VnReview
Hà Nội

Người trẻ Hàn Quốc sử dụng mạng xã hội như nào để giữ phong trào bài Nhật tồn tại?

Mỗi lần quan hệ ngoại giao căng thẳng, phong trào tẩy chay hàng hóa Nhật Bản lại lây lan ở Hàn Quốc. Thường thì chúng không tồn tại được lâu. Thế nhưng, lần này thì khác!

Cơn giận dữ của người Hàn Quốc từ mấy tháng trước đến nay vẫn còn âm ỉ. Đằng sau sự tồn tại dai dẳng bất thường của nó, những người Hàn Quốc trẻ tuổi đang nỗ lực để giữ phong trào tiếp tục qua các mạng xã hội. Vừa qua, Uniqlo đã phải hứng chịu làn sóng chỉ trích nặng nề. Chiến dịch truyền thông kỷ niệm 25 năm thành lập của họ có phát một quảng cáo về áo lông cừu, mà sau này trở thành ngòi nổ.

Câu phụ đề tiếng Hàn khiến Uniqlo gặp rắc rối

Quảng cáo đã được phát sóng ở Hàn Quốc, trong đó một cô gái 13 tuổi hỏi một bà cụ 98 tuổi về cách ăn vận hồi xưa khi bà bằng tuổi cô. Bà cụ trả lời: "Ta không thể nhớ nổi!" (nguyên văn: "I can't remember that far back"). Phần phụ đề tiếng Hàn đã viết rằng: "Không thể nào! Làm sao mà ta có thể nhớ được những thứ đã xảy ra vào 80 năm trước chứ?" (nguyên văn: "No way! How can I remember something from 80 years ago?").

Tám mươi năm trước là năm 1939, thời điểm bán đảo Triều Tiên bị quân đội Nhật chiếm đóng. Bản phụ đề đã bổ sung cụm từ "80 năm trước" vốn không có ở bản gốc tiếng Anh, gây nên làn sóng chỉ trích mạnh mẽ, cáo buộc Uniqlo cố tình đưa vào để chế giễu những "phụ nữ mua vui" (comfort women) Hàn Quốc thời đó. Rất nhiều người nhắc lại yêu cầu đòi Nhật Bản phải bồi thường và đưa ra lời xin lỗi chính thức vì chuyện đó.

Một video sau đó lan truyền để nhắc nhở mọi người không được quên những chuyện trong quá khứ

Rất nhanh chóng sau đó, một video giễu nhại clip quảng cáo của Uniqlo lan truyền trên Internet. Trong video, một học sinh Hàn Quốc cùng một cụ bà là người đã sống từ thời chiến cùng nói: "Chúng ta sẽ không bao giờ quên được những nỗi đau khủng khiếp đó". Uniqlo sau đó đã phải gỡ đoạn video quảng cáo ngày 19/10. Một số người Hàn Quốc cho rằng mọi chuyện đã bị thổi phồng quá đáng, khi liên hệ câu nói đó với vấn đề "phụ nữ mua vui", nhưng hầu hết các bình luận trên mạng xã hội đều ủng hộ, cho rằng Uniqlo đã ‘đổ thêm dầu vào lửa'.

Hồi 2005, khi Nhật Bản và Hàn Quốc còn tranh cãi chủ quyền về quần đảo mà Nhật gọi là "Takeshima" còn Hàn gọi là "Dokdo", một đại lý bán lẻ ở Hàn Quốc của Honda Motor đã bị đốt cháy để phản đối. Tuy nhiên, giống như nhiều lần khác trong suốt quãng thời gian hai nước căng thẳng, người Hàn nhanh chóng để nó đi. Chỉ có lần này, mọi chuyện vẫn chưa chấm dứt. Sự khác biệt giữa bây giờ và mười năm trước, là ở không gian mạng. Một báo cáo phân tích về các cổng thông tin và mạng xã hội tiết lộ: phong trào tẩy chay đang được dẫn dắt bởi những người trẻ khoảng 20 và 30 tuổi.

