VnReview
Hà Nội

Vì sao AirVisual bất ngờ chặn người dùng tại Việt Nam?

Tối 6/10, AirVisual đã bất ngờ biến mất khỏi App Store cũng như Play Store của Việt Nam khiến người dùng không thể tải ứng dụng thống kê chất lượng không khí này về được.

Vì sao AirVisual 'biến mất' khỏi Việt Nam?

AirVisual là ứng dụng thống kê chỉ số chất lượng không khí (AQI) của công ty IQAir (Thụy Sĩ) được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế trích dẫn số liệu. Những ngày gần đây, ứng dụng này liên tục cập nhật Hà Nội là thành phố có chỉ số AQI cao nhất thế giới tại một số thời điểm trong ngày và được rất nhiều người tải về. Trước ngày 6/10, AirVisual là ứng dụng đo chất lượng không khí được tải nhiều nhất cả trên App Store và Play Store của Việt Nam. Thậm chí, trên App Store dành cho người dùng IOS, Air Visual còn đứng thứ 2 trong hạng mục App miễn phí.

Tối ngày 6/10 (giờ Việt Nam), AirVisual bất ngờ biến mất khỏi các cửa hàng App Store và Play Store của Việt Nam. Khi truy cập đến ứng dụng này trên các cửa hàng thì sẽ được thông báo 'Mục này không có sẵn ở quốc gia của bạn' và không thể tải về được. Cùng với đó, Fanpage của AirVisual cũng không thể truy cập được ở Việt Nam. Được biết, nhiều người dùng ngoài Việt Nam vẫn tải ứng dụng này về bình thường.

AirVisual nhận bình luận tiêu cực của người dùng

Theo tìm hiểu, AirVisual đã chủ động ẩn với người dùng Việt Nam bởi hiện đang nhận được quá nhiều bình luận và đánh giá tiêu cực trên nhiều nền tảng khác nhau. Cụ thể, trả lời trên Zing, đại diện của ứng dụng này cho biết: 'AirVisual đang bị tấn công đánh giá (đánh giá 1 sao và bình luận tiêu cực) trên nhiều nền tảng. Có nhiều tài khoản Facebook cho rằng chúng tôi đưa Hà Nội vào top 1 thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới để gây sự chú ý. Những tài khoản này đã kêu gọi những người theo dõi (follower) báo cáo ứng dụng của chúng tôi trên Google Play, App Store và Facebook'.

AirVisual bị ẩn ở Việt Nam

Tuy nhiên, đại diện của AirVisual cũng cho biết sau khi ẩn ứng dụng tại Việt Nam, nhà phát triển nhận được nhiều email quan tâm của người dùng và đã quyết định sẽ mang ứng dụng này trở về Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

Nguyên nhân của hiện tượng AirVisual nhận được quá nhiều bình luận và đánh giá tiêu cực của người dùng Việt có thể xuất phát từ việc Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh bất ngờ lọt vào top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới trong nhiều ngày liên tiếp. Nhiều người đang cảm thấy bất bình vì thông tin này và cho rằng AirVisual lừa đảo, mang thông tin xấu tới cộng đồng.

AirVisual trần tình về việc Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới

Cùng trong ngày 6/10, trang web chính thức của AirVisual đã trần tình về thông tin Hà Nội đứng đầu thế giới về ô nhiễm không khí. Ứng dụng này cho biết: 'Chúng tôi muốn mọi người nhận thức được rằng việc Hà Nội liên tục đứng đầu về AQI trên bảng xếp hạng thế giới không có nghĩa là Hà Nội bị ô nhiễm số 1 thế giới. Bảng xếp hạng này hiện tại đang bao gồm khoảng 90 thành phố trên toàn cầu và một thành phố có thể đứng đầu bất kỳ lúc nào. Điều này cũng đã xảy ra với London hay San Francisco vào năm ngoái'.

Không chỉ vậy, trong bài viết của mình, AirVisual cũng cho biết hàng năm họ có bảng xếp hạng về các thành phố ô nhiễm trên thế giới, kết hợp với GreenPeace. Báo cáo về bảng xếp hạng này được công bố vào tháng 3/2019 cho thấy Hà Nội không nằm trong top 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018.

Lời trần tình của AirVisual về chỉ số AQI cao nhất thế giới ở một số thời điểm của Hà Nội

Ở một diễn biến khác, sáng 7/10 AirVisual đã loại bỏ nhiều điểm quan trắc gây tranh cãi ở Hà Nội. Cụ thể hơn, trước ngày 7/10 số trạm quan trắc ứng dụng này cập nhật số liệu là 15 thì đến hôm nay chỉ còn 8. 7 trạm quan trắc bị loại bỏ trên AirVisual được coi là có số liệu cao bất thường so với các kết quả do chính các trạm quan trắc này đưa ra. Ví dụ như trong 7 trạm này thì có 2 trạm ở khu vực Tây Hồ - vị trí được coi là không khí trong lành bậc nhất Thủ Đô. Thế nhưng, chỉ số AQI tại 2 trạm này được cập nhật trên AirVisual lại luôn ở mức rất xấu (thường xuyên trên 200 thậm chí có thể lên tới gần 300).

