VnReview
Hà Nội

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang 'vướng' ở cơ chế, chính sách

Không thể phủ nhận những tác động vô cùng tích cực mà khoa học công nghệ mang lại nhưng rất nhiều nhà quản lý và chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là ở thể chế để 'hóa rồng' nhờ cách mạng công nghiệp 4.0.

Cần thay đổi tư duy quản lý

Trong Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra từ ngày 2-3/10 tại Trung tâm hội nghị quốc gia, rất nhiều chuyên gia cho rằng đây sẽ là thời cơ để Việt Nam chuyển mình và bứt phá. Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể là cơ hội vàng, chìa khóa vạn năng đối với các nước đang phát triển mà nếu tận dụng được thì Việt Nam sẽ đi tắt đón đầu để sánh cùng các nước khác và ở một số khâu mà chúng ta có lợi thế thì cố gắng tạo nên sự bứt phá vươn lên. Tuy nhiên, để có được điều đó thì trước hết Việt Nam cần xóa bỏ tư duy quản lý cũ.

Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban kinh tế Trung ương cho rằng: 'Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thực chất là cách mạng về thể chế bởi với việc phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số sẽ tạo ra lực lượng sản xuất bùng nổ và khiến cho khuôn khổ thể chế bấy lâu nay không còn phù hợp. Thậm chí nếu vẫn giữ khuôn khổ thể chế hiện tại sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước'.

Phần lớn các chuyên gia cũng đều cho rằng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cách mạng về thể chế. Bởi khuôn khổ thể chế truyền thống không còn phù hợp và phải thay đổi để thích nghi với sự biến đổi nhanh chóng của công nghệ.

Việt Nam hiện nay đang ở trình độ phát triển thấp, khi phát triển cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì nảy sinh không ít khó khăn, thách thức, từ đó nảy sinh nhiều suy nghĩ khác nhau về cuộc cách mạng này. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta cứ làm tốt cuộc cách mạng 0.4 đi đã, cớ gì nhanh chóng vội vàng làm 4.0. Bên cạnh đó cũng có nhiều tư tưởng suy nghĩ thể hiện sự chủ quan, nóng vội mà không tính đến mặt trái, hệ lụy, tác động tiêu cực mà cuộc cách mạng này mang lại. Như vậy, ở Việt Nam hiện nay đang có rất nhiều tư duy quản lý khác nhau về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm: 'Từ trước đến nay chúng ta vẫn có tư duy quản lý theo lối mòn là điều gì chưa quản lý được hoặc không quản lý được thì cấm. Nếu vẫn tiếp tục giữ tư duy đó thì sẽ;không còn đổi mới sáng tạo, không thể có cách mạng công nghiệp 4.0. Và như vậy chúng ta đã đứng lại trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tràn qua, cuối cùng chúng ta lại là người đến sau'.

Như vậy, theo các chuyên gia tại Diễn đàn cấp cao về cách mạng công nghiệp 4.0 thì muốn thành công Việt Nam cần thay đổi mạnh mẽ về thể chế. Các cơ chế chính sách để thúc đẩy doanh nghiệp tiến lên cần tiếp cận được sự đổi mới, nhanh và bắt kịp được với sự phát triển của công nghệ. Chúng ta cần đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội để xây dựng thể chế đáp ứng yêu cầu và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho rằng: 'Nếu chúng ta có chính sách phù hợp thì Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này để vượt lên thành nước phát triển. Chuyển đổi số là một cuộc cách mạng về chính sách và thể chế nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đây lại càng là lợi thế của Việt Nam, khi chúng ta có Đảng lãnh đạo, có thể ra được những quyết sách lớn một cách nhanh và tập trung'.

Các địa phương 'rối' ở cơ chế, chính sách

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến rất nhiều mặt của đời sống xã hội Việt Nam. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết tại diễn đàn: 'Từ diễn đàn năm ngoái đến nay, chúng ta đã có những hành động, đi đúng hướng và đạt được kết quả tích cực. Chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc từ 45 lên 42, chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc lên thứ 59, thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị...'

