VnReview
Hà Nội

Nhìn lại Samsung Blue Earth và câu chuyện buồn về những chiếc điện thoại năng lượng mặt trời

Trong bối cảnh Trái đất ngày càng ấm lên, chủ đề về tái chế và những nguồn năng lượng có thể tái tạo được đang dần trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Điều đó khiến chúng ta nhớ lại một chiếc điện thoại đáp ứng cả hai tiêu chí trên: Samsung S7550 Blue Earth.

be

Đặc điểm nổi bật nhất của chiếc điện thoại này là nó có một tấm pin năng lượng mặt trời ở mặt lưng. Tấm pin này khiến máy trông khá ngầu, và quan trọng hơn là nó có ứng dụng thực tiễn: "chỉ" cần sạc dưới ánh sáng mặt trời một tiếng, bạn sẽ có đủ pin để thực hiện một cuộc gọi kéo dài…10 phút (dùng mạng 3G) hoặc thêm 2 tiếng thời gian chờ.

Tấm pin năng lượng mặt trời này được tích hợp vào nắp lưng máy và kết nối với điện thoại thông qua các chân cắm pogo. Có một đèn LED nhỏ màu xanh dương sẽ phát sáng khi điện thoại bắt đầu sạc từ ánh nắng mặt trời, cho bạn biết rằng mình đang sử dụng năng lượng sạch.

be

Blue Earth từ khi xuất xưởng đã là một chiếc điện thoại thân thiện với môi trường. Nó được làm từ vỏ chai nước PET tái chế và đặt trong một chiếc hộp làm từ giấy dễ tái chế, với chữ in bằng mực đậu nành. Chưa hết, Samsung còn cung cấp tài liệu hướng dẫn cách tái sử dụng hộp sản phẩm để làm khung ảnh hoặc hộp đựng bút chì nữa!

be

be

Chiếc điện thoại này có một chế độ gọi là "Eco", kích hoạt bằng một cú nhấn duy nhất, với chức năng điều chỉnh độ sáng màn hình và các thiết lập Bluetooth để kéo dài thời lượng pin. Nhưng nó còn khuyến khích bạn sử dụng ít năng lượng nữa.

Giống nhiều điện thoại ngày nay, S7550 có một bộ đếm bước chân, nhưng thay vì tính toán lượng calories đã đốt cháy, nó sẽ tính toán lượng CO2 sẽ thải ra khí quyển nếu bạn lái xe hơi thay vì đi bộ. Nó sẽ theo dõi điểm số của bạn và thôi thúc bạn đạt được điểm số cao hơn nữa.

be

Blue Earth không phải là chiếc điện thoại năng lượng mặt trời đầu tiên của Samsung – danh hiệu đó thuộc về chiếc E1107 Crest Solar, ra mắt vài tháng trước đó. Nó cũng không phải là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng vật liệu tái chế, mà là chiếc E200 ECO từ một năm trước. Nhưng cả hai chiếc điện thoại kia đều là những chiếc điện thoại cơ bản với chức năng hạn chế.

Ngược lại, Blue Earth là một chiếc điện thoại cảm ứng đúng nghĩa – chưa hẳn là smartphone, nhưng nó chạy giao diện TouchWiz, cũng được nửa chặng đường để trở thành smartphone rồi.

be

Máy được trang bị màn hình cảm ứng 3-inch, độ phân giải 240x400 px, cho phép bạn lướt web bằng 3G hoặc Wi-Fi. Nó có một ứng dụng viết blog và có thể gửi MMS với ảnh chụp từ camera 3.2MP ở mặt lưng. Ngoài ra, bạn còn có thể sử dụng trình phát nhạc MP3 và kết nối tai nghe Bluetooth với chuẩn A2DP, kèm theo một jack headphone 3.5mm với bộ nhận tín hiệu radio FM. Thậm chí máy còn có trình đọc tài liệu khá tốt, có thể mở được các tài liệu Word, Excel và PDF.

be

Bạn có lẽ sẽ nghĩ rằng Samsung Blue Earth hẳn là chiếc điện thoại hoàn hảo trong trường hợp bạn mắc kẹt trên một hòn đảo sa mạc, hoặc đi phượt ở những nơi xa xôi – với tấm pin năng lượng mặt trời, bạn sẽ không bao giờ lo hết pin, chưa kể nếu lắp thêm thẻ nhớ, bạn sẽ có thể lưu trữ đến 16GB nhạc và chơi vài tựa game cài sẵn.

Bên cạnh đó, máy còn có bộ phận nhận tín hiệu GPS và Google Maps. Tuy nhiên, thời đó Maps vẫn chưa hỗ trợ chế độ ngoại tuyến, nên nó cũng chẳng giúp được gì nhiều trừ khi bạn có sóng 3G. Ứng dụng Maps lúc bấy giờ cũng chưa hỗ trợ điều hướng, nên nếu lạc ở nơi hẻo lánh nào đó, bạn sẽ phải tự tìm đường về lại với nền văn minh loài người thôi.

Tuy nhiên, những điều thú vị trên chỉ là lý thuyết, và bạn sẽ chẳng muốn tự mình kiểm nghiệm đâu. Trước hết, Blue Earth không kháng nước. Và chơi game hay nghe nhạc sẽ khiến pin tụt nhanh hơn đến mức tấm pin năng lượng mặt trời kia chẳng thể sạc kịp.

be

Tạm gác giấc mơ phiêu bạt với Blue Earth sang một bên, điều thất vọng thực sự là những chiếc điện thoại năng lượng mặt trời không bao giờ trở thành một trào lưu được ưa chuộng. Năm 2010, một chiếc điện thoại khác mang tên Sagem Puma Phone xuất hiện, nhưng nó thậm chí còn kém phổ biến hơn. Ít nhất thì ý tưởng "tái chế" cũng thành hiện thực: ngày nay, khá nhiều nhãn hiệu đang dần sử dụng các vật liệu tái chế để sản xuất điện thoại, cũng như tái chế các điện thoại cũ.

Minh.T.T

Chủ đề khác