Số trạm quan trắc của Hà Nội hiển thị trên AirVisual ngày 7/10

Số trạm quan trắc của Hà Nội hiển thị trên AirVisual ngày 30/9

Trong khi đó, đại diện của AirVisual vẫn lên tiếng khẳng định kết quả đo AQI hiển thị trên ứng dụng này là uy tín. Bà Louise Watt - đại diện của AirVisual khẳng định trên báo chí: 'Chúng tôi tin AirVisual là đơn vị uy tín trong cung cấp kết quả AQI. Chưa tổ chức nào làm được nhiều hơn chúng tôi trong đảm bảo dữ liệu chính xác và đáng tin cậy'.

Số liệu đo AQI của AirVisual có chính xác?

Theo ghi nhận của phóng viên VnReview.vn, số liệu AQI mà AirVisual công bố trên app và website của mình về Hà Nội thường xuyên có sự khác biệt so với con số mà các cơ quan chức năng Việt Nam đưa ra. Điều này là khó hiểu bởi đại diện của AirVisual từng khẳng định rằng tại Hà Nội họ thu thập dữ liệu từ nhiều trạm kiểm soát không khí, trong đó có 10 trạm thuộc chính phủ. Đó là mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/), Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn), Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. Các tổ chức phi chính phủ gồm ba đối tác của AirVisual (AirVisual Contributors) trong đó có một tổ đối tác do Trung tâm phát triển sáng tạo xanh (GreenID) vận hành.

Theo PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, nguyên viện trưởng viện Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) trả lời trên báo chí thì thông tin về chất lượng không khí mà AirVisual đưa ra 'không chính xác'. Ông cho biết: 'Họ trả lời là lấy số liệu quan trắc của thành phố Hà Nội và Tổng cục Môi trường thì tôi được biết là các đơn vị trên chưa hề có sự đồng ý liên kết bằng văn bản nào cả. Những thông tin họ đưa ra đã không chính xác thì chưa thể đặt sự tin tưởng vào bảng xếp hạng mà họ công bố'. Ngoài ra, ông Dũng cũng cho biết AirVisual đã không công bố cách thức mà họ đánh giá chất lượng không khí là như thế nào và để đánh giá AQI một cách chính xác thì phải có một quá trình nghiên cứu, tổng hợp dài hạn theo một quy trình, một phương pháp luận khoa học.

Đại diện của AirVissual cũng cho biết họ thu thập các chỉ số theo thời gian thực, chất ô nhiễm được đo dựa theo chỉ số chất lượng không khí của Mỹ. Vì vậy, nếu chỉ số của ứng dụng này không trùng khớp với các cơ quan chức năng của Việt Nam thì sẽ có khả năng nó được thu thập rồi tính toán và hiển thị theo cách tính của Mỹ.

Cần phải biết rằng chỉ số AQI hiện nay ở từng nước lại có một cách tính khác nhau. Chỉ số AQI ở Việt Nam và Mỹ hiện nay có 2 điểm khác biệt cơ bản. Thứ nhất là về cách tính, khi Việt Nam tính sử dụng công thức đơn giản còn Mỹ là dựa vào cách tính phức tạp. Khác biệt thứ 2 là về thông số được sử dụng. Theo quyết định 878/QĐ-TCMT thì Việt Nam hiện tại tính AQI theo các thông số: SO2, CO, NOx, O3, PM10, TSP còn tại Mỹ là O3, PM10, PM2.5, CO, NO2, SO2.

Không chỉ vậy, hiện ở các kho ứng dụng App Store và Google Store có rất nhiều ứng dụng khác nhau về đo không khí nhưng số liệu của các app này lại thường rất khác nhau và cũng khác luôn với số liệu mà cơ quan quản lý Việt Nam. Đồng thời, theo nhiều chuyên gia thì các App này thường công bố chỉ số chất lượng không khí theo thời gian thực - real time nhưng các trạm quan trắc của Hà Nội không cập nhật số liệu liên tục mà theo trung bình giờ. Đây chính là một dấu hỏi lớn cho các app đo AQI bởi không rõ họ lấy số liệu từ đâu mà có thể cung cấp chỉ số AQI theo thời gian thực.

Chính vì vậy, có thể nói AirVisual và một số app đo AQI khác hiện nay chỉ nên dùng để tham khảo chứ không nên tin tưởng hoàn toàn vào số liệu. Phần lớn các app như vậy không công bố cách tính toán của mình nên chúng ta không thể biết họ tính AQI theo chỉ số nào và công thức nào. Cần phải biết rằng tại mỗi quốc gia khác nhau sẽ có một cách tính AQI khác nhau tùy theo điều kiện của từng nước.

Người dân Hà Nội hiện tại có thể vào các website của mạng lưới quản lý chất lượng không khí Hà Nội, (http://moitruongthudo.vn/) và Trung tâm quan trắc môi trường miền Bắc (http://cem.gov.vn) để theo dõi chỉ số AQI được tính toán theo các quy chuẩn Việt Nam và được đo từ các trạm quan trắc của chính các cơ quan này.

T.T

Chủ đề khác