Tuy nhiên, đến hiện nay thì việc triển khai cuộc cách mạng 4.0 đến các địa phương gặp rất nhiều vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh mà nguyên nhân chính là ở cơ chế, chính sách. Ông Ngô Văn Quý - Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội chia sẻ băn khoăn của mình: 'Ở vấn đề chính quyền điện tử, muốn xây dựng thì sẽ phải có kiến trúc chính quyền điện tử đồng nhất cũng như phải có khung kiến trúc chính quyền điện tử từ trung ương. Bộ Thông tin Truyền thông vẫn đang triển khai xây dựng nhưng chưa hoàn thành. Cùng với đó nảy sinh việc một số ứng dụng công nghệ thông tin chưa xuyên suốt từ trung ương xuống địa phương. Nếu các địa phương cùng nghiên cứu một ứng dụng thì thứ nhất là không đồng nhất, thứ hai là muốn kết nối cũng không kết nối được'.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm: 'Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đã tích hợp được khoảng 2.000 camera của nhà nước và 1.000 camera của doanh nghiệp vào trung tâm điều hành chỉ huy thống nhất. Nhưng chúng ta phải xây dựng được khung kiến trúc cho camera để khi sử dụng hợp vào trung tâm điều hành của thành phố thì nó có khả năng phân tích, thậm chí phải có khả năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Để làm được việc này thì chính phủ phải có khung kiến trúc để đảm bảo tính đồng bộ. Cần biết rằng, nguyên tắc cơ bản nhất của công nghệ là phải đồng bộ'.

Cùng với việc chưa có một khung kiến trúc hoàn chỉnh cho việc ứng dụng công nghệ để phát triển thì ở Việt Nam hiện nay, rất nhiều việc liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0 cũng chưa có hành lang pháp lý cụ thể. Ông Trần Vĩnh Tuyến cho biết thêm: 'Hiện Việt Nam chưa có hành lang pháp lý cụ thể cho vấn đề nguồn dữ liệu. Ngoài đất đai thì dữ liệu cũng là tài nguyên rất quan trọng và phải có hành lang pháp lý cho nó. Vấn đề sở hữu trí tuệ của AI cũng chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ'.

Ngoài ra việc đầu tư công trong ứng dụng công nghệ vào quản lý điều hành hiện nay Việt Nam cũng chưa có cơ chế chính sách hợp lý. Một ví dụ đơn giản nhất là chính phủ khuyến khích không sử dụng tiền mặt trong thanh toán nhưng việc khuyến khích người dân thanh toán điện tử thì phải có các doanh nghiệp công nghệ đứng ra để làm. Tuy nhiên nhà nước hiện nay không cho phép chi tiền vào việc giải quyết vấn đề nghiệp vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thì không làm 'chùa' được, người dân thì không bao giờ chi trả cho việc này. Vậy nên việc triển khai thanh toán điện tử lại gặp khó khăn.

Không chỉ vậy, nguồn nhân lực công nghệ thông tin làm việc trong nhà nước là rất khan hiếm bởi lương thấp. Ông Ngô Văn Quý cho biết: 'Xu hướng chung là cán bộ công nghệ thông tin có năng lực làm trong nhà nước thu nhập thấp quá, họ chuyển ra ngoài làm. Việc tuyển dụng cũng rất khó khăn. Hiện nay chúng tôi đánh giá cán bộ công nghệ thông tin trong nhà nước mức lương chỉ bằng 1/4 so với làm việc ngoài nhà nước. Vì vậy, cần có chính sách đặc thù cho cán bộ công nghệ thông tin'.

Như vậy, có thể thấy thông tin về cách mạng công nghiệp 4.0 hiện đang diễn ra rất sôi nổi trong cả nước nhưng thực tế khi triển khai lại còn rất nhiều vướng mắc, đặc biệt là ở vấn đề cơ chế, chính sách. Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết trong thời gian tới Việt Nam sẽ hoàn thiện khung pháp lý cần thiết để phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 mạnh mẽ hơn.

T.T

Chủ đề khác