VnReview
Hà Nội

Apple, Google, Facebook liệu có đang tiếp tay cho nạn buôn người?

Theo điều tra của phóng viên BBC, nhiều phụ nữ bị bán như nô lệ ở Kuwait thông qua ứng dụng Instagram của Facebook hay trên các app có thể tải tại Google Play hoặc Apple App Store.

Nạn buôn người trực tuyến

Lái xe trên đường phố Kuwait, bạn sẽ rất khó khăn trong việc bắt gặp một người phụ nữ nào đó. Tuy nhiên, nếu có trong tay một chiếc điện thoại thông minh, bạn có thể cuộn qua cuộn lại hàng ngàn bức ảnh phụ nữ, được phân loại theo chủng tộc và có thể mua họ với giá vài nghìn USD.

Một cuộc điều tra của hãng thông tấn BBC đến từ Anh đã phát hiện ra rằng tại Kuwait, hàng ngàn người lao động đang bị mua bán bất hợp pháp thông qua một chợ đen trực tuyến. Một số giao dịch được thực hiện ngay trên Instagram - thuộc sở hữu của Facebook. Tại đây, các bài đăng buôn bán người được quảng bá thông qua hashtag và giá cả sẽ được đàm phán thông qua tin nhắn.

Một số giao dịch khác được thực hiện thông qua các ứng dụng tải về từ Google Play và App Store của Apple cũng như một vài web thương mại điện tử. Sau khi được cho biết về vấn đề, Facebook cho biết họ đã cấm những hasgtag liên quan đến buôn bán người còn Google và Apple thì đang làm việc với các nhà phát triển ứng dụng để ngăn chặn hoạt động buôn bán người bất hợp pháp.

Urmila Bhoola - báo cáo viên của Liên Hợp Quốc về các hình thức nô lệ đương đại cho biết: 'Các công ty công nghệ đang thúc đẩy một thị trường nô lệ trực tuyến, nếu Google, Apple và Facebook hoặc bất kỳ công ty nào khác cho phép điều này diễn ra thì họ phải chịu trách nhiệm'.

Hàng ngàn phụ nữ bị mua bán bất hợp pháp qua các ứng dụng có thể tải dễ dàng bằng điện thoại

Thị trường nô lệ sôi động

Tại Kuwait, cứ 10 gia đình thì 9 nhà có người giúp việc. Những người này đến từ một số nơi nghèo hơn và làm việc để kiếm tiền nuôi sống gia đình.

Đóng giả một cặp vợ chồng mới đến Kuwait, nhóm phóng viên của BBC tiếng Ả Rập đã nói chuyện với 57 người và tiếp xúc với hơn 10 người đang cố gắng bán cho họ những người giúp việc thông qua một ứng dụng có tên 4Sale.

Từ đó họ biết được, những người bán thường thu hộ chiếu của những phụ nữ, nhốt họ vào nhà, từ chối bất kỳ yêu cầu nào và không cho họ dùng điện thoại. Ứng dụng 4Sale còn cho phép lọc phụ nữ theo chủng tộc, với các khung giá khác nhau. Thậm chí khi nói chuyện với người bán, nhóm bí mật còn thường xuyên nghe thấy ngôn ngữ phân biệt chủng tộc.

Những người mua phụ nữ giúp việc cũng hành động như thể họ là 'chủ sở hữu'. Họ không cho phép người giúp việc nhà mình nghỉ ngơi bất kỳ ngày nào, từ chối những quyền cơ bản. Một người đàn ông nói với BBC: 'Giúp việc nhà tôi rất tốt, hãy tin tôi đi, cô ấy cười và có một gương mặt biết cười. Ngay cả khi bạn bắt cô ấy làm việc đến 5h sáng, cô ấy vẫn không phàn nàn'. Thậm chí, những người phụ nữ giúp việc ở đây còn được xem như một mặt hàng có thể mua đi bán lại. Một người nói: 'Bạn có thể thấy một người mua giúp việc với giá 2.000 USD rồi bán lại với giá 3.000 USD'.

Địa ngục

Nhóm phóng viên của BBC tiếp tục tìm hiểu và gặp một cô gái 16 tuổi có tên Fatou (tên đã được thay đổi để bảo vệ sự an toàn). Cô gái này bị bán từ Guinea ở Tây Phi và được thuê làm giúp việc trong 6 tháng. Dù rằng luật pháp Kuwait quy định lao động trong nước phải từ 21 tuổi trở lên.

Fatou, 16 tuổi kể lại quãng thời gian bị bán làm giúp việc của mình

Người bán Fatou cho biết cô gái này không được nghỉ ngơi, hộ chiếu và điện thoại đã bị lấy đi và không được phép rời khỏi nhà một mình. Tất cả những điều trên đều là bất hợp pháp ở Kuwait. Fatou sau đó được chính quyền Kuawait tìm thấy, đưa đến nơi cư trú do chính phủ điều hành và sau đó bị trục xuất về Guinea vì chưa đến tuổi thành niên. Cô kể lại quãng thời gian làm giúp việc của mình: 'Chủ thường la hét và mắng tôi, gọi tôi là con vật. Họ đánh đập và làm tôi đau nhưng tôi chẳng thể làm gì được'. Hiện tại Fatou đang đi học trở lại ở một trường tại Conakry (thủ đô của Guinea).

Một người từng bị bán đi làm giúp việc ở Kuwait cho biết: 'Nơi tôi ở thật sự là địa ngục, tôi phải ngủ cùng với những con bò trong chuồng và cũng chẳng ngủ được. Tôi cũng không được ăn và cũng không có gì cả'.

Chính phủ Kuwait đang có một chiến dịch chống lại nạn buôn bán người trực tuyến ở quốc gia này và khẳng định những ứng dụng như 4Sale sẽ được xem xét kỹ lưỡng. Tuy vậy, cho đến nay vẫn có rất ít sự thay đổi được tiến hành.

Cả Facebook, Google và Apple hiện tại đã được phản ánh về sự việc và cho biết đang có những bước đi để ngăn chặn nạn buôn bán người trên các nền tảng của họ. Tuy vậy, theo như phản ánh của BBC thì nạn buôn bán người trực tuyến không chỉ xảy ra ở Kuwait.

T.T

Chủ đề khác