VnReview
Hà Nội

Vì sao sáng nay Hà Nội và TP.HCM vào top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới?

Sáng nay, ứng dụng quan trắc không khí AirVisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới và Thành phố Hồ Chí Minh xếp hạng 3 trong bảng xếp hạng này với chỉ số chất lượng không khí AQI lần lượt là 204 và 173.

AirVisual là hệ thống quan trắc không khí tự động tại 10.000 thành phố trên thế giới. Sáng nay, chỉ số AQI theo AirVisual của Hà Nội là 204, vượt qua cả Jakarta của Indonesia và bị ứng dụng AirVisual xếp hạng ô nhiễm nhất thế giới.

Kết quả của AirVisual khiến nhiều người bất ngờ bởi không khí ở Jakarta hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những đợt cháy rừng tại Indonesia nhưng vẫn bị ô nhiễm ít hơn Hà Nội. Tuy nhiên đối chiếu với kết quả trên hệ thống quan trắc PAMAir của Việt Nam thì đúng là sáng nay chỉ số AQI của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Bắc ở mức rất cao.

Chỉ số AQI của một số tỉnh, thành phía Bắc vào lúc 7h sáng nay là rất cao (theo dữ liệu của PAMAir)

Hệ thống PAMAir ghi nhận lúc 7h sáng nay, rất nhiều thành phố ở phía Bắc ghi nhận chỉ số AQI từ 150 - 200 (mức ảnh hưởng đến sức khỏe của tất cả mọi người). Những thành phố ở Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên có chỉ số AQI khoảng 170 - 180. Cá biệt là thành phố Vinh (Nghệ An) - một thành phố ở miền trung có chỉ số AQI vào sáng nay lên tới 200.

Phản hồi về thông tin Hà Nội trở thành thành phố ô nhiễm nhất thế giới vào sáng nay, một đại diện của Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho rằng số liệu thống kê của AirVisual là chưa đầy đủ và không khách quan. Vị này trả lời trên Zing cho biết: 'So sánh chỉ số AQI đó mà kết luận Hà Nội ô nhiễm nhất thế giới là không chính xác. Tại những website thống kê này, họ lấy số liệu từ 1 trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, chứ không phải lấy số liệu từ 10 trạm quan trắc của chúng tôi. Vì vậy số liệu này không đại diện cho cả thành phố và cũng không chính xác'.

Đại diện của Chi cục bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết thêm, ĐSQ Mỹ ở Hà Nội đặt tại đường Láng Hạ - nơi có rất nhiều công trình đang xây dựng cũng như mật độ giao thông cao vào buổi sáng nên thời điểm đó chất lượng không khí kém hơn so với mặt bằng chung của thành phố. Đồng thời, vị này cũng cho rằng thời điểm này Hà Nội không có chất lượng không khí tốt do đang là thời điểm giao mùa, xuất hiện rất nhiều sương mù dày đặc bao bọc toàn thành phố, đến gần trưa mới tan được. Đó là lý do khiến chất lượng không khí kém vào sáng sớm và tối muộn, khác với xu hướng thông thường. Thời gian tới, không khí Hà Nội nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức kém và phải chờ tới khi có các đợt không khí lạnh, gió mùa đông bắc về thì chất lượng mới được cải thiện.

Theo các chuyên gia trong ngành, nguyên nhân ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ thời gian gần đây được xác định một phần là do hoạt động đốt rơm rạ. Điều này phù hợp với các chỉ số không khí ô nhiễm thường là vào buổi sáng sớm và tối, buổi chiều không khí được cải thiện. Cùng với đó, các vùng ngoại thành ven đô Hà Nội và thành phố ở đồng bằng bắc bộ hiện đang trong mùa gặt lúa, hoạt động đốt rơm rạ nhiều là điều dễ hiểu. Điển hình là tối qua (25/9), chỉ số chất lượng không khí AQI của huyện Đông Anh (Hà Nội) lên tới mức 228.

Nguyên nhân của việc chỉ số AQI của thành phố Hồ Chí Minh sáng nay rất cao được trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường nhận định là do hoạt động khí tượng dẫn đến hiện tượng nghịch nhiệt khiến không khí ô nhiễm nằm sát mặt đất, không phát tán lên cao được, lớp mù ngày càng dày đặc, lâu tan. Ngoài ra, ô nhiễm không khí trong những ngày gần đây ở Thành phố Hồ Chí Minh còn liên quan đến hiện tượng sương mù quang hóa gây cản trở tầm nhìn và ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Ông Cao Tung Sơn - Giám đốc Trung tâm quan trắc tài nguyên môi trường khẳng định điều này và cho biết thêm sương mù quang hóa là hiện tượng thời tiết hết sức bất lợi, mang tính đặc thù, thường xảy ra tại địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối tháng mùa mưa (tháng 9, tháng 10) và vào thời điểm giao mùa đông xuân (tháng 1, tháng 2).

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam có liên quan mật thiết đến hiện tượng nghịch nhiệt. Nó có thể xuất hiện quanh năm nhưng tần suất cao nhất vào mùa đông khi không khí ổn định, đêm kéo dài. Đây là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ của lớp khí quyển trên cao lớn hơn nhiệt độ của lớp khí quyển phía dưới. Khi xảy ra nghịch nhiệt, lớp nghịch nhiệt đóng vai trò như một 'chiếc mũ' làm dừng quá trình xáo trộn trong bầu khí quyền, khiến các chất ô nhiễm bị giữ lại trong môi trường không khí. Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng nghịch nhiệt là một trong những nguyên nhân chính khiến nồng độ các chất ô nhiễm, đặc biệt là bụi mịn tăng cao đột biến ở Hà Nội.

Ô nhiễm tại Việt Nam chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2.5 - sát thủ trong không khí. Đây là loại bụi có các hạt bụi kích thước đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm, có thể xâm nhập vào tế bào cơ thể người, phá hủy cơ chế tự bảo vệ và miễn dịch từ bên trong tế bào và gây nên những căn bệnh cấp tính.

Chỉ số AQI là chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày. AQI ở mức từ 0 - 50 là tốt; không ảnh hưởng đến sức khỏe; AQI từ 50 - 100 là trung bình và chấp nhận được; AQI từ 101 - 150 là kém và ảnh hưởng đến sức khỏe nhóm nhạy cảm (người già, trẻ em...); AQI từ 150 - 200 là xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhóm nhạy cảm và nên tránh ra ngoài; AQI từ 200 - 300 là rất xấu và ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả cư dân; AQI từ 301 - 500 là nguy hại và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người.

T.T

Chủ đề khác