VnReview
Hà Nội

Không phải nói gì, tung tin gì lên mạng cũng được

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng sáng nay đã trả lời trước Quốc hội và cho biết thời gian sắp tới sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người tung tin sai sự thật.

Hôm nay (8/11), Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Đây là lần đầu tiên tư lệnh ngành Thông tin - Truyền thông thực hiện công việc này. Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thông tin về việc xử lý nghiêm trách nhiệm người tung tin sai sự thật.

Nên thể hiện thái độ trước thông tin xấu bằng cách nhấn dislike

Vấn đề các thông tin xấu, độc, giả trà lan trên báo chí và mạng xã hội, ảnh hưởng đến người dân được rất nhiều đại biểu quan tâm và chất vấn bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng tình trạng thông tin, hình ảnh phản cảm trên báo chí, mạng xã hội ảnh hưởng xấu đến cán bộ công chức người dân đang khiến nhiều người bức xúc.

Cùng với đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) nhấn mạnh rằng nhiều bà con cử tri bức xúc trước việc nhiều người lợi dụng đưa các thông tin lên mạng xã hội, nói xấu, xuyên tạc, lôi kéo, kích động gây hậu quả xấu. Còn đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu ra vấn đề hiện nay có nhiều trang thông tin xấu, độc trên mạng nhưng có lượng độc giả lớn hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội. Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết nhiều trang giả mạo không chỉ giả mạo lãnh đạo Đảng, Nhà nước mà còn giả mạo cơ quan báo chí, doanh nghiệp, người nổi tiếng.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Trả lời những vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết trong thời gian tới, những người tung tin sai sự thật sẽ bị xử lý nghiêm theo Luật An ninh mạng. Ông phát biểu: 'Luật An ninh mạng hiện nay yêu cầu rất nghiêm ngặt là các nhà mạng phải cung cấp danh tính người sử dụng. Trên mạng có thể là nickname thôi, nhưng khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp danh tính thật'. Đồng thời ông cũng nêu quan điểm rằng không gian mạng không phải ai muốn nói gì, tung tin gì cũng được.

Không chỉ vậy, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho biết Việt Nam trong thời gian tới sẽ phải ban hành quy định pháp luật về xử lý tin rác, tin giả. Hiện nay Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả. Hiện vấn đề tin giả mang tính toàn cầu chứ không phải mình Việt Nam phải đối mặt. Để ngăn chặn tình trạng này yếu tố đầu tiên cần đến là hành lang pháp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho rằng: 'Phải nói thật là tin xấu độc cũng có khi từ chính chúng ta'. Điều này được lý giải là nếu như chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi tin xấu vì mỗi lần đọc tin xấu là một lần câu view, người đưa tin đấy được hưởng lợi tức là quảng cáo tăng lên.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng người sử dụng mạng không đọc thì sao biết nó xấu độc. Vấn đề làm thế nào để người đọc tự bảo vệ mình, phân biệt được cái nào đúng, cái nào sai.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trả lời rằng: 'Chúng ta xem một lần, vài lần thấy thông tin không đúng thì nên thể hiện thái độ. Trong các thông tin trên mạng xã hội thì thường có phần dislike, chúng ta nên thể hiện thái độ bằng việc đó'.

Về vấn đề mạo danh doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức, Bộ trưởng Hùng cho biết: 'Tới đây chúng tôi cũng sẽ xây dựng đầu mối tiếp nhận để xử lý, vì đúng là có tình trạng người dân bị giả mạo nhưng không biết kêu ai. Đồng thời chúng ta cũng tuyên truyền để người dân biết cách xử lý khi gặp vấn đề này'.

Sẽ có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã chất vấn bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về tình trạng những clip bạo lực, cờ bạc trên mạng xã hội. Trong đó, Đại biểu Phan Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn bộ trưởng Hùng về vấn đề phát tán những nội dung xấu, không đúng thuần phong mỹ tục trên mạng. Đại biểu Mong Văn Tình (Nghệ An) hỏi bộ trưởng hiện nay nhiều người làm clip về nội dung giang hồ, cổ xúy cờ bạc thu hút rất nhiều người theo dõi. Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn về vấn đề điện thoại thông minh ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: 'Các video này, bạo lực có, cờ bạc có. Công cụ phát hiện, cơ bản chúng ta có và càng ngày càng hoàn thiện. Các bộ, các ngành, địa phương chung tay. Cờ bạc thì Bộ Thông tin - Truyền thông nhận phát hiện là hạ xuống'. Đồng thời, tư lệnh ngành Thông tin - Truyền thông cho biết những nội dung không đúng thuần phong, mỹ tục, ảnh hưởng đến trẻ em thì những cơ quan liên quan phải vào cuộc. Ông cho biết: 'Nói như vậy là muốn nhấn mạnh, bây giờ chúng ta phải chuyển sang sống trên mạng và dọn dẹp rác ở trên ấy'.

Việt Nam sắp có bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội

Hiện tại Bộ Thông tin - Truyền thông cũng đang nghiên cứu, làm việc để ra một số khuyến nghị, đặc biệt là đối với trẻ em về việc sử dụng Internet, mạng xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết một số nước đã có quy định về tuổi được phép dùng điện thoại thông minh hoặc hạn chế thời gian chơi game của trẻ em. Ông hứa rằng Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ nghiên cứu và phát triển về vấn đề này.

Đồng thời, để giải quyết những vấn đề về tin xấu, tin độc trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết sẽ ban hành bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Ông nói: 'Mạng xã hội là không gian biểu đạt tự do của người dân. Trách nhiệm của chúng ta là hạn chế tiêu cực để không gian lành mạnh hơn. Mọi người tham gia phải có trách nhiệm. Chính phủ cũng đã giao nhiệm vụ và Bộ TTTT đã hoàn thành. Sắp tới bộ sẽ trình Chính phủ ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng. Đây là một khung mềm, chủ yếu hướng đến các tiêu chuẩn đạo đức'.

T.T

Chủ đề khác