steam là không có hiệu lực thực thi.

Tuy nhiên, phán quyết này vẫn chưa dẫn đến bất kỳ sự thay đổi nào trên Steam – tòa nói rằng Steam không được phép làm điều gì đó ngược với luật pháp không có nghĩa Steam buộc phải ủng hộ điều đó – nhưng nếu trong tương lai có những thay đổi, thì chúng sẽ diễn ra như thế nào? Nếu bạn có thể bán lại những món hàng đã mua dưới dạng digital, điều đó sẽ thay đổi phương thức các tựa game được bán trên một nền tảng như Steam ra sao?

Về mặt kỹ thuật, điều đó hoàn toàn khả thi – code sẽ mang lại cho mỗi bản sao digital (mỗi bản game mà mỗi người dùng tải về từ Steam) của một tựa game một số định danh duy nhất, có nghĩa là về mặt lý thuyết bạn có thể cho đi code đó và qua đó chấm dứt quyền truy xuất của mình đến tựa game đó. Trên Steam hiện đã có một khu chợ cộng đồng, nhưng khu chợ này chủ yếu chỉ được sử dụng để bán các thẻ vật dụng của nền tảng này mà thôi.

Nhưng câu hỏi ở đây là, dù khả thi, điều đó có thể được thực thiện và có nên được thực hiện hay không. Bán lại các đĩa hay băng game từ trước đến nay luôn được các nhà phát hành game bất đắc dĩ phải chấp nhận, với suy nghĩ mặc định rằng người tiêu dùng là phía chịu bất lợi. Các phương tiện lưu trữ vật lý có thể bị hư hỏng – đĩa game có thể bị trầy xước, băng game có thể bị biến dạng – nên bất kỳ ai mua một game đã sử dụng sẽ phải đối mặt với nguy cơ mua phải một sản phẩm lỗi. Có nghĩa là dù trong hoàn cảnh nào đi nữa, bỏ thêm ít tiền mua một bản game mới toanh vẫn có lý của nó.

Còn với game dưới dạng digital, hiển nhiên chúng không gặp phải tình trạng hư hỏng như trên. Và liệu khi bán lại, game có bao gồm mọi thứ liên quan đến bản sao được bán của tựa game đó, như DLC hay các vật phẩm trang trí nhân vật, hay không? Và nếu có, nhà phát hành có nên cho phép điều đó?

xbox

Cụ thể với Steam, nền tảng này thường xuyên tung ra nhiều chương trình giảm giá khá tốt – nếu bạn mua game trong thời gian giảm giá, liệu bạn có buộc phải bán lại nó với cùng mức giá đã giảm hay không? Nghe có vẻ công bằng, bởi sẽ ngăn được những thành phần cơ hội chuyên mua game giảm giá và bán lại với giá thông thường để kiếm lời. Nhưng điều đó đòi hỏi Steam phải tự động đưa ra giá bán nếu họ cho phép người dùng bán lại game trên nền tảng của mình.

Đó là chưa nói đến vấn đề bán game code bởi các bên thứ ba vốn diễn ra khá phức tạp từ trước đến nay. Có nhiều website mờ ám chuyên bán game code, như những game đã từng được mua trên Steam, với mức giá giảm rất sâu – G2A là một trong những trang đó. Các nhà phát triển độc lập (indie) đã và đang chỉ trích website này vì "gặm nhấm" những khoản lợi nhuận vốn đã rất ít ỏi của họ và khiến doanh số game bán ra giảm sút nghiêm trọng bằng cách mua các quảng cáo giới thiệu về dịch vụ bán lại game code hiển thị ngay bên trên các cửa hàng hợp pháp trong danh sách kết quả tìm kiếm Google.

Cho phép bán lại các bản game digital sẽ không biến Steam thành một website bán game code mờ ám như vậy – những website đó đã tồn tại từ lâu, chẳng liên quan đến Steam. Điều cần quan tâm ở đây là việc bán lại game code sẽ ảnh hưởng ra sao đến lợi nhuận của các nhà phát triển game độc lập như những gì họ đang phải trải qua với G2A.

Game thủ nên có quyền được cho đi những tựa game họ không còn muốn chơi nữa, theo bất kỳ cách nào có lợi cho họ - hẳn sẽ có khá nhiều người muốn vớt vát lại phần nào trong cả núi tiền họ đã đổ vào những đợt khuyến mãi game mùa hè của Steam. Nhưng bất kỳ thứ gì liên quan đến tiền bạc và pháp luật đều không đơn giản. Bạn nghĩ thế nào về tình huống này? Liệu game thủ có nên được phép bán lại các bản game digital sau khi đã chơi chán chê hay không?

Minh.T.T

Chủ đề khác