VnReview
Hà Nội

Hơn 11 nhà khoa học đưa ra lời cảnh báo khẩn thiết với nội dung: “tình trạng khẩn cấp về khí hậu”

Một nhóm các nhà khoa học đa quốc gia mới đây đã đưa ra lời cảnh báo rằng loài người sẽ phải đối mặt với những "nỗi khổ không kể xiết" nếu không tự hành động để bảo vệ hành tinh mình đang sống. Đây là kết luận của một cuộc nghiên cứu kéo dài suốt 40 năm và cũng là lời tuyên bố rằng Trái Đất sắp phải đối mặt với tình trạng "khẩn cấp về khí hậu".

Nóng lên toàn cầu và biến đổi khí hậu: Giống nhau khác nhau?

Nghiên cứu: Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, nhiều loài động vật không thích ứng kịp

Hơn 11 nhà khoa học đưa ra lời cảnh báo khẩn thiết với nội dung:

Bill Ripple, giáo sư về sinh thái học thuộc trường Đại học Bang Oregon, đồng tác giả của cuộc nghiên cứu, cho biết: "Chúng tôi đã tụ hợp cùng nhau để tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu bởi sự biến đổi khí hậu đang ngày càng tàn khốc và tiến triển nhanh hơn rất nhiều so với những dự đoán của giới khoa học. Nhiều người trong số chúng tôi còn cảm thấy rằng chúng ta đã không còn đủ thời gian để thay đổi hiện thực".

Ripple đã quen với việc phải đưa ra những lời kêu gọi như vậy, vào năm 2017, ông cũng là người đã viết lời cảnh báo tới nhân loại được đính kèm với đó là chữ kí của hơn 15.000 nhà khoa học. Trong lời cảnh báo ấy, ông đã nêu chi tiết về những tác hại mà loài người đã gây ra cho môi trường tự nhiên, đồng thời thúc giục chúng ta phải thay đổi.

Tuy vậy, lời cảnh báo mới nhất của ông, đăng tải vào hôm thứ Ba vừa qua, đã đặc biệt tập trung vào sự khủng hoảng về khí hậu và đối chiếu những dữ liệu về mức tăng dân số thường niên, tỷ lệ cây rừng phủ xanh bị mất, lượng khí thải nhà kính và mức năng lượng tiêu thụ trong suốt khoảng thời gian kéo dài bốn thế kỉ. Nó đã phản ánh một diễn biến đáng lo ngại: hầu hết những phương thức đo đạc về sự biến đổi khí hậu gây ra bởi loài người đang đi sai hướng kể từ năm 1979.

Đồng thời, cuộc nghiên cứu này cũng đưa ra sáu gợi ý về cách chúng ta có thể sử dụng để giảm thiểu những tác động của biến đổi khí hậu:

  • Thực hiện các ứng dụng giúp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trên quy mô lớn và chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo.
  • Giảm phát thải những nhân tố gây ô nhiễm như khí mê-tan, các-bon đen và HFC.
  • Phục hồi hệ sinh thái của Trái Đất, bao gồm những rặng san hô, cánh rừng, đồng cỏ,… đồng thời bảo vệ môi trường sống và sự đa dạng sinh học.
  • Giảm thiểu việc tiêu thụ những sản phẩm từ động vật và tiêu thụ lương thực có nguồn gốc chủ yếu từ thực vật.
  • Chuyển từ mục tiêu tăng trưởng GDP sang duy trì hệ sinh thái và cải thiện đời sống sức khỏe con người.
  • Ổn định và sau đó là giảm dần dân số thế giới.

Song cuộc nghiên cứu này lại không hề đưa ra cách thức để ứng dụng những biện pháp kể trên.

Nhóm 11.258 nhà khoa học đã kí vào lời cảnh báo này đến từ 153 quốc gia và thuộc vô số những lĩnh vực khoa học khác nhau, từ vật lí thiên văn tới khoa học thần kinh. Cuộc nghiên cứu đã được lưu hành thông qua các phương tiện truyền thông xã hội, những tác giả của nó còn trực tiếp gửi email tới những nhà khoa học đã kí tên trong phiên bản trước đó.

