VnReview
Hà Nội

Ngăn đại dịch tiểu đường, Singapore là quốc gia đầu tiên cấm quảng cáo nước ngọt, cà phê hòa tan

Singapore đã ban hành chính sách mới trong khuôn khổ "cuộc chiến chống bệnh tiểu đường" và trở thành quốc gia đầu tiên cấm quảng cáo các loại nước giải khát có lượng đường cao, có hại cho sức khỏe.

Bộ trưởng Bộ Y tế Singapore Edwin Tong cho biết lệnh cấm áp dụng với quảng cáo các loại đồ uống có đường "ít có lợi cho sức khỏe" trên toàn bộ nền tảng truyền thông đa phương tiện, bao gồm cả in ấn, phát thanh, truyền hình và trực tuyến.

Theo hãng tin CNN, trong cuộc họp báo, ông cho biết quyết định ban hành lệnh cấm của chính phủ dựa trên kết quả của cuộc "khảo sát ý kiến cộng đồng".

Bộ trưởng còn nhấn mạnh rằng các loại nước ngọt, nước trái cây, sữa chua uống và các loại cà phê hòa tan đều bị cấm quảng cáo.

Ông cũng nói thêm rằng Bộ Y tế sẽ tiếp tục ghi nhận phản hồi từ người dân và từ các công ty sản xuất các loại đồ uống có đường trong vài tháng tới. Từ đó, Bộ sẽ có các bước hành động cụ thể trong chiến dịch này vào những năm kế tiếp.

Ngoài việc cấm quảng cáo, Bộ Y tế Singapore còn bắt buộc các sản phẩm đồ uống có đường phải dán nhãn màu ở phía trước để thể hiện hàm lượng dinh dưỡng và hàm lượng đường của sản phẩm.

Ông Tong cho biết hai biện pháp trên chỉ mới là bước đi đầu tiên của chính phủ nước này nhằm ngăn chặn căn bệnh tiểu đường. Ngoài ra, còn có hai biện pháp khác là tăng thuế tiêu thụ và cấm hoàn toàn đồ uống có lượng đường cao, tuy nhiên hiện chúng vẫn đang nằm trong "chương trình nghị sự".

Ông Tong cho biết thêm rằng "Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cẩn thận. Chúng tôi muốn tìm ra những giải pháp mang tính dài hạn, những giải pháp này không chỉ định hình lại hành vi của người tiêu dùng mà còn thúc đẩy các nhà sản xuất cải cách sản phẩm".

"Cuộc chiến chống bệnh tiểu đường"

Việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể dẫn đến béo phì và có nguy cơ cao mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, những người thường xuyên sử dụng từ một đến hai lon nước ngọt mỗi ngày có nguy cơ mắc tiểu đường loại 2 cao hơn 26% so với những người ít khi uống.

Hơn nữa, kể từ năm 1975 đến nay ước tính số người mác bệnh béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 lần.

Tuy là một trung tâm tài chính hàng đầu thế giới, nhưng Singapore đang phải đối mặt với sự già hóa dân số, khiến chính phủ phải tìm cách giảm tải gánh nặng chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Tỉ lệ người béo phì tại Singapore đang tăng dần từ năm 1990 và theo số liệu năm 2017 từ Tổ chức Bệnh đái tháo đường thế giới, cứ 7 người trưởng thành tại nước này thì có một người mắc bệnh tiểu đường.

Trước khi thông báo các chính sách mới, Bộ Y tế Singapore đã tổ chức một cuộc khảo sát ý kiến cộng đồng vào cuối năm ngoái về việc giảm thiểu lượng đường tiêu thụ. Đã có hơn 70% ý kiến ủng hộ việc quản lý chặt chẽ quảng cáo để tác động đến sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Bộ trưởng Tong cũng kêu gọi các công ty sản xuất nước giải khát định hình lại sản phẩm để có lợi cho sức khỏe hơn trong khi vẫn giữ được hương vị của mình.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, chi nhánh Coca-Cola tại Singapore cho biết họ rất hoan nghênh các chính sách mới của chính phủ nhằm giảm thiểu lượng đường tiêu thụ và khẳng định nó "không ảnh hưởng mấy đến danh mục đầu tư của công ty".

"Chúng tôi đã phát triển và cho ra thị tường các sản phẩm ít đướng và không đường. Bởi vì lượng đường ở mức độ vừa phải vẫn tốt cho sức khỏe, và chúng tôi biết rằng quá nhiều đường sẽ không tốt cho người dùng".

Minh Bảo

Chủ đề khác