VnReview
Hà Nội

200 tỷ cho 114 camera của tỉnh Vĩnh Long liệu có quá đắt?

Chủ trương đầu tư 199,1 tỷ đồng cho việc xây dựng hệ thống camera thông minh của tỉnh Vĩnh Long hiện đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận về chi phí và tính hiệu quả.

Ngày 17/10, HĐND tỉnh Vĩnh Long khóa IX, nhiệm kỳ 2016 - 2021, kỳ họp thứ 13 đã thông qua quyết định đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp và lắp đặt bổ sung hệ thống camera giám sát an ninh trật tự và xử lý vi phạm giao thông. Tổng mức đầu tư của dự án này được dư luận rất chú ý bởi lên đến 199,1 tỷ đồng.

Theo nghị quyết được thông qua, tỉnh Vĩnh Long sẽ lắp đặt 114 camera ở 79 vị trí trong đó có 67 camera giám sát an ninh trật tự ở 63 vị trí, 47 camera xử lý vi phạm giao thông ở 16 vị trí. Cũng chính vì việc lắp số lượng camera khá ít và với dự trù chi phí lên tới 199,1 tỷ đồng nên dự án này đang được dư luận rất quan tâm. Thậm chí có nhiều người còn tính thô sơ rằng mỗi chiếc camera được lắp có giá trị lên tới khoảng 1,7 tỷ đồng là quá đắt đỏ.

200 tỷ cho 114 camera liệu có quá đắt?

The quyết định của HĐND tỉnh Vĩnh Long, số tiền 199,1 tỷ chi cho dự án nói trên không phải chỉ dành riêng cho việc mua, lắp đặt camera mà còn dùng để xây dựng 3 trung tâm quản lý điều hành đặt tại Công an tỉnh, Phòng CSGT và Công an TP Vĩnh Long. Cụ thể các hạng mục được đầu tư bao gồm: chi phí xây dựng hơn 16,3 tỷ đồng; thiết bị hơn 151,5 tỷ đồng; quản lý dự án hơn 1,7 tỷ đồng; tư vấn đầu tư xây dựng hơn 2,1 tỷ đồng; dự phòng gần 15 tỷ đồng và chi phí khác hơn 12,4 tỷ đồng.

Theo nhiều nguồn tin, dự trù chi phí cho 1 chiếc camera ở Vĩnh Long là 125 triệu đồng/chiếc, tổng của 114 chiếc là hơn 10 tỷ đồng. Theo lãnh đạo tỉnh thì đây là loại camera chuyên dụng sử dụng công nghệ cao và khác với loại phổ thông thường được lắp ở các gia đình.

Được biết, gần 200 tỷ mà tỉnh Vĩnh Long đầu tư cho dự án nâng cấp hệ thống camera giám sát sẽ thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023, mỗi năm sẽ giải ngân khoảng 50 tỷ. Các camera sẽ được lắp trên toàn tình, trên tất cả các tuyến quốc lộ, đầu nối các điểm ra vào Vĩnh Long nhằm kiểm soát toàn diện tình hình an ninh trật tự.

Trong con số 199,1 tỷ đồng cho dự án, đáng chú ý là hơn 150 tỷ đồng tiền thiết bị. Như vậy trừ số tiền đầu tư cho camera thì con số đầu tư cho thiết bị tại các trung tâm điều hành là rất lớn. Theo Đại tá Phan Ngọc Tính, Phó giám đốc công an tỉnh Vĩnh Long thì về cấu hình, đường truyền, thông số kỹ thuật, máy chủ của dự án này có sự đầu tư rất lớn, thông minh hơn rất nhiều, phục vụ tốt hơn cho công tác điều tra, bảm đảm an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Để biết được chi phí này là đắt hay rẻ, chúng ta sẽ phải chờ xem các thiết bị, máy móc tại 3 trung tâm điều hành của tỉnh Vĩnh Long hiện đại đến đâu và có khả năng làm được những việc gì. Bởi cách đây không lâu, thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng trung tâm điều hành đô thị thông minh đặt tại trụ sở UBND TP. Chi phí xây dựng, mua thiết bị trong giai đoạn 1 của trung tâm này cũng lên đến khoảng 30 tỷ đồng, chưa bao gồm thuê bao đường truyền dẫn cáp quang riêng để kết nối các hệ thống. Ngoài khả năng tích hợp dữ liệu từ hệ thống camera của thành phố, trung tâm này còn có khả năng hiển thị các bảng thông tin tổng hợp phục vụ công tác điều hành từ hệ thống 1022, hệ thống 113 - 114 - 115...;

Việc lắp đặt 114 camera là có cần thiết hay không?

Rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc Vĩnh Long lắp đặt hệ thống camera hiện đại và xây dựng các trung tâm điều hành là có cần thiết hay không khi đây vẫn là một tỉnh nghèo.

Một số chuyên gia cho rằng Vĩnh Long hiện tại đã có hơn 6.000 camera giám sát an ninh, kết nối trực tiếp về màn hình bố trí tại trụ sở cơ quan công an. Đây là hệ thống camera xã hội hóa, do người dân đóng góp và tỉnh chỉ hỗ trợ một phần. Con số chính xác mà công an tỉnh Vĩnh Long đưa ra là tỉnh này đang có 6.186 camera an ninh được lắp đặt với kinh phí hơn 14 tỷ đồng. Nhiều người dân tỉnh Vĩnh Long cho rằng hiện hơn 6.000 camera này vẫn hoạt động tốt và lắp thêm 114 camera mới là quá lãng phí.

Cũng có ý kiến cho rằng việc xây dựng hệ thống camera và trung tâm điều hành hiện đại là cần thiết nhưng nguồn vốn nên lấy từ xã hội hóa. Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trả lời báo Kiến thức thì: 'Lắp hệ thống camera để kiểm soát tình hình giao thông, an ninh trật tự, nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, tấn công, trấn áp điều tra xử lý tội phạm trên địa bàn là điều tốt. Nhưng lắp camera phải huy động nguồn xã hội hóa, chứ không thể sử dụng tiền ngân sách.

Với tỉnh Vĩnh Long, 200 tỷ là số tiền lớn chứ không phải số tiền nhỏ. Như ở Đồng Tháp, hiện lắp camera nhiều nơi nhưng không sử dụng bằng tiền ngân sách mà đều từ xã hội hóa, từ nguồn vận động các nhà tài trợ'.

Tuy nhiên, một số cơ quan ban ngành của tỉnh Vĩnh Long cho rằng việc lắp mới 114 camera và xây dựng 3 trung tâm điều hành hiện đại là cần thiết. Theo công an tỉnh Vĩnh Long thì hơn 6.000 camera hiện đang có ở tỉnh này đã giúp ích rất nhiều cho công an trong việc điều tra, phá án. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thì nhiều camera đã hư hỏng, xuống cấp.

Còn theo ông Nguyễn Văn Liệt, Giám đốc sở Giao thông vận tải Vĩnh Long thì các camera đang có ở tỉnh này không còn đảm bảo các yêu cầu cần thiết trong xu thế phát triển, nó chỉ ghi lại hình ảnh, nhiều khi không thể nhận diện được.

Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long cho biết hiện dự án mới chỉ dừng lại ở giai đoạn 'trình HĐND chấp thuận chủ trương đầu tư'. Theo trình tự, khi tiến hành đầu tư sẽ có khái toán và lập hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư để xem xét.

T.T

Chủ đề khác