VnReview
Hà Nội

Kẻ thuê người đổ dầu thải gây ô nhiễm nước sạch sông Đà ra đầu thú

Nghi phạm chỉ đạo 2 thanh niên đổ dầu thải xuống đầu nguồn nước gây ô nhiễm nước sạch sông Đà vừa ra đầu thú. Người này khai được chủ một doanh nghiệp thuê làm việc này.

Trao đổi với;Zing.vn ngày 20/10, đại tá Phạm Văn Lương, Phó giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, cho biết Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh), nghi phạm thứ 3 liên quan vụ đổ dầu thải xuống đầu nguồn gây ô nhiễm nước dẫn vào Nhà máy nước sạch sông Đà, ra đầu thú.

Ông Lương cho biết Vũ đến trụ sở Cơ quan điều tra Công an Bắc Ninh để trình diện sau gần 2 tuần bỏ trốn. Nghi phạm được bàn giao cho Công an tỉnh Hòa Bình để điều tra theo thẩm quyền.

"Ban đầu, Vũ khai có một giám đốc doanh nghiệp thuê anh ta đổ chất thải. Lời khai này đang được làm rõ", ông Lương cho biết.

Lý Đình Vũ vừa ra đầu thú. Ảnh: M.H.

Trước đó, công an tạm giữ đồng phạm của Vũ, gồm Nguyễn Chương Đại (25 tuổi) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi). Hai người này khai ngày 6/10, họ được Vũ thuê lái ôtô vượt hơn 100 km từ tỉnh Bắc Ninh đến Công ty gạch, gốm sứ Thanh Hà (ở thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) để lấy chất thải bơm vào 10 thùng chứa với tổng dung tích khoảng 10 m3.

Sau đó, 2 người này di chuyển tiếp quãng đường hơn 110 km về Công ty cơ khí cao su K90 (ở xã Chí Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) để gửi xe.

Ngày 8/10, Vũ và 2 đồng phạm sử dụng ôtô chở chất thải đến xóm Quyết Tiến, xã Phúc Tiến, huyện Kỳ Sơn để đổ trộm.

2 nghi phạm Đại và Thám. Ảnh: N.H.

Hiện tượng nước sạch sông Đà có mùi lạ xuất hiện từ ngày 10/10 ở nhiều quận ở Hà Nội. Sau sự cố, TP Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn, không uống nước nhiễm dầu và cung cấp miễn phí nước sạch.

Còn Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có thông báo tạm ngừng cấp nước để xúc xả tuyến ống truyền tải.

Nhận định đây là sự cố rất nghiêm trọng, làm đảo lộn cuộc sống của người dân nên UBND TP Hà Nội yêu cầu toàn bộ Ban quản trị tòa nhà chung cư, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc các tòa nhà, hộ gia đình.

Hai ôtô liên quan vụ án bị tạm giữ để điều tra. Ảnh: T.B.

Luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá hành vi đổ chất thải gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Đối với Viwasupco, đây là đơn vị ký hợp đồng với người dân để cung cấp nước sạch. Công ty này phát hiện việc đổ trộm dầu thải nhưng không báo cáo, cũng không có hành động liên quan để ngăn chặn số dầu này mà cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến dầu nhiễm vào nguồn nước bán cho người dân.

"Rõ ràng đây không phải là nước sạch cung cấp theo hợp đồng đã ký và theo cam kết nghĩa vụ với khách hàng của Công ty nước sạch Sông Đà", ông Thu nói.

Còn luật sư Trần Tuấn Anh (Giám đốc Công ty luật Minh Bạch) nhận định ngoài công ty nước sạch, UBND Hà Nội cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Theo luật sư, thành phố đã thể hiện vai trò quá "mờ nhạt, chậm chạp" khi phản ứng với sự cố môi trường nghiêm trọng này.

"Khi phát hiện sự cố, ngay lập tức UBND thành phố phải có động thái quyết liệt hơn", luật sư nói và viện dẫn một số giải pháp như ngừng cấp nước toàn bộ, lấy mẫu xét nghiệm và tìm ngay nguồn nước sạch thay thế.

Theo Zing

Chủ đề khác