Thanh niên Hàn Quốc bây giờ là lực lượng giữ cho phong trào tiếp tục tồn tại

Họ không có lãnh đạo tổ chức hoạt động một cách bài bản. Hơn nữa, cơn giận dữ ban đầu với Nhật Bản đã không còn nguyên, thay vào đó là cảm giác thỏa mãn khi thấy những chiến dịch trực tuyến được phát động trên mạng của họ có hiệu quả trên cả thực tế. Các từ khóa cũng thay đổi theo xu hướng này. Ban đầu, các từ "khó chịu", "yêu nước" hay "anti-Japan" lan rộng. Còn bây giờ, các từ "đáng vui", "hợp lý" hay "giảm doanh số" lại chiếm sóng.

Chiến dịch giờ bước sang giai đoạn mới. Họ đưa ra các cách thức thiết thực để tẩy chay hàng Nhật, như giám sát những ai ra vào cửa hàng Uniqlo, truyền tay nhau những mặt hàng có thể thay thế được hàng Nhật. Các mẹo vặt nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội. Từ màn hình máy tính, điện thoại, phong trào bước ra ngoài đời và tác động đến tinh thần của mọi người. Bây giờ, mọi người sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi nếu còn tiếp tục sử dụng đồ Nhật, trước ánh mắt dò xét của người khác. Các cửa hàng quần áo của Uniqlo trở nên vắng khách hơn xưa. Bia Nhật dần biến mất khỏi các kệ hàng. Nhiều chuyến bay đi Nhật cũng bị hủy.

Bia Nhật có nguy cơ bốc hơi khỏi thị trường Hàn Quốc vì bị tẩy chay, nhiều người đang ăn mừng chuyện này;

Một khi thấy ảnh hưởng trên thực tế đối với các nhãn hàng, những 'nhà hoạt động online' thao túng chiến dịch càng thỏa mãn, giống như họ đang chơi một trò chơi. Hệ quả, những người này đang thiết lập để mọi chuyện diễn ra càng lâu càng tốt, theo ý họ. Thật trớ trêu, "tẩy chay" không còn là từ xuất hiện nhiều nhất nữa kể từ khi đạt đỉnh hồi tháng Bảy. Có lẽ nó cũng không còn phù hợp. Một từ khác có thể thay thế sẽ là "mồi lửa". Bởi nếu không có những "đóm mồi", sự chú ý của công chúng sẽ dần mờ nhạt và biến mất như trong quá khứ.

Chính những hành động châm ngòi này đã đưa chiến dịch đi theo một cách khác. Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc săm soi kỹ lưỡng nhất cử nhất động của các thương hiệu Nhật Bản nổi tiếng. Sẵn sàng "châm mồi" biến bất kỳ sai lầm nào trở thành "đám cháy" lớn hơn. Chuyện của Uniqlo chỉ là một ví dụ điển hình.

Từ một quảng cáo tưởng như vô hại, Uniqlo bỗng trở thành điển hình cho hướng đi mới của phong trào bài Nhật

Những chiến dịch trước không kéo dài được lâu bởi chúng đều có lãnh đạo. Họ chọn cách truyền thống là biểu tình hàng dài trên phố, những người tham gia đa phần là lớn tuổi. Tầng lớp thanh thiếu niên không chú ý lắm đến các hoạt động như vậy. Còn lần này mới nhất, mạng xã hội dần đóng vai trò quan trọng hơn kéo dài sự tồn tại của phong trào. Từ những cá nhân thời đại kỹ thuật số cho đến các nhà hoạt động online, dần hình thành quan điểm của công chúng.

Có thể, bài Nhật sẽ trở thành một hoạt động thường ngày của họ, hay một thú tiêu khiển, hay một sở thích nhất thời. Tất nhiên rồi nó cũng sẽ qua đi, không thể kéo dài tình hình mãi mãi. Nhưng Emforce, một công ty digital marketing Hàn Quốc và là tác giả của báo cáo, cho rằng sẽ mất khá lâu để các nhãn hàng Nhật lấy lại thăng bằng.

Ambitious Man

Chủ đề khác