Thomas Newsome, một nhà sinh thái học thuộc Đại học Sydney, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: "Chúng tôi đã nhận được lượng chữ kí ủng hộ tới từ các nhà khao học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đây là điểm giúp phản ánh rằng họ là những nhân chứng cho các tác động tới từ sự biến đổi khí hậu gây ra ở thực vậy, động vật và hệ sinh thái mà học đang nghiên cứu".

May mắn thay đây không phải là kết cục của loài người. Nhóm tác giả đã lấy những cuộc tuần hành vì môi trường diễn ra trong thời gian gần đây và những chuyển biến diễn ra trong mỗi người như những dấu hiệu đầy khích lệ. Một vài dữ liệu cũng dường như đang chuyển biến sang hướng tích cực. Nhóm tác giả còn đưa ra dẫn chứng rằng tỷ lệ sinh toàn cầu đang giảm dần và phần năng lượng tiêu thụ tới từ điện gió và điện mặt trời đang tăng dần nhưng chúng ta cũng cần lưu ý rằng những biện pháp này cũng dường như trở thành phản tác dụng.

Một phản ứng kịp thời chắc chắn sẽ đem lại kết quả tốt hơn rất nhiều so với khi chúng ta không làm gì.

Tình trạng khẩn cấp về khí hậu là gì?

Chúng ta đã có một vài cụm từ khác nhau có thể sử dụng để mô tả những thay đổi làm ảnh hướng tới khí hậu toàn cầu. Bắt đầu là từ "ấm lên toàn cầu", sau đó là "biến đổi khí hậu". Và gần đây, các tác giả và ấn phẩm đã đổi sang sử dụng từ "khủng hoảng khí hậu". Tình trạng hiện nay, theo những dữ liệu mới nhất, đang tàn khốc tới mức đẩy chúng ta sang một giai đoạn mới, tại đây việc lật ngược tình thế đang dần trở nên khó khăn hơn.

Đây chính là lí do mà nhiều nhóm, từ địa phương tới quy mô quốc gia, trên toàn thế giới đã bắt đầu sử dụng cụm từ "khủng hoảng khí hậu". Sự thay đổi về ngôn từ sử dụng này phản ánh một phần tính quả quyết của những nhóm này, họ cũng mong điều này tạo ra nhiều chuyển biến mới hơn.

Một nhà khoa học tại trường Đại học Melbourne, Linden Ashcroft, cho biết: "Chúng ta có cả một câu chuyện lịch sử về cách sử dụng từ ‘biến đổi khí hậu' để giảm nhẹ thảm họa này, bởi vậy tôi cảm thấy rằng sự thay đổi về ngôn ngữ này một phần là để phá vỡ cái thế nói giảm nói tránh ấy".

Những lời tuyên bố này giống như hành động phất lên một ngọn cờ với khẩu hiệu "chúng ta cần hành động nhiều hơn" để dừng lại và để thay đổi những tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cũng là lời thúc giục các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách phải có một lập trường cứng rắn hơn.

Tháng 5/2019 là mốc thời gian đánh dấu việc Quốc hội Anh thông qua việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu cấp quốc gia, đây là quyết định chưa từng có tại bất kì quốc gia nào khác trên thế giới. Hai tháng sau, thành viên hạ viện Hoa Kì là Alexandria Ocasio-Cortex cùng Earl Blumenauer và Thượng nghị sỹ Bernie Sanders đã đưa ra một nghị quyết chung tại Quốc hội nước này về động thái tương tự.

Chắc chắn lời cảnh báo này sẽ là động thái nâng cao tính cần thiết của việc ban hành những quyết định tương tự kể trên. Tuy nó không đưa ra những giải pháp cụ thể nhưng theo Ripple thì nó có thể đóng vai trò làm nền tảng. Ông cho rằng: "Đây chính là thời điểm cần thiết cho các cuộc tranh luận rộng lớn hơn về cách thức chúng ta chiến đấu lại với sự biến đổi khí hậu. Tôi mong rằng sáu bước liên quan mà chúng tôi đã kiến nghị sẽ chính là mồi lửa cho chuỗi những thảo luận này".

Trung ND

Chủ